1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Việt Nam nằm trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Pháp

(Dân trí) - Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5-7/9. Đây được coi là tín hiệu tốt cho các hoạt động giao lưu, hợp tác trong tương lai giữa 2 quốc gia đặc biệt trong bối cảnh Pháp đang xoay trục chính sách sang châu Á.


Tổng thống Pháp Francois Hollande. (Ảnh: EPA)

Tổng thống Pháp Francois Hollande. (Ảnh: EPA)

Theo đại sứ Pháp tại Việt Nam, chuyến thăm của Tổng thống Hollande tới Việt Nam - chuyến thăm thứ 3 của một tổng thống Pháp tới Việt Nam kể từ đầu những năm 1990 - nhằm thúc đẩy các biện pháp bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Pháp sẽ giúp Việt Nam quản lý tốt hơn chất lượng không khí bằng việc xây dựng các hệ thống đo đạc chất lượng. Tuy nhiên, một lĩnh vực nữa cũng đặc biệt được quan tâm đó chính là hai bên có thể thảo luận để củng cố hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược.

Chuyến thăm được kỳ vọng không chỉ củng cố hợp tác song phương về các vấn đề văn hóa, giáo dục mà còn củng cố hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác trong đó có kinh tế thương mại, quốc phòng đặc biệt là sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đề cập đến khả năng EU sẽ tuần tra hàng hải chung ở khu vực châu Á tại Diễn đàn Shangri-La Dialogue diễn ra ở Singapore tháng 6 năm ngoái.

Về lĩnh vực kinh tế, thương mại, việc củng cố quan hệ với Pháp mang lại những lợi ích cho kinh tế Việt Nam. Một báo cáo của Thượng viện Pháp năm 2014 đã nhấn mạnh đến ưu tiên hợp tác với các nền kinh tế Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Pháp là nước tài trợ lớn thứ 2 cho Việt Nam, chỉ sau Nhật Bản, với số tổng giá trị 1,7 tỷ USD kể từ năm 1993. Kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam năm 2014 đạt 858 triệu USD và tăng lên 1,57 tỷ USD năm 2015. Hiện có khoảng 300 doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Việt Nam, tạo ra 26.000 việc làm.

Về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, Hải quân Pháp lớn thứ 2 thế giới và Lực lượng bảo vệ chủ quyền giàu kinh nghiệm với 72 tàu chiến và tàu hỗ trợ. Vấn đề tự do hàng hải được Pháp đặc biệt quan tâm bởi có nhiều khu vực và lãnh thổ hải ngoại nằm rải rác trên tất cả các đại dương, đồng thời sở hữu Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng thứ hai thế giới. Mặc dù, các lãnh thổ hải ngoại của Pháp chủ yếu nằm ở Thái Bình Dương nhưng lợi ích gắn liền với Đông Nam Á của họ cũng đang tăng lên từng ngày.

Trong thập niên trước, Pháp đã mất chỗ đứng ở châu Phi và bây giờ họ muốn khẳng định vị thế ở châu Á. Với chuyến thăm tới Việt Nam, Tổng thống Hollande sẽ không chỉ thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế mà còn cả quan hệ quân sự, Diplomat dẫn nhận định của chuyên gia.

Sau vụ rò rỉ tài liệu mật của công ty chế tạo tàu ngầm DCNS, Pháp cần truyền đi một hình ảnh tích cực về sự tin cậy, nghiêm túc trong hợp tác quốc phòng. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm Pháp cần có một chính sách để cạnh tranh với các nhà cung cấp vũ khí ở châu Á, chưa kể Nga và Mỹ.

Về phía Việt Nam, trong bối cảnh vấn đề tranh chấp chủ quyền trong khu vực trở nên phức tạp, Việt Nam được cho là cần phải củng cố quan hệ với đối tác châu Âu, mà tiềm năng nhất trong lĩnh vực này có lẽ là Pháp.

Pháp bắt đầu chiến lược “xoay trục” sang Đông Nam Á từ năm 2013. Sau khi tàu khu trục hải quân Georges Leygues thăm thành phố Hồ Chí Minh, và tàu khu trục Vendemiaire thăm Đà Nẵng, tháng 5 năm ngoái, tàu tấn công đổ bộ Tonnerre của Pháp cũng đã cập cảng Cam Ranh. Điều này đủ chứng minh cho việc Pháp đang trở lại Biển Đông.

Minh Phương

Theo Diplomat