1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vụ ám sát làm nóng lại Đông Ukraine

Washington sẵn sàng cung cấp thêm vũ khí sát thương cho chính quyền Ukraine nhằm giúp nước này củng cố lực lượng hải quân và phòng không.

Tình hình miền Đông Ukraine vừa đột ngột nóng trở lại sau cái chết của thủ lĩnh phiến quân hàng đầu được Nga hậu thuẫn hôm 31-8.

Đổ lỗi cho nhau

Ông Alexander Zakharchenko, "Thủ tướng" Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, thiệt mạng trong vụ nổ bị phe nổi dậy và nhà chức trách Nga quy trách nhiệm cho chính phủ Ukraine. Một số người thậm chí cho rằng có bàn tay của Mỹ trong vụ việc này. Ở chiều ngược lại, giới chức Ukraine phủ nhận sự liên quan và cho rằng vụ nổ có thể là kết quả của tình trạng đấu đá nội bộ hoặc một chiến dịch của lực lượng đặc nhiệm Nga.

Bất kể ai đứng sau vụ nổ, cái chết của ông Zakharchenko, người lên làm "Thủ tướng" DPR năm 2014, càng làm mờ mịt viễn cảnh về một giải pháp cho cuộc xung đột khiến hơn 10.000 người thiệt mạng trong 4 năm qua. Ông Eduard Basurin, người phát ngôn "Bộ Quốc phòng" DPR, cho biết vụ nổ gây ra bởi một quả bom cài trong nhà hàng "Separ" ở thủ phủ Donetsk.

Theo hãng tin DAN của phiến quân, vụ nổ còn khiến "Bộ trưởng Tài chính" Alexander Timofeev bị thương. Giao tranh đã giảm đáng kể sau khi lãnh đạo các nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp ký hiệp định tại thủ đô Minsk - Belarus năm 2015.


Hiện trường vụ nổ khiến ông Alexander Zakharchenko thiệt mạng ở Donetsk hôm 31-8 Ảnh: REUTERS

Hiện trường vụ nổ khiến ông Alexander Zakharchenko thiệt mạng ở Donetsk hôm 31-8 Ảnh: REUTERS


Ông Alexander Zakharchenko. Ảnh: REUTERS

Ông Alexander Zakharchenko. Ảnh: REUTERS

Moscow lập tức chỉ trích Kiev sau vụ nổ trên. "Thay vì thực hiện Hiệp định Minsk và tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột nội bộ, phía Kiev lại thực hiện một kịch bản khủng bố" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói về cái chết của ông Zakharchenko. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ ám sát là nỗ lực gây bất ổn miền Đông Ukraine và tuyên bố những kẻ đứng sau vụ việc phải bị trừng phạt.

Một số vụ ám sát nhằm vào các nhân vật nổi dậy hàng đầu đã xảy ra trong những năm gần đây nhưng người ta không thể xác định thủ phạm là người của Kiev hay trong nội bộ phe nổi dậy. Chẳng hạn, vụ cựu lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng Igor Plotnitsky bị thương nặng sau khi một quả bom nổ gần xe của ông này hồi năm 2016.

Phiến quân dọa trả thù

Trang The Drive nhận định cái chết của ông Zakharchenko có thể làm gia tăng căng thẳng giữa chính quyền Kiev và phe nổi dậy giữa lúc chiến sự nóng trở lại tại những khu vực tranh chấp ở miền Đông. Một quan chức cấp cao DPR gọi vụ việc là hành động khủng bố của Ukraine và tuyên bố sẽ trả thù.

Trong khi đó, theo đài Sputnik, ông Alexander Kazakov, cố vấn của lãnh đạo DPR, thông báo đã bắt các nghi phạm đứng sau vụ ám sát dù không tiết lộ danh tính. Ông này cho biết tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại DPR và mọi lối ra vào Donetsk đã bị đóng cửa.

Tình hình có thể thêm khó đoán sau khi đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Ukraine, ôngKurt Volker, cho tờ The Guardian biết Washington sẵn sàng cung cấp thêm vũ khí sát thương cho chính quyền Ukraine nhằm giúp quốc gia Đông Âu củng cố lực lượng hải quân và phòng không giữa lúc Moscow tiếp tục hậu thuẫn lực lượng nổi dậy ở miền Đông. Trước đó, Mỹ đã cung cấp cho lực lượng Ukraine tên lửa chống tăng Javelin hồi tháng 4. Đến tháng 5, quốc hội Mỹ thông qua khoản viện trợ quân sự trị giá 250 triệu USD cho Ukraine trong năm 2019.

"Tên lửa Javelin chủ yếu mang tính biểu tượng và hiện không rõ chúng có được sử dụng hay chưa. Tuy nhiên, sự hỗ trợ (của Mỹ) dành cho hải quân và phòng không Ukraine lại có tầm quan trọng hơn nhiều" - ông Aric Toler, nhà nghiên cứu của Hội đồng Atlantic (Mỹ), đánh giá.

Mỹ tin rằng hiện có khoảng 2.000 binh sĩ Nga ở miền Đông Ukraine và không có dấu hiệu cho thấy lực lượng này rời đi. Theo Hiệp định Minsk, Nga phải rút hết lực lượng khỏi Ukraine trong lúc Ukraine trao quy chế đặc biệt cho các quận có đa số người Nga ở hai vùng Donetsk và Luhansk. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã có một số bước đi hướng đến sự phân quyền nhưng dự luật quan trọng nhất lại đang bị đình trệ ở quốc hội và khó đạt tiến triển cho đến sau các cuộc bầu cử vào năm tới.

Theo ông Volker, Mỹ và Nga vẫn còn khoảng cách lớn về vấn đề triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đến khu vực để chấm dứt cuộc chiến kéo dài 4 năm qua. Quan chức này dự báo Tổng thống Putin sẽ đợi kết quả cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống ở Ukraine vào năm tới trước khi cân nhắc lại lập trường thảo luận của mình.

Theo Hoàng Phương

Người lao động