1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao vũ khí tiềm tàng của Nga có thể gây ra sức tàn phá khủng khiếp?

Thanh Thành

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, về lý thuyết, vũ khí hạt nhân trong không gian có thể mang lại lợi thế trong việc vô hiệu hóa nhanh chóng phần lớn các vệ tinh của đối phương chỉ bằng một đòn quyết định.

Vì sao vũ khí tiềm tàng của Nga có thể gây ra sức tàn phá khủng khiếp? - 1

Nga đã phóng tên lửa Soyuz-2-1v vào đầu tháng này (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Những ngày qua có nhiều thông tin bùng lên cho rằng, Nga đang phát triển vũ khí hạt nhân chống vệ tinh (ASAT) trong không gian. Thông tin đã gây xôn xao tại Quốc hội Mỹ cũng như Nhà Trắng.

Theo đó, các nguồn tin cho biết chính phủ Mỹ đã thông báo cho Quốc hội và các đồng minh ở châu Âu về những tiến bộ của Nga về một loại vũ khí hạt nhân mới triển khai trong không gian có nguy cơ đe dọa mạng lưới vệ tinh rộng khắp của Washington.

Theo các chuyên gia, loại vũ khí tiêu diệt vệ tinh như vậy, nếu được triển khai, có thể phá hủy các hoạt động liên lạc dân sự, giám sát từ không gian cũng như các hoạt động chỉ huy và kiểm soát quân sự của Mỹ cùng các đồng minh. Nhưng hiện tại Mỹ không có khả năng chống lại loại vũ khí như vậy và bảo vệ các vệ tinh của mình.

Theo các cựu quan chức Mỹ, vì Nga có vẻ sẽ chưa triển khai loại vũ khí này trong tương lai gần nên nó không được coi là mối đe dọa khẩn cấp. Tuy nhiên, các quan chức đương nhiệm nói rằng dù Nga có thể chưa triển khai vũ khí chống vệ tinh trong tương lai gần nhưng Mỹ không còn nhiều thời gian để ngăn chặn điều này xảy ra.

Đáp trả thông tin này, Nga cho rằng, đây là "sự bịa đặt độc hại" của Nhà Trắng nhằm mục đích khiến các nghị sĩ Mỹ phê duyệt thêm ngân sách nhằm chống lại Moscow.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, ông sẽ không bình luận về nội dung của các báo cáo cho đến khi Nhà Trắng công bố chi tiết. Nhưng ông cho rằng cảnh báo của Washington rõ ràng là một nỗ lực nhằm thuyết phục Quốc hội chi thêm ngân sách chống Nga.

Tuy nhiên đã có nhiều câu hỏi đặt ra trong đó tập trung vào việc vì sao vũ khí hạt nhân của Nga trong không gian có sức tàn phá khủng khiếp nếu được triển khai đến như vậy?

Sức mạnh cực lớn

Hồi năm 1962, Mỹ từng tiến hành vụ thử hạt nhân lớn nhất ngoài vũ trụ. Hậu quả còn tàn khốc hơn nhiều so với những gì Lầu Năm Góc tưởng tượng và chính việc này đã dẫn đến một hiệp ước cấm triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian.

Trong cuộc thử nghiệm được gọi là "Starfish Prime" nhằm tìm hiểu vũ khí hạt nhân sẽ gây ra nguy hiểm gì nếu được kích nổ ở độ cao lớn, đặc biệt là tác động của xung điện từ vụ nổ đối với thiết bị điện tử bên dưới mặt đất, cũng như ngoài không gian, vũ khí hạt nhân 1,4 megaton đã được kích nổ ở độ cao khoảng 450km trên bề mặt Trái đất ở Thái Bình Dương.

Ngay lập tức, một xung điện từ - luồng năng lượng bùng nổ ngắn ngủi - đã đánh sập hàng trăm ngọn đèn đường ở Hawaii, cách đó khoảng 1.500km.

Nhưng chính trong không gian mới là nơi cảm nhận được những hiệu ứng mạnh mẽ nhất. Trong vòng vài phút, vụ nổ đã tạo ra quả cầu lửa khổng lồ và một cực quang đỏ rực mà những người dân ở mặt đất ở cách xa hàng trăm km cũng có thể nhìn thấy rõ ràng.

Thật bất ngờ, các electron mang năng lượng được giải phóng trong vụ nổ hạt nhân ở độ cao lớn đã bị từ trường Trái đất giữ lại, tạo thành các vành đai bức xạ tồn tại trong vài tháng sau vụ nổ. 

Khi di chuyển vòng quanh hành tinh, chúng đã phá hủy hoặc làm hư hỏng 1/3 tổng số vệ tinh ở quỹ đạo thấp vào thời điểm đó, bao gồm cả một số vệ tinh nằm ở phía bên kia trái đất. Trong số những chiếc bị hư hại có vệ tinh quỹ đạo đầu tiên của Vương quốc Anh: Ariel One.

Một phần kinh nghiệm này đã khiến các báo cáo đưa ra cảnh báo rằng Nga đang phát triển một loại vũ khí chống vệ tinh mới trong không gian. Trong khi những nguồn tin thân cận nói rằng hệ thống vũ khí này vẫn đang được phát triển và chưa được triển khai trên quỹ đạo, nó được cho là có chứa thành phần hạt nhân. Tuy nhiên, chưa rõ bản chất chính xác của thành phần hạt nhân này.

Hai lý thuyết phổ biến cho rằng Nga đang phát triển khả năng ASAT được trang bị vũ khí hạt nhân hoặc chạy bằng năng lượng hạt nhân. Triển vọng về một loại vũ khí chống vệ tinh được trang bị vũ khí hạt nhân đặt ra câu hỏi về việc liệu nó có thể được sử dụng cho mục đích quân sự như thế nào.

Chính Nga cũng đã từng chứng tỏ khả năng tiến hành các cuộc tấn công thông thường chống lại các vệ tinh. Vào tháng 11/ 2021, Moscow thực hiện một cuộc thử nghiệm ASAT thông thường tạo ra nhiều mảnh vụn không gian đến mức gây ra mối đe dọa tạm thời cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Về lý thuyết, việc kích nổ vũ khí hạt nhân trong không gian có thể mang lại lợi thế trong việc vô hiệu hóa nhanh chóng phần lớn các vệ tinh của đối phương chỉ bằng một đòn quyết định. Điều này là do xung điện từ (EMP) được tạo ra từ tác dụng phụ của vụ nổ hạt nhân có thể vô hiệu hóa vĩnh viễn các thiết bị điện và điện tử trên một khu vực tương đối rộng lớn, đặc biệt nếu thiết bị hạt nhân được kích nổ ở độ cao lớn.

Mặc dù có thể làm cứng các vệ tinh để chống lại sự bắn phá của các hạt tích điện được giải phóng trong các vụ nổ hạt nhân ở độ cao lớn, nhưng hiện nay chỉ một phần tương đối nhỏ các vệ tinh cấp quân sự ở trên quỹ đạo đã trải qua các biện pháp làm cứng như vậy. Trong khi đó, hầu hết các vệ tinh thương mại ở quỹ đạo Trái đất thấp, vốn rất quan trọng đối với các hoạt động kinh tế, kết hợp các thiết bị điện tử tiêu chuẩn vào trọng tải khiến chúng dễ bị tấn công và khiến các quốc gia phương Tây dễ bị tổn thương trước những kiểu tấn công này.

Theo các chuyên gia, Nga có tiềm năng triển khai đầu đạn hạt nhân trong không gian trong một tương lai không xa, nhưng việc triển khai hệ thống vũ khí điện từ chạy bằng hạt nhân tinh vi trong không gian sẽ khó đạt được hơn nhiều. Nếu có vũ khí ASAT đặt trong không gian và có khả năng mang vũ khí hạt nhân, Nga sẽ càng củng cố vị thế của mình, nhất là tạo áp lực lớn lên NATO.

Theo Telegraph

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm