Vì sao Trung Quốc theo dõi cuộc tập trận Mỹ - Australia?
(Dân trí) - Giới phân tích đã “giải mã” tính toán của Trung Quốc khi điều tàu trinh sát theo dõi cuộc tập trận của Mỹ và Australia dù Bắc Kinh không tham gia sự kiện này.
Hàng chục nghìn binh sĩ Australia và Mỹ đang tham gia cuộc tập trận quân sự có tên gọi Talisman Sabre ở phía đông bắc Australia. Được tổ chức hai năm một lần, đây là một trong những cuộc tập trận lớn nhất thế giới.
Theo báo Straitstimes, năm nay cuộc tập trận giữa Mỹ và Australia có thêm một “đối tác” mới ngoài mong muốn: Trung Quốc.
Đây là lần thứ hai liên tiếp Trung Quốc điều một tàu trinh sát tới vùng biển ngoài khơi Australia để theo dõi cuộc tập trận Talisman Sabre. Tàu Trung Quốc được cho là hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của Australia, song không đi vào vùng lãnh hải.
Trung tướng Greg Bilton, một sĩ quan cấp cao của Australia, đã chia sẻ với các phóng viên rằng Australia biết về sự hiện diện của tàu Trung Quốc và sẽ giám sát tàu này.
“Chúng tôi vẫn đang theo dõi. Đó là vùng biển quốc tế. Họ có quyền hoạt động ở đó”, Trung tướng Bilton nói.
Giới phân tích nhận định sự xuất hiện của tàu Trung Quốc đã phản ánh mối quan hệ đối đầu theo kiểu Chiến tranh Lạnh giữa Washington và Bắc Kinh, bao gồm các hoạt động thăm dò ngày càng tăng.
Giáo sư Paul Dibb tại Đại học Quốc gia Australia, một chuyên gia về chính sách quốc phòng Australia, cho biết tàu trinh sát Trung Quốc sẽ tìm cách thu thập thông tin về các khí tài được sử dụng trong cuộc tập trận giữa Mỹ và Australia.
Tuy nhiên, ông Dibb nói rằng các hoạt động của tàu Trung Quốc “hoàn toàn hợp pháp” và tàu này vẫn sẽ hiện diện bên ngoài vùng biển của Australia, tương tự cách các tàu Mỹ vẫn làm khi theo dõi hoạt động của Trung Quốc.
“Mỹ là đối thủ số 1 của Trung Quốc và là nước có quân đội mạnh nhất thế giới, còn Australia là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Vì vậy, Trung Quốc sẽ theo dõi năng lực tác chiến điện tử của chúng tôi, sử dụng radar để giám sát các máy bay uy lực và tính toán tầm bắn cũng như độ chính xác của tên lửa của chúng tôi”, Giáo sư Dibb cho biết.
Cuộc tập trận Talisman Sabre bắt đầu diễn ra từ ngày 11/7 và dự kiến kéo dài tới ngày 24/7. Mục đích của cuộc tập trận nhằm nâng cao khả năng lên kế hoạch và hợp tác giữa Australia và Mỹ. Năm nay là năm đầu tiên quân đội Nhật Bản tham gia cuộc tập trận này.
Ngoài ra, các lực lượng quân sự từ Canada, New Zealand và Anh cũng tham gia tập trận Talisman Sabre, trong khi các đoàn đại biểu của Ấn Độ và Hàn Quốc được mời với tư cách là các quan sát viên.
Ước tính có khoảng 34.000 binh sĩ tham gia tập trận Talisman Sabre năm nay. Cuộc tập trận chủ yếu diễn ra tại Khu huấn luyện vịnh Shoalwater, nơi được sử dụng để huấn luyện các binh sĩ Singapore.
Trong những ngày gần đây, nội dung tập trận bao gồm các cuộc đổ bộ bờ biển của lực lượng Australia, Mỹ và Nhật Bản.
“Mục tiêu của tập trận là nhằm thể hiện cho các đối tác của chúng tôi, những nước sắp trở thành đối tác của chúng tôi và bất kỳ đối thủ nào được thấy sức mạnh của liên minh này”, Đại tá Mỹ Mathew Sieber nói với các phóng viên hôm 16/7.
Một tàu trinh sát hàng hải Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo Senkaku tranh chấp với Nhật Bản tại biển Hoa Đông (Ảnh: AFP)
Khi được hỏi về tàu trinh sát Trung Quốc, ông Sieber cho biết: “Đây là khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do. Chúng tôi có mặt ở đây để tập trận Talisman Sabre và chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành cuộc tập trận này”.
Tuy vậy, theo Peter Jennings, giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Australia, Australia nên công khai phản đối sự hiện diện của tàu trinh sát Trung Quốc. Theo ông Jennings, chính quyền Australia đã quá vội vàng khi “bỏ qua” cho các hoạt động thu thập thông tin tình báo và gián điệp mạng của Trung Quốc vì lo ngại điều này có thể ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế giữa hai nước. Hiện Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Australia.
“Chúng ta nên công khai và để Trung Quốc hiểu rằng đó là hành động mà chúng ta không hoan nghênh”, ông Jennings nói về sự hiện diện của tàu trinh sát Trung Quốc.
Sự xuất hiện của tàu trinh sát Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng quan tâm tới khu vực Nam Thái Bình Dương. Trung Quốc hồi đầu tháng từng tuyên bố tại một diễn đàn được tổ chức ở Bắc Kinh với sự tham gia của các quốc đảo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rằng, họ muốn thắt chặt quan hệ quân sự với các nước này.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cho biết Bắc Kinh muốn đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố và gìn giữ hòa bình, đồng thời tăng cường trao đổi với các nước trong khu vực theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trung Quốc cũng tăng cường viện trợ cho toàn khu vực Nam Thái Bình Dương. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Lowy, Trung Quốc trở thành nhà viện trợ lớn thứ hai tại khu vực này, với số tiền lên tới 1,47 tỷ USD từ năm 2011 - 2018. Tuy nhiên, con số này vẫn ít hơn nhiều so với Australia, nhà viện trợ lớn nhất của khu vực Nam Thái Bình Dương, với số tiền lên tới 6,58 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian trên.
Để đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương, cách đây 3 năm, Australia đã khởi động một sáng kiến ngoại giao nhằm tăng cường mối liên kết với các nước láng giềng.
Thành Đạt
Tổng hợp