1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Việt Nam đóng vai trò không thể thiếu trong chính sách "hướng Đông" của Nga

Đông Phong

(Dân trí) - Nga đang mở rộng ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam đóng vai trò cầu nối giúp Moscow liên kết chặt chẽ hơn với các tổ chức khu vực quan trọng như ASEAN, giới chuyên gia nhận định.

Việt Nam đóng vai trò không thể thiếu trong chính sách hướng Đông của Nga - 1

Tiến sĩ Ekaterina Koldunova, quyền giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow (Ảnh: mgimo.ru).

Hình ảnh con đại bàng có hai đầu quay về hai hướng Đông Tây đã gắn liền với quốc huy của Nga trong nhiều thế kỷ, ngoại trừ giai đoạn Liên Xô. Ý kiến được tán đồng rộng rãi là hình ảnh này tượng trưng cho lãnh thổ rộng lớn của Nga, với 2/3 diện tích nằm ở châu Á.

Nỗ lực "hướng Đông" mới nhất của Nga được chú trọng từ năm 2012 khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba. Chiến lược tập trung vào ba mục tiêu: thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Viễn Đông nước Nga, hồi sinh quan hệ với các nước thuộc Liên Xô cũ thông qua hội nhập Á-Âu, và tăng cường quan hệ với các nước Đông Á.

Đối với mục tiêu thứ ba, Đông Nam Á ngày càng giữ vai trò lớn hơn trong chính sách đối ngoại của Nga, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị có những chuyển biến tại khu vực. Theo giới quan sát, Nga đang tìm cách tăng cường quan hệ với ASEAN và Việt Nam được xem là đối tác đáng tin cậy trong quá trình này.

Tăng cường "hướng Đông"

"Là đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở Đông Nam Á, Việt Nam có vai trò cực kỳ quan trọng đối với Nga không chỉ ở khía cạnh quan hệ song phương. Việt Nam còn là 'cửa ngõ' giúp Nga gắn kết với các tổ chức khu vực như ASEAN", tiến sĩ Alexander Korolev, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học New South Wales - Sydney (Australia), người chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại Nga, nói với Dân Trí.

Đây có thể là một trong những chủ đề thảo luận khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm Tổng thống Vladimir Putin tại Moscow ngày 30/11 trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga.

Chuyến thăm diễn ra sau Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nga kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ hồi tháng 10 và Diễn đàn Kinh tế Phương Đông được tổ chức tại Vladivostok hồi tháng 9.

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nga lần thứ 4 hôm 28/10, Tổng thống Putin tái khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác với các nước Đông Nam Á.

"Tăng cường quan hệ với ASEAN và các quốc gia thành viên đã luôn và sẽ luôn là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của Nga", ông Putin nói, theo website Điện Kremlin. "Giờ đây, chúng ta có những cơ hội thực sự để tăng cường hợp tác giữa Nga và ASEAN, bao gồm củng cố ổn định và an ninh, phục hồi kinh tế sau đại dịch, thúc đẩy thương mại và mở rộng các mối quan hệ nhân đạo".

Nỗ lực của Nga bao gồm việc thông qua Kế hoạch Hành động Toàn diện, một lộ trình 5 năm (2021-2025) tập trung vào hợp tác thương mại - đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững với 10 thành viên ASEAN.

Việc ông Putin tham gia hội nghị là tín hiệu cho thấy Moscow dành ưu tiên cao cho việc mở rộng ảnh hưởng tại khu vực, theo các nhà phân tích. Ưu tiên này không phải mới, song sự hồi sinh của nhóm "Bộ Tứ" gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, cũng như liên minh "AUKUS" gồm Mỹ, Anh và Australia đã góp phần thúc đẩy kế hoạch của Moscow.

Tháng trước, hãng thông tấn Tass đưa tin một đội tàu chiến và tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã di chuyển vào Ấn Độ Dương trên đường đến địa điểm triển khai thường trực. Động thái diễn ra cùng với chỉ trích của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhằm vào chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" mà Mỹ và các đồng minh đang theo đuổi.

Dự kiến, Nga và ASEAN sẽ lần đầu tiên tổ chức tập trận hải quân chung, từ ngày 1 đến 3/12 trên vùng biển Indonesia.

Cạnh tranh địa chính trị

Dù vậy, trong chính sách "hướng Đông" của Nga cho đến nay, sự hiện diện của Moscow tại Đông Nam Á vẫn còn hạn chế. Trong 30 năm qua, Nga và ASEAN mới chỉ có 4 lần tổ chức hội nghị cấp cao, trong khi ASEAN với Trung Quốc và Nhật Bản đều là 24 lần, với Ấn Độ là 18 lần, hay với Mỹ cũng đã 9 lần.

Về thương mại và đầu tư, Nga xếp thứ 9 trong các đối tác của ASEAN theo thống kê năm 2019. Thương mại hai chiều giữa Nga và ASEAN trước đại dịch Covid-19 đạt khoảng 20 tỷ USD/năm, trong khi vào năm 2019, thương mại giữa ASEAN với Anh đạt 52 tỷ USD, với Australia - 93 tỷ USD, với Mỹ - 362 tỷ USD, và với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN - là 644 tỷ USD.

Quan hệ kinh tế chưa bao giờ là mặt mạnh nhất trong quan hệ ASEAN và Nga, theo tiến sĩ Ekaterina Koldunova, quyền giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow. Thay vào đó, giao lưu văn hóa và nhân dân là những động lực chính của mối quan hệ trước đại dịch.

Trong hai năm qua khi đại dịch Covid-19 nổ ra, Moscow cũng đẩy mạnh ngoại giao vaccine tại khu vực. Lào, Philippines, Myanmar, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đều đã đặt mua hoặc có kế hoạch mua vaccine Sputnik V của Nga.

"Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang đặt ra thách thức cho nhiều nước Đông Nam Á vì sức ép buộc các nước này chọn phe ngày càng gia tăng trong khi họ không muốn làm vậy", bà Koldunova nói với Dân Trí. "Trong bối cảnh này, hợp tác về kỹ thuật quân sự, chính trị và kinh tế với một bên thứ ba trung lập, chẳng hạn như Nga, là cơ hội quan trọng".

Một điểm đáng chú ý, theo học giả người Nga, là Moscow đã mở rộng đáng kể hợp tác kỹ thuật quân sự với hầu hết các quốc gia ASEAN trong suốt 5 năm qua. Nga chiếm 26% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Đông Nam Á trong giai đoạn 1998-2018, trong khi Mỹ đứng thứ hai với 20%, theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.

Vai trò quan trọng của Việt Nam

Việt Nam đóng vai trò "không thể thiếu" trong nỗ lực của Nga nhằm tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á, theo ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales - Canberra, một trong những chuyên gia hàng đầu về Việt Nam và khu vực.

"Nga và Việt Nam rất tin cậy lẫn nhau dựa trên những tương tác giữa hai bên trong quá khứ", ông Thayer nói với Dân Trí, chỉ ra việc Nga là nước đầu tiên trở thành "đối tác chiến lược" của Việt Nam vào năm 2001 (được nâng lên thành "đối tác chiến lược toàn diện" vào năm 2012).

Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ việc Nga trở thành đối tác đối thoại của ASEAN và sau đó thúc đẩy Nga tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á, cũng như các cơ chế đa phương khác do ASEAN dẫn dắt. Đối với Việt Nam, hợp tác chặt chẽ với Nga thể hiện sự nhất quán trong chính sách đối ngoại "đa phương hóa, đa dạng hóa" mà Việt Nam theo đuổi.

Với chính sách "hướng Đông", Nga cũng theo đuổi mục tiêu "đa dạng hóa" các mối quan hệ tại khu vực châu Á, theo tiến sĩ Korolev. Bằng cách tăng cường kết nối với Hà Nội, bao gồm hợp tác quân sự - kỹ thuật và các dự án năng lượng chung, Moscow có thể tạo ra một cấu hình "quyền lực và lợi ích" cân bằng hơn, đồng thời làm dài thêm danh sách đối tác ở châu Á.

Các nhà quan sát khác cho rằng mối quan hệ Việt - Nga có thể trở thành hình mẫu cho các nước ASEAN đang muốn tăng cường hợp tác với Moscow trong những lĩnh vực mà hai bên cùng có lợi. Việt Nam là thành viên ASEAN đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), sau đó là Singapore. Một số nước như Thái Lan và Indonesia gần đây đã thể hiện quan tâm đối với việc ký kết một hiệp định tương tự.

Tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông do Nga tổ chức hồi tháng 9, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam luôn sẵn sàng làm cầu nối cho các doanh nghiệp của Nga cũng như của EAEU mở rộng quan hệ với ASEAN.

"Sự thành công của hợp tác Việt - Nga gửi đi thông điệp rằng Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á có những lựa chọn thay thế về chính trị, kinh tế và công nghệ trong mối quan hệ giữa họ với các thành viên của cộng đồng quốc tế", bà Koldunova nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm