1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Việt Nam góp tên trong top 10 trung tâm “outsourcing” thế giới

(Dân trí) – Một số tên tuổi lớn trong ngành công nghệ thông tin thế giới đang chú ý hơn tới Việt Nam khi muốn tìm kiếm nhân tài thiết kế game và viết phần mềm (outsourcing). Đi đầu có lẽ là Microsoft và Intel.

Năm 2002, khi phân nhánh trò chơi video của Tập đoàn Microsoft triển khai việc tìm kiếm nguồn nhân lực từ bên ngoài thì Việt Nam chưa phải là một đích ngắm thực sự. Nhưng khi nhóm khảo sát thực địa trở về sau một chuyến vòng quanh châu Á, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc, thì một công ty nhỏ có tên là Glass Egg Digital ở TPHCM đã trở thành ứng viên số 1.

 

Kể từ sau thành công của dự án thử nghiệm thiết kế xe đua 3-D dùng cho trò đua ô tô Forza Motorsport - được cài sẵn trong tất cả các bộ Xbox, quan hệ đối tác giữa Glass Egg với Microsoft ngày một phát triển bền vững.

 

Hiện nay, Glass Egg Digital đảm nhiệm việc thiết kế hầu như toàn bộ 330 mẫu ô tô khác nhau cho trò Forza Motorsport 2.

 

Tới đây, Microsoft dự kiến sẽ đặt hàng Glass Egg Digital thiết kế những mô hình khó hơn như đường đua và các thành phố trong trò chơi này, chứng tỏ Tập đoàn của Bill Gates hài lòng với sản phẩm của các kỹ sư tin học Việt Nam.

 

Danh sách khách hàng của Glass Egg ngày một dài, với những tên tuổi lớn trong ngành CNTT thế giới như Electronic Arts (ERTS), Sony Computer Entertainment Europe (SNE), Codemasters, và Atari (ATAR). 2 năm qua doanh thu của công ty tăng 50%.

 

Một tín hiệu đáng mừng là Glass Egg không phải là công ty duy nhất của Việt Nam giành được hợp đồng thiết kế phần mềm cho các đối tác nước ngoài. Nếu công ty Alive Interactive gây ấn tượng với các tập đoàn phần mềm nước ngoài bằng khả năng thiết kế các mẫu ô tô cho trò chơi video thì công ty TMA Solutions đang gia công phần mềm cho các tập đoàn lớn như Nortel (NT), Comsys và Alcatel-Lucent (ALU).

 

Công ty Việt Nam có hợp đồng “outsourcing” lớn nhất hiện nay là một phân nhánh của Tập đoàn FPT – vừa bán 10% cổ phần với giá 36,5 triệu USD cho Tập đoàn Texas Pacific (TFG) và Intel Capital – chi nhánh chuyên về đầu tư của hãng chế tạo mạch máy tính Intel.

 

Một bằng chứng nữa khẳng định tiềm lực lớn của Việt Nam là việc ngày càng có nhiều tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới quyết định hoặc đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Hồi tháng 3 năm nay, Chủ tịch Intel đã đến Việt Nam và hé lộ kế hoạch đầu tư khoảng 600 triệu USD để xây dựng một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chíp tại TPHCM. Sau đó, Intel đã quyết định nâng tổng vốn đầu tư lên 1 tỷ USD.

 

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 4, Bill Gates, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft cũng đã chia sẻ nhận xét tốt đẹp của ông về tiềm năng CNTT của Việt Nam.

 

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan, Việt Nam còn phải vượt qua một số trở ngại nếu muốn trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các tập đoàn CNTT thế giới. Tốc độ kết nối Internet hiện nay của Việt Nam vẫn còn quá thấp do không có mạng băng thông rộng. Đó là lý do tại sao nhân viên của Công ty Glass Egg thường xuyên phải chờ đến nửa đêm để upload hoặc download dữ liệu.

 

Một trở ngại nữa là hiện nay ngành CNTT Việt Nam hiện có rất ít người nói tiếng Anh trôi chảy, mặc dù khách hàng vẫn coi đây chỉ là một điểm rất nhỏ vì hầu hết mọi trao đổi đều được thực hiện qua email. Nguyên nhân là do mức lương của Việt Nam quá thấp. Các lập trình viên có thu nhập chỉ bằng 1/10 so với các đồng nghiệp ở Mỹ.

 

Nói một cách thẳng thắn thì Việt Nam chưa có tên trên bản đồ CNTT thế giới. Với kim ngạch xuất khẩu phần mềm và các sản phẩm CNTT khác chỉ đạt 70 triệu USD vào năm ngoái, còn lâu Việt Nam mới theo kịp Ấn Độ - nước có doanh thu xuất khẩu công nghệ cao không dưới 17,7 tỷ USD vào năm 2007.

 

Theo nhận định của Glass Egg, Việt Nam sẽ bị Trung Quốc đánh bại về chi phí. Nếu muốn “ghi điểm” trong 5 năm tới, Việt Nam phải tăng chuỗi giá trị”.

 

Một tín hiệu đáng mừng là mới đây TPHCM đã lọt vào danh sách 10 trung tâm “outsourcing” mới tốt nhất thế giới do Tạp chí Business Week bình chọn, làm cẩm nang cho các nhà lãnh đạo. 9 trung tâm còn lại bao gồm: Buenos Aires (Argentina), Bucharest (Rumani), Đại Liên (Trung Quốc), thủ đô Mexico, Matxcơva (Nga), Prague (CH Séc), St. Petersburg (Nga), Santiago (Chilê), và Sao Paulo (Brazil)

 

Như Tùng

Theo Business Week

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm