1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc "kêu gọi chiến tranh nhân dân trên biển"

(Dân trí) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói rằng hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích và nguyện vọng của các quốc gia trong và ngoài khu vực, vì vậy các nước cần tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực khi có các tuyên bố về vùng biển này.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (Ảnh: Quang Phong)
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (Ảnh: Quang Phong)

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn ngày 2/8 kêu gọi quân đội, cảnh sát và người dân Trung Quốc chuẩn bị cho "một cuộc chiến tranh nhân dân trên biển", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ trong cuộc họp báo chiều nay 4/8:

“Tôi cho rằng các quan chức của các nước cần phát biểu và hành động một cách phù hợp với các tuyên bố chính thức cũng như nghĩa vụ của quốc gia mình, là tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới”, ông Bình nói.

Người phát ngôn khẳng định, hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích và nguyện vọng của các nước trong và ngoài khu vực, các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Liên quan tới thông tin Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc ngày 2/8 ban hành quy định xử lý hình sự đối với ngư dân nước ngoài đánh bắt cá trái phép trong lãnh hải và các vùng biển Trung Quốc ngang ngược tự nhận là của mình, ông Lê Hải Bình cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đang tìm hiểu thông tin chính thức và cụ thể về việc này.

“Việc đối xử với ngư dân hoạt động ở Biển Đông trước hết phải phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các thoả thuận đã đạt được giữa các nước trong khu vực và trên tinh thần nhân đạo. Chúng tôi cũng bảo lưu các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế”, ông Bình nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc xây dựng nghĩa trang ở Hoàng Sa, người phát ngôn cho biết: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Mọi hoạt động của các bên tại các khu vực thuộc Hoàng Sa, cho dù dưới bất kỳ hình thức gì, đều là phi pháp và không thể làm thay đổi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Liên quan tới việc Trung Quốc mở trang web về Biển Đông, trong đó ngang nhiên gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là của Trung Quốc, ông Lê Hải Bình khẳng định: “Việc làm này của phía Trung Quốc không làm thay đổi được thực tế là Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

Trước đó, Trung tâm Thông tin thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA) đã lập ra trang mạng tuyên truyền về cái gọi là chủ trương, chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm áp đặt chủ quyền phi lý của Bắc Kinh tại vùng biển này.

Thành Đạt