1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Việt Nam - đối tác quan trọng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Là nền kinh tế đang nổi trong khu vực Đông Á đang phát triển năng động, Việt Nam là đối tác quan trọng của WEF và đang hợp tác với WEF trong một số lĩnh vực cùng quan tâm.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại WEF Davos 2014 (ảnh VGP)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại WEF Davos 2014 (ảnh VGP)
Thành lập vào năm 1971 theo ý tưởng của Chủ tịch – Nhà sáng lập Klaus Schwab, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày nay đã trở thành một trong những diễn đàn uy tín nhất thảo luận về các vấn đề kinh tế-phát triển cũng như các xu thế lớn tác động tới chính sách của các nước, khu vực và quan hệ quốc tế ở cấp độ toàn cầu.

Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng Một hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Diễn đàn Davos có sự tham dự của đông đảo các vị nguyên thủ quốc gia;lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới; lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu, trong đó có những cá nhân đã góp phần tạo ra các trào lưu công nghệ-kinh doanh mới như tỷ phú Bill Gates; các chuyên gia có uy tín, bao gồm nhiều học giả đã đoạt giải thưởng Nobel; ngoài ra còn có đại diện các tổ chức xã hội, tôn giáo, văn hóa… Với thành phần tham dự như vậy, các diễn đàn Davos là những cơ hội rất tốt để các đại biểu trao đổi về các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm, cũng như tăng cường các hoạt động kết nối, mở rộng quan hệ đối tác.

Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp

Những năm gần đây, trước sự vươn lên mạnh mẽ của các nền kinh tế đang nổi, WEF ngày càng chú trọng tới các vấn đề thảo luận được các nền kinh tế đang nổi quan tâm. Ngoài việc đưa các nội dung như cải tổ các thể chế quản trị toàn cầu, các mô hình tăng trưởng mới, quan hệ giữa các nền kinh tế đang nổi và các nước phát triển… vào thảo luận tại diễn đàn Davos, WEF rất coi trọng ý nghĩa của các diễn đàn khu vực như WEF Davos mùa hè tại Trung Quốc, diễn đàn WEF về Mỹ La tinh, diễn đàn WEF về Trung Đông... Tại khu vực Châu Á, Diễn đàn WEF Đông Á là khuôn khổ quan trọng để trao đổi, phân tích đánh giá các vấn đề kinh tế và phát triển của khu vực, thảo luận và đề xuất các biện pháp ứng phó với thách thức chung, mới nổi, bao gồm cả các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu...

Là nền kinh tế đang nổi trong khu vực Đông Á đang phát triển năng động, Việt Nam là đối tác quan trọng của WEF và đang hợp tác với WEF trong một số lĩnh vực cùng quan tâm. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia tích cực tham gia triển khai Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp (New Vision for Agriculture) với mục tiêu chính là bảo đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường thông qua cách tiếp cận thị trường, gắn kết sự tham gia của các bên liên quan (chính phủ, doanh nghiệp, người nông dân), đặc biệt là thông qua mô hình đối tác công - tư.
 
Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp đã thu hút sự tham gia của hơn 250 tổ chức từ nhiều lĩnh vực và khu vực địa lý khác nhau, góp phần hình thành quan hệ đối tác tại 14 quốc gia ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Các nỗ lực này đã góp phần huy động trên 5 tỷ USD cam kết đầu tư và ước tính sẽ thu hút sự tham gia của trên 13 triệu nông dân (hoạt động ở quy mô nhỏ) trong 3-5 năm tới.
 
Sự tham gia tích cực của Việt Nam được WEF đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần vào thành công của Sáng kiến này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam đang phối hợp với 15 Tập đoàn đa quốc gia, các công ty nước ngoài, Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai mô hình “Đối tác công – tư ngành nông nghiệp” trên năm nhóm hàng hóa và một nhóm tài chính vi mô, bao gồm cà phê, chè, rau quả, thủy sản và các hàng hóa chung.
 
Hợp tác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng là lĩnh vực được cả Việt Nam và WEF quan tâm. Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Việt Nam của Giám đốc điều hành WEF Philip Roesler, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Tái xác định lợi thế cạnh tranh của Việt Nam thông qua tăng cường khả năng thích ứng trước các rủi ro” với sự tham dự của các chuyên gia về năng lực cạnh tranh của WEF.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia WEF, Việt Nam đang có trong tay những điều kiện thuận lợi để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bao gồm lực lượng lao động trẻ sáng tạo, chăm chỉ và năng động, bên cạnh đó là những giá trị cộng đồng và gia đình. Dự kiến trong thời gian tới, các Bộ/ngành, cơ quan của Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể với WEF trong lĩnh vực quan trọng này.

Tháng 6/2010, Việt Nam đã đăng cai Diễn đàn WEF Đông Á tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của hơn 450 đại biểu, gồm các nhà lãnh đạo chính phủ các nước trong khu vực, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới, các học giả và báo chí quốc tế. Thành công của Diễn đàn đã góp phần vào các hoạt động trao đổi, đối thoại về các vấn đề kinh tế-phát triển của khu vực Đông Á, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Những trông đợi từ Diễn đàn Davos 2015

Diễn đàn Davos thường niên 2015 được tổ chức từ ngày 21-24/1/2015 với sự tham dự của hơn 2.500 đại biểu, trong đó có hơn 30 nguyên thủ quốc gia và đông đảo các đại biểu quốc tế. Diễn đàn Davos lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế-chính trị thế giới có nhiều biến động.
 
Trước thềm Diễn đàn, ngày 15/1/2015 WEF đã công bố Báo cáo Rủi ro toàn cầu 2015 trong đó đánh giá các rủi ro về địa chính trị có nhiều khả năng xảy ra và có mức độ tác động lớn nhất đối với tình hình kinh tế-chính trị thế giới trong năm 2015 và 10 năm tới, đồng thời thế giới tiếp tục phải đối mặt với những rủi ro về kinh tế như thất nghiệp, bất ổn tài chính, nguy cơ giảm phát và các cú sốc về năng lượng.
 
Trong bối cảnh này, WEF đã lựa chọn chủ đề chính của Diễn đàn là “Bối cảnh toàn cầu mới” với các nội dung thảo luận tập trung vào đánh giá bối cảnh kinh tế và địa chính trị toàn cầu và các chủ đề ”nóng” khác của thế giới và các khu vực. Diễn đàn được trông đợi sẽ đề xuất các giải pháp giúp các quốc gia tranh thủ cơ hội, ứng phó với những thách thức từ những biến chuyển trong môi trường kinh tế-chính trị quốc tế và khu vực, đồng thời khuyến nghị về các chính sách thúc đẩy sự phát triển bền vững của các quốc gia cũng như các giải pháp kinh doanh cho các doanh nghiệp.
 
Đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn Davos 2015 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu. Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ tham dự một số phiên thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng, đặc biệt là tham dự các phiên thảo luận liên quan tới tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN – một trong những điểm nhấn của Diễn đàn Davos năm nay – cùng với lãnh đạo nhiều nước ASEAN và các đại biểu trong và ngoài khu vực.
 
Bên cạnh các hoạt động của đoàn đại biểu Chính phủ, sự tham dự của một số doanh nghiệp Việt Nam tại Diễn đàn được WEF đánh giá sẽ góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam tới các đối tác và nhà đầu tư quốc tế.
 
Theo Vũ Quang Minh (Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế)
Thế giới và Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm