1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao UAV dồn dập xuyên thủng "lưới lửa" phòng không tiên tiến của Nga?

Thành Đạt

(Dân trí) - Giới phân tích cho rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây trên khắp lãnh thổ Nga đã phơi bày lỗ hổng trong các hệ thống phòng không tiên tiến của Moscow.

Vì sao UAV dồn dập xuyên thủng lưới lửa phòng không tiên tiến của Nga? - 1

Lính Ukraine vận hành một máy bay không người lái (Ảnh: Reuters).

"Nga tự hào rằng họ có hệ thống phòng thủ nhiều lớp trước xung đột, các hệ thống tác chiến điện tử và cảm biến, các khẩu đội tên lửa khác nhau, radar có khả năng xác định và ngăn chặn mối đe dọa", Samuel Bendett, chuyên gia về hệ thống quân sự không người lái và robot thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại Mỹ, cho biết.

Theo ông Bendett, "hầu hết các hệ thống phòng thủ này được xây dựng để xác định và tiêu diệt các mục tiêu lớn hơn như tên lửa, trực thăng, máy bay chiến đấu, nhưng nhiều hệ thống phòng thủ không thực sự hiệu quả trong việc xác định các UAV (máy bay không người lái) nhỏ hơn nhiều".

Giao tranh bằng máy bay không người lái là một phần không thể thiếu trong cuộc xung đột ở Ukraine, khi cả hai bên thường xuyên khai thác công nghệ này như một phần trong chiến lược quân sự của mình.

Tuy nhiên, một loạt cuộc tấn công bằng UAV gần đây vào lãnh thổ Nga có thể sẽ gây khó khăn cho một trong những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.

Các sân bay và những địa điểm khác nằm sâu trong lãnh thổ Nga đã hứng chịu nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong vài tuần gần đây.

Hàng loạt khu vực ở Nga, bao gồm Moscow, Oryol, Ryazan, Bryansk, Kaluga và Pskov, đã bị máy bay không người lái nhắm mục tiêu trong ngày 30/8. Đây được xem là cuộc tấn công bằng UAV lớn nhất vào lãnh thổ Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ tháng 2 năm ngoái.

Theo hãng tin TASS (Nga), UAV của Ukraine đã tập kích một sân bay ở thành phố Pskov, phía tây bắc Nga, làm hư hại 4 máy bay vận tải quân sự Ilyushin Il-76.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, các hệ thống phòng không của Nga, vốn được xem là tiên tiến hàng đầu thế giới, đã được hàng chục quốc gia sử dụng và nhiều nước đã phát triển các biến thể riêng.

Trung tâm cho biết mạng lưới phòng thủ của Nga hoạt động theo hệ thống "ba tầng", sắp xếp vũ khí theo phạm vi khác nhau để khó bị xâm nhập. Những hệ thống này, mặc dù tiên tiến, nhưng vẫn mắc sai lầm.

Vì sao UAV dồn dập xuyên thủng lưới lửa phòng không tiên tiến của Nga? - 2

Vật thể giống tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir-S1 được đặt trên nóc tòa nhà trụ sở Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 1 (Ảnh: mil.in.ua).

Theo một nguồn tin, vào tháng 7, máy bay không người lái đã tấn công và làm hư hại hai tòa nhà ở trung tâm Moscow, mặc dù tòa nhà lân cận có hệ thống pháo - tên lửa phòng khong Pantsir S1 tiên tiến đặt trên mái.

"Việc phòng thủ như vậy không bao giờ là tuyệt đối, luôn có những lỗ hổng có thể bị khai thác", chuyên gia Bendett cho biết.

Yuriy Ihnat, người phát ngôn của lực lượng không quân Ukraine, cho biết các hệ thống Pantsir có khả năng phá hủy mục tiêu bay phía trên tổ hợp ở một mức nhất định, nhưng không thể bắn mục tiêu bay phía dưới lá chắn. Quan chức Ukraine nhận định đây dường như là lỗ hổng trong hệ thống phòng của Nga ở trung tâm Moscow.

Nga chưa bình luận về nhận định của quan chức Ukraine. Tuy nhiên, Nga không chỉ có các hệ thống phòng không đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ ở Moscow, mà còn sử dụng hệ thống tác chiến điện tử để đánh chặn mối đe dọa này.

Trên thực tế, khí tài tác chiến điện tử (EW) có thể có hiệu quả đánh chặn tương đối hiệu quả với các mục tiêu bay tầm thấp như UAV. Hồi tháng 5, Viện RUSI (Anh) công bố báo cáo cho biết, EW của Nga dường như đang gây ra thiệt hại đáng kể cho dàn UAV của Ukraine mà không cần phải sử dụng tới bất cứ một viên đạn nào.

Tuy vậy, Bộ Quốc phòng Anh nhận định, số vụ máy bay không người lái tấn công mục tiêu ở Nga cho thấy Moscow có thể đang gặp khó khăn trong việc phát hiện và tiêu diệt UAV, đồng thời có thể buộc Nga phải xem xét lại chiến lược phòng không.

Chuyên gia Bendett cho biết, Ukraine đã cải thiện đáng kể ngành công nghiệp sản xuất máy bay không người lái nội địa trong suốt cuộc xung đột với Nga và có khả năng Kiev sẽ sản xuất tới 6 loại máy bay không người lái tầm xa khác nhau để tấn công Nga.

Ukraine chỉ có thể sử dụng máy bay không người lái của nước này để tấn công bên trong lãnh thổ Nga vì NATO hạn chế sử dụng vũ khí trên lãnh thổ Nga.

Theo Business Insider, Newsweek