1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vỏ bọc của "cha đẻ" Hội chứng tự kỷ thiên tài trong cuộc thảm sát thời Quốc xã

Một ngày tháng 4-2002, tại khu tưởng niệm tập thể ở Nghĩa trang trung tâm Thủ đô Vienna (Áo), 2 phần thân thể cuối cùng của gần 800 nạn nhân bị Đức quốc xã giết hại trong chiến dịch “Cái chết nhân đạo” đã được chôn cất.

Cùng với việc những người đã gây ra thảm họa này đã bị xét xử ở tòa án chiến tranh nhiều năm trước đó, tưởng chừng như câu chuyện bi thảm về tội ác đó đã khép lại, nhưng lịch sử vẫn còn nhiều chuyện để kể lại.

Trong nhiều năm gần đây, Tiến sĩ Herwig Czech, nhà Y - Sử học tại trường ĐH Y khoa Vienna cùng cộng sự, Edith Sheffer - thành viên Viện Nghiên cứu châu Âu tại trường ĐH California ở Berkerley đã lục lọi hàng loạt tài liệu liên quan đến sơ yếu lý lịch, bản đánh giá hoạt động chính trị của chính quyền Đức Quốc xã và hồ sơ bệnh án lưu trữ tại nhiều cơ sở khác nhau. Tiến sĩ Herwig Czech hoàn toàn kinh ngạc khi rất nhiều trong số đó kết nối tới một cái tên - Hans Asberger.


Khu tưởng niệm nạn nhân Quốc xã ở Thủ đô Vienna, Áo

Khu tưởng niệm nạn nhân Quốc xã ở Thủ đô Vienna, Áo

Hans Asperger là ai?

Bác sĩ Hans Asperger sinh năm 1906 trong một gia đình Áo. Tốt nghiệp trường ĐH Y khoa Vienna, ông phục vụ nhiều năm trong lĩnh vực Nhi khoa và Tâm thần học. Hans Asperger có nhiều nghiên cứu về tình trạng mà con người thể hiện sự thiếu hụt khả năng giao tiếp, cũng như có hành động vụng về nhưng tỏ ra say mê một thú vui đặc biệt, thậm chí có khả năng trở nên xuất chúng - những biểu hiện sau này được biết đến dưới cái tên “Hội chứng phổ tự kỷ” (hay “Tự kỷ thiên tài”), nhưng tại thời điểm đó không được nhiều sự quan tâm và nhanh chóng bị rơi vào quên lãng.

Dù vậy, sự nghiệp của ông vẫn thăng tiến, trong một môi trường đầy hỗn loạn thời Quốc xã. Hans Asperger thường mô tả bản thân mình trước bạn bè, đồng nghiệp như một người bảo vệ bệnh nhân khỏi thảm họa diệt chủng của Đức Quốc xã, thậm chí còn bị Gestapo truy nã vì từ chối hợp tác với chúng.

Khi Đệ tam đế chế sụp đổ, Hans Asperger trở thành Giám đốc một Bệnh viện Nhi ở Vienna, đồng thời cũng là người đứng đầu một làng trẻ em SOS ở Áo. Năm 1981, ngay sau khi Hans Asperger qua đời, những ghi chép của ông về “Hội chứng tự kỷ thiên tài” được nhắc lại khi Lorna Wing - bác sĩ tâm thần học người Anh xuất bản một bài báo dựa trên những nghiên cứu đó, đồng thời gọi tên dạng phổ tự kỷ là “Hội chứng Asperger”.

Năm 2009, nhằm nâng cao nhận thức xã hội cũng như phương thức tiếp cận, điều trị đối với cộng đồng người tự kỷ, Chính phủ nhiều quốc gia đã lấy ngày sinh nhật của Hans Asperger (ngày 18-2) là Ngày Quốc tế những người mắc “Hội chứng Asperger”. Vậy bằng cách nào, một bác sĩ thành đạt, một nhà nghiên cứu tiên phong, cha của 5 đứa trẻ, với danh tiếng đã được thừa nhận ở tầm quốc tế lại liên quan đến cái chết của hàng trăm trẻ em vô tội?

Có quan hệ mật thiết với Đảng Quốc xã

Theo các tài liệu mà Tiến sĩ Herwig Czech tìm thấy, đằng sau vỏ bọc hoàn hảo hay những gì mà Hans Asperger tự mô tả về bản thân mình, sự thật ông ta có quan hệ mật thiết với Đảng Quốc xã. Dù không phải là thành viên Quốc xã, nhưng Asperger vẫn là hội viên của nhiều tổ chức liên quan đến đảng này và được trao tặng nhiều danh hiệu, từ đó mở ra nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Các cáo buộc từ những bệnh nhân Do Thái cũng tiết lộ: Hans thường xuyên có thái độ gay gắt và những quyết định chẩn đoán cảm tính, mang biểu hiện kỳ thị, phân biệt tôn giáo, chủng tộc, mà cụ thể là chủ nghĩa bài Do Thái.

Còn hơn thế, Hans Asperger hoàn toàn ủng hộ học thuyết ưu sinh của Đệ tam Đế chế. Theo đó, muốn xây dựng một chủng tộc Đức bách chiến bách thắng, phải loại bỏ những cơ thể yếu ớt, bệnh tật trong xã hội. Hans cũng không ngại chia sẻ quan điểm rằng: Giống như việc bác sĩ phải thực hiện mổ xẻ đau đớn cho bệnh nhân khi trị bệnh, chúng ta cũng phải thực hiện những nhát cắt trên “cơ thể quốc dân”. Và không chỉ ủng hộ về mặt tư tưởng, bản thân Asperger cũng trực tiếp tham gia vào Aktion 4 hay “Cái chết nhân đạo” - chương trình nhằm thực hiện học thuyết ưu sinh.


Bác sĩ Hans Asperger hoàn toàn ủng hộ học thuyết ưu sinh của Đức Quốc xã

Bác sĩ Hans Asperger hoàn toàn ủng hộ học thuyết ưu sinh của Đức Quốc xã

Những số phận bi thảm ở phòng khám Am Spiegelgrund

Tháng 4-1944, Hans Asperger, lúc này đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Vienna - ngồi đối diện và quan sát bé Herta Schreiber gầy gò, ốm yếu đang bám chặt cánh tay mẹ mình đầy sợ hãi. Em được đưa tới đây sau nhiều tháng mắc bệnh viêm não. Bác sĩ Asperger đã kiểm tra và chẩn đoán bé bị rối loạn tính cách, thiếu máu trầm trọng, phấn khích bất thường và thường xuyên co giật. Hans Asperger kết luận: “Đứa trẻ này là một gánh nặng không thể chịu đựng”.

Những kết luận của cá nhân Hans cũng như hội đồng đánh giá trẻ em tại Bệnh viện Tâm thần Gugging ở Vienna mà ông ta là thành viên sau đó đều dẫn Herta Schreiber cũng như hàng chục bệnh nhân nhỏ tuổi khác tới cùng 1 địa điểm: Phòng khám Am Speildrun - cũng như hàng chục trung tâm khác được xây dựng nhằm phục vụ chương trình “Cái chết êm ái”.

Ngày 2-9-1944, chỉ vài tháng sau khi đến Am Speildrun, Herta đã chết và nguyên nhân được cho là do viêm phổi. Thực tế, có thể bé đã phải ăn thức ăn có thuốc an thần trong nhiều tuần. Điều đó đã khiến phổi bé ngừng hoạt động và gây ra viêm phổi. Những trường hợp khác mà Tiến sĩ Herwig Czech đã ghi nhận đều có chung số phận: Gerhard Zehetner, được nhận vào phòng khám ngày 10-10-1942 và qua đời ngày 12-12, khi vừa 18 tháng tuổi. Gia đình Zehetner chỉ nhận được giấy chứng tử của em hàng chục năm sau đó. Hay Annemarie Tanner đến Spiegelgrund vào năm 1943, được chẩn đoán mắc bệnh còi xương và chết 15 tháng sau đó…

Chấn động dư luận khi sự thật được phơi bày

Từ năm 1940-1945, gần 800 trẻ em đã chết ở phòng khám Am Spiegelgrund. Chỉ rất ít nạn nhân may mắn sống sót, nhưng ký ức kinh hoàng vẫn bám chặt họ sau nhiều năm. Alois Kaufmann, được đưa đến Spiegelgrund lúc 10 tuổi, và thoát được sau 22 tháng “điều trị”, vẫn còn nhớ rõ cảnh tượng những người bạn của mình bị phẫu thuật trong khi vẫn tỉnh táo, hay cảnh tượng họ bị chết cóng trên ban công vào mùa đông.

Chưa dừng lại ở đó, cơ thể những nạn nhân sau đó sẽ tiếp tục được sử dụng vào những thí nghiệm. Trên thực tế, phần thân thể của gần 800 nạn nhân được tìm thấy chỉ là những mẫu não được đựng trong những ống nhôm đánh số, tên và bệnh án, mà theo lời của các nhà chức trách, họ đã phải rất vất vả để đấu tranh để giành lại, trước sự chống đối đầy quyết liệt của những bác sĩ ở bệnh viện nơi lưu giữ chúng dưới tầng hầm phòng khám trong suốt hàng chục thập kỷ, những người cho rằng, đây là những “mẫu vật nghiên cứu” đầy giá trị.

Báo cáo về Hans Asperger của Tiến sĩ Herwig Czech lập tức gây chấn động và vấp phải nhiều phản ứng. Tuy nhiên, Giáo sư Simon Baron Cohen của trường ĐH Cambridge (Anh), người chịu trách nhiệm xuất bản quyết tâm bảo vệ nó. “Bài báo này cần được công bố để phơi bày sự thật về một bác sĩ y khoa, trong một thời gian dài, luôn được coi đã có những đóng góp giá trị trong lĩnh vực Nhi khoa và Tâm thần trẻ em, nhưng thực ra lại là kẻ tích cực tham gia hỗ trợ cho tội ác của Đức Quốc xã”, Giáo sư Simon Baron Cohen khẳng định.

“Bài báo này cần được công bố để phơi bày sự thật về một bác sĩ y khoa, trong một thời gian dài, luôn được coi đã có những đóng góp giá trị trong lĩnh vực Nhi khoa và Tâm thần trẻ em, nhưng thực ra lại là kẻ tích cực tham gia hỗ trợ cho tội ác của Đức Quốc xã”.

Giáo sư Simon Baron Cohen (Trường Đại học Cambridge, Vương quốc Anh)

Theo An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm