1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lý do xe tăng siêu nhỏ đình đám của Liên Xô bị “chết yểu”

(Dân trí) - Vào đầu những năm 60, Liên Xô từng phát triển một trong những mẫu xe tăng nhỏ nhất thế giới được trang bị tên lửa, song kế hoạch này rốt cuộc không thành công như mong đợi.


Xe tăng Object-775 của Liên Xô (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin)

Xe tăng Object-775 của Liên Xô (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin)

Mẫu xe tăng mang mật danh Object 775 lần đầu được Liên Xô “trình làng” vào năm 1964. Đây cũng là thời điểm các lực lượng quân sự trên thế giới đang nỗ lực phát triển những chiếc xe bọc thép hạng nặng đầu tiên có khả năng mang tên lửa. Quân đội Liên Xô khi đó đã thử nghiệm việc kết hợp hai tổ hợp tên lửa phòng không, Rubin và Astra, lên cùng một phương tiện. Kết quả là sự ra đời của xe tăng Object-775.

Thiết kế


Object-775 là một trong những mẫu xe tăng nhỏ nhất thế giới được trang bị tên lửa (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin)

Object-775 là một trong những mẫu xe tăng nhỏ nhất thế giới được trang bị tên lửa (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin)

Khác với các mẫu xe tăng truyền thống, Object 775 được thiết kế với kíp điều khiển gồm 2 người ngồi trong hai buồng lái riêng biệt bên trong tháp pháo. Khi tháp pháo quay theo các hướng, kíp lái cũng quay theo, từ đó cho phép mở rộng tầm quan sát của họ.

Việc thiết kế lại chỗ ngồi cho kíp lái cũng giúp thu nhỏ kích cỡ của xe tăng. Các kỹ sư đã thiết kế chiều cao của Object-775 chỉ ở mức 170cm, tức thấp hơn gần 1m so với các mẫu xe tăng khác cùng thời. Điều này đã góp phần nâng cao tính linh động của Object-775, giúp xe giảm nguy cơ bị trúng đạn trên chiến trường.

Vào thời điểm được phát triển đầu thập niên 60, Object-775 là một trong những xe tăng nhỏ nhất trên thế giới được trang bị tên lửa. Tuy nhiên, kích thước nhỏ cũng có một số hạn chế như giảm tầm nhìn của kíp lái trên thực địa và bất kỳ vật cản nào cũng có thể trở thành mối nguy hiểm đối với mẫu xe tăng mini này.

Tên lửa

Xe tăng mini của Liên Xô được đánh giá cao về hệ thống hỏa lực (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin)
Xe tăng mini của Liên Xô được đánh giá cao về hệ thống hỏa lực (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin)

Mặc dù có kích thước nhỏ, song điểm mạnh của Object-775 nằm ở hệ thống vũ khí được trang bị trên xe tăng này. Object-775 được thiết kế với tháp pháo bằng thép đúc với pháo rãnh xoắn 125mm, có thể phóng cả tên lửa dẫn đường và không dẫn đường.

“Các tên lửa dẫn đường được gắn đầu đạn và vận hành bởi hệ thống dẫn đường hồng ngoại. Các tên lửa có thể tấn công các mục tiêu cách xa 4km và xuyên qua lớp giáp dày 250mm”, chuyên gia phân tích quân sự Viktor Litovkin cho biết.

Theo chuyên gia Litovkin, Object-775 được trang bị hệ thống nạp đạn tự động và việc phóng hỏa lực được thực hiện thông qua một bảng điều khiển do chỉ huy vận hành.

“Các tên lửa không được dẫn đường của xe tăng Object-775 có các đầu đạn phân mảnh cực mạnh. Khi chạm tới mục tiêu, các mảnh đạn này sẽ văng ra trong phạm vi bán kính hàng chục mét và được xem là loại vũ khí hiệu quả để đối phó với lực lượng binh sĩ của đối phương”, ông Litovkin cho biết thêm.

Đạn bắn ra từ Object-775 có thể tấn công mục tiêu cách xa 9km, không thua kém uy lực của các mẫu xe tăng ngày nay. Object-775 có thể mang 24 tên lửa dẫn đường và 48 tên lửa không dẫn đường. Tổng cộng xe tăng này có thể mang tới 72 tên lửa.

Hạn chế


Vì một số lý do nên Object-775 không được tiếp tục sản xuất (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin)

Vì một số lý do nên Object-775 không được tiếp tục sản xuất (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin)

Mặc dù được trang bị hỏa lực tương đối mạnh và nhiều công nghệ mới, song Object 775 vẫn có những điểm yếu, bao gồm hệ thống dẫn đường tên lửa hồng ngoại.

“Bất kỳ vật cản nào, thậm chí chỉ là lớp khói, cũng có thể làm tê liệt hoàn toàn các tên lửa dẫn đường của xe tăng này. Như vậy, đặc tính được cho là điểm mạnh chủ yếu của xe tăng này cũng lại là điểm yếu lớn nhất của nó”, chuyên gia Litovkin nhận định.

Hệ thống tên lửa được trang bị trên Object-775 có giá thành đắt hơn so với các vũ khí trên xe tăng truyền thống, điều này khiến chi phí chế tạo xe tăng trở nên cao hơn hẳn. Ngoài ra, góc nhìn hạn chế của tháp pháo cũng được xem là điểm yếu khác của Object-775.

Vì những lý do trên, quân đội Liên Xô đã quyết định dừng phát triển Object-775 và không sản xuất thêm mẫu xe tăng này. Hiện chỉ còn duy nhất xe tăng của dự án 775 còn sót lại cho đến ngày nay và được trưng bày tại bảo tàng vùng Moscow.


Hệ thống bánh xe của Object-775 (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin)

Hệ thống bánh xe của Object-775 (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin)

Thành Đạt

Theo RBTH