Vị thế ông Assad tăng nhờ Aleppo
Bộ Quốc phòng Nga ngày 14-12 cho biết quân nổi dậy Syria ở TP Aleppo đã phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn mới nhất đạt được một ngày trước đó do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, các tay súng nổi dậy “đã nối lại các hành động thù địch” từ rạng sáng, cố tìm cách tấn công các mục tiêu của chính phủ Syria . Đáp lại, quân đội của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad cũng tuyên bố nối lại các chiến dịch quân sự tại Aleppo.
Diễn biến trên đã phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn đạt được nhằm mang lại “hòa bình” cho Aleppo - nơi nhiều người dân vẫn mắc kẹt tại những khu vực ít ỏi còn nằm trong tay quân nổi dậy .
Theo thỏa thuận, cuộc sơ tán dân thường và các tay súng nổi dậy Syria còn lại ở TP Aleppo đáng lẽ diễn ra từ rạng sáng 14-12 (giờ địa phương) nhưng rốt cuộc bị trì hoãn mà không rõ nguyên do.
Hãng tin AP (Mỹ) dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nói rằng các tay súng nổi dậy đã nã súng vào một đoàn xe chuẩn bị rời khỏi TP.
Trái lại, các nhóm nổi dậy tại Aleppo cáo buộc phiến quân Shiite do Iran hậu thuẫn và có liên minh với lực lượng của Tổng thống Assad đang cản trở lệnh ngừng bắn. Trong khi đó, đài Orient TV thân phe nổi dậy cho biết kế hoạch sơ tán có thể bị trì hoãn tới ngày 15-12.
Theo tờ The Guardian, tại phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 13-12, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power đã nói rằng chính phủ Syria cùng Nga và Iran phải chịu trách nhiệm về những cái chết của dân thường ở Aleppo.
Nữ đại sứ cáo buộc 3 quốc gia này đã “thắt thòng lọng” người dân trong TP. Câu hỏi “quý vị không biết xấu hổ sao?” của bà Power vấp phải phản ứng giận dữ của Đại sứ Nga Vitaly Churkin.
Bất chấp thỏa thuận sơ tán gặp trục trặc, việc quân đội Syria chiếm lại hoàn toàn Aleppo chỉ còn là vấn đề thời gian, qua đó chấm dứt cuộc chiến kéo dài 4 năm qua ở TP lớn thứ 2 của Syria này.
Theo AP, một chiến thắng như thế đánh dấu chính quyền Tổng thống Assad đã giành quyền kiểm soát hầu như tất cả khu vực thành thị quan trọng, từ đó sẵn sàng tìm kiếm một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến của cộng đồng quốc tế chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang hoành hành ở những khu vực phía Đông Bắc Syria. Triển vọng về một sự hợp tác như vậy từng được cho là điều không tưởng.
Hàng loạt chính quyền phương Tây lâu nay vẫn kiên quyết lật đổ ông Assad sau cuộc chiến kéo dài 6 năm ở Syria cướp đi sinh mạng hàng trăm ngàn người và đẩy một nửa dân số nước này vào cảnh vô gia cư, đồng thời khiến hàng triệu người dân tìm đường tị nạn đến các nước láng giềng và châu Âu.
Thế nhưng, cục diện đã có nhiều thay đổi khi Nga hậu thuẫn mạnh mẽ cho chính quyền Assad và không có cường quốc nào dành quá nhiều sự quan tâm cho cuộc chiến. Yếu tố quan trọng hơn cả là lập trường của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump - người nói bóng gió sẵn sàng làm việc với Nga và ông Assad. Trong khi đó, các nhóm nổi dậy phân tán, thiếu động lực và sự hậu thuẫn đáng kể.
Chuyên gia phân tích Jennifer Cafarella từ Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ) cho rằng việc tái chiếm Aleppo cho phép Tổng thống Assad có thể mạnh miệng tuyên bố rằng ông là nhà lãnh đạo hợp pháp của Syria, từ đó vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Theo Thu Hằng
Người Lao động