1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Ukraine khẩn thiết kêu gọi cung cấp và huấn luyện sử dụng F-16?

Thanh Thành

(Dân trí) - Ukraine vẫn đang tiếp tục kêu gọi các nước phương Tây cung cấp và huấn luyện sử dụng tiêm kích F-16, nhấn mạnh việc cần chiến đấu cơ này để đối phó hệ thống lớn mạnh hơn nhiều của Nga.

Vì sao Ukraine khẩn thiết kêu gọi cung cấp và huấn luyện sử dụng F-16? - 1

Tiêm kích F-16 của không quân Mỹ tại căn cứ Miramar, bang California (Ảnh: USAF).

Hôm 2/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với những người đứng đầu cơ quan ngoại giao Ukraine rằng, một số phi công Ukraine sẽ được huấn luyện máy bay chiến đấu F-16 vào đầu tháng này, trong khi chờ sự chấp thuận chính thức từ Mỹ.

Giáo sư Julie Norman chuyên về quan hệ quốc tế tại Đại học College ở London (Anh) cho biết, Ukraine đã yêu cầu cung cấp F-16 cho chiến lược phòng thủ trong hơn 1 năm qua nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã do dự trong việc chấp thuận yêu cầu đó vì lo ngại leo thang căng thẳng với Nga.

"Ukraine coi F-16 là vũ khí quân sự cực kỳ quan trọng trong chiến lược lập kế hoạch phản công ban đầu và cũng vì an ninh lâu dài cho mình", giáo sư Norman cho biết.

"Nhưng tôi muốn nói rằng lý do sau chính là thứ đã khiến Mỹ ủng hộ những chiếc F-16 đến Ukraine", ông nói thêm.

Chính quyền Tổng thống Biden đã chính thức thay đổi lập trường vào ngày 19/5 tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra ở Hiroshima, Nhật Bản. Một trong những điều kiện để Ukraine nhận được những chiếc F-16 này là không được sử dụng chúng ở lục địa Nga.

Đối với Ukraine, đây thực sự là tín hiệu mừng bởi những chiếc F-16 này là rất quan trọng cho chiến lược hoàn thiện mạng lưới phòng không vốn thua kém Nga về mọi mặt. Và Kiev cũng đang rất cần chương trình huấn luyện để sử dụng tiêm kích cơ hiện đại này.

Theo các nguồn tin, chiến lược đào tạo dự kiến sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 8 nhưng chưa rõ ngày cụ thể cũng như chi tiết về số lượng tiêm kích được cung cấp. 

Việc huấn luyện rất có thể sẽ bắt đầu ở Đan Mạch và tiếp tục ở Romania. Mỹ sẽ không trực tiếp cung cấp các tiêm kích F-16 cho Ukraine mà thông qua các nước đối tác ở châu Âu.

Bởi theo quy định của Mỹ, việc tái xuất khẩu F-16 vẫn cần có sự chấp thuận chính thức, vì tất cả các quốc gia vận hành chúng đều phải nhận được sự chấp thuận từ Washington trước. Theo nhà sản xuất Lockheed Martin, hiện có 3.000 chiếc F-16 đang được sử dụng tại 25 quốc gia.

Giáo sư Norman cho biết, chỉ một số phi công có kỹ năng tiếng Anh tốt sẽ được cử tham gia các đợt huấn luyện đầu tiên, vì Ukraine không thể đưa quá nhiều phi công ra khỏi chiến trường. Điều này có nghĩa là có thể sẽ mất vài tháng trước khi Ukraine có thể sử dụng F-16 trong chiến tranh.

Nhưng thời gian có thể kéo dài hơn nữa do nhiều vấn đề hậu cần khác và Ukraine vẫn đang chờ sự chấp thuận chính thức của Mỹ, theo John Teichert, một lữ đoàn trưởng không quân Mỹ đã nghỉ hưu, cho biết.

"Kể từ khi Tổng thống Biden đảo ngược chính sách vào tháng 5, chúng tôi đã cùng nhau lê bước. Các nước NATO đã sẵn sàng bắt đầu quá trình đào tạo phi công Ukraine, nhưng chúng tôi chưa thể có được một giáo trình đào tạo chính thức để có thể được Washington chấp thuận", ông nói thêm.

Khó thay đổi cục diện

Hạm đội không quân của Ukraine hiện nay khá yếu ớt, bao gồm các chiến đấu cơ có từ thời Liên Xô được sản xuất vào những năm 1970, như Mikoyan MiG-29.

Mặt khác, Nga sử dụng các chiến đấu cơ hiện đại hơn có thể bay ở độ cao lớn hơn và phát hiện các chiến đấu cơ khác từ khoảng cách xa hơn. Điều này khiến chiến đấu cơ Ukraine dễ bị tên lửa phòng không Nga tấn công, đặc biệt ở độ cao lớn hơn.

"Một chiến đấu cơ của Nga có thể nhìn xa gấp 2-3 lần với radar của nó so với của chúng tôi", ông Yurii Inhat, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy lực lượng không quân Ukraine nói với báo Wall Street Journal. "Máy bay chiến đấu của chúng tôi chỉ đơn giản là bị mù, nó không thể nhìn thấy gì".

Chiến đấu cơ Ukraine cũng khó điều động và chậm hơn so với máy bay Nga.

Michael Clarke, giáo sư nghiên cứu chiến tranh tại Đại học King's College London, cho hay: "Trong không chiến, ai nổ súng trước chắc chắn sẽ chiến thắng. Khi máy bay chiến đấu Ukraine đối đầu với phía Nga, tại thời điểm hiện tại, Kiev thường thua".

Nga cũng đã gài những bãi mìn rộng lớn và hợp lý trên phần lớn lãnh thổ Ukraine mà Moscow đang nắm quyền kiểm soát, khiến chiến dịch phản công của Kiev không hiệu quả và chịu thiệt hại nặng nề.

"Ngay cả việc bảo vệ bên trong biên giới Ukraine cũng là một thách thức. Ukraine coi những chiếc F-16 là vũ khí thiết yếu để giúp họ vượt qua các chiến tuyến hiện tại, đặc biệt là khi chúng tôi đã chứng kiến kiểu phản công chậm chạp này cho đến nay", giáo sư Norman nói thêm.

Những chiếc F-16 có thể giúp mang lại cho Ukraine điều mà các chiến lược gia quân sự gọi là "ưu thế trên không".  Điều này có nghĩa là Kiev có thể ngăn chặn máy bay và trực thăng của Nga tấn công quân đội Ukraine trên mặt đất.

Giáo sư Clarke thừa nhận: "Hiện tại, khi các lực lượng Ukraine phải giảm tốc độ để vượt qua các bãi mìn và vượt qua các rào cản, họ rất dễ bị tấn công bằng đường không và các tên lửa khác".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nói rằng, F-16 khó có thể thay đổi đáng kể cục diện cuộc chiến dù có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Ukraine với cả Mỹ và phương Tây nói chung trong nhiều thập kỷ tới.

"Ở cấp độ chiến lược, điều này ràng buộc Ukraine với cách thức chiến tranh của phương Tây và năng lực tương tác của phương Tây trong 20 đến 30 năm", ông Teichert nói.

Chuyên gia Justin Bronk tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cảnh báo, dù tiêm kích F-16 có thể mang đến năng lực lớn hơn cho Ukraine, lưới phòng không của Nga sẽ buộc chúng phải bay thấp khi yểm trợ mặt đất và hạn chế hiệu quả tác chiến.

Theo Time