1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Trung Quốc bất ngờ công bố video thử nghiệm phòng thủ tên lửa?

(Dân trí) - Sau thời gian dài giấu kín, Trung Quốc gần đây đã bắt đầu tiết lộ các cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ và Hàn Quốc nhất trí triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc mà Bắc Kinh công khai phản đối.


Một vụ thử nghiệm tên lửa HQ-19 (Ảnh: SCMP)

Một vụ thử nghiệm tên lửa HQ-19 (Ảnh: SCMP)

Theo Thời báo Hoa nam Buổi sáng, trong hai ngày 24 và 25/7, Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc, Đài truyền hình trung ương và trang web TV.81.cn của nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc PLA Daily đã đồng loạt đăng tải thông tin về 4 cuộc thử nghiệm thành công liên tiếp của một “hệ thống phòng thủ tầm trung mặt đất” (GMD) tại căn cứ thử tên lửa Korla ở Tân Cương.

Các hệ thống GMD đã dò tìm, nhắm đến và phá hủy các tên lửa đạn đạo trong vũ trụ. Một clip về hai cuộc thử nghiệm đầu tiên đã được đăng tải lần đầu tiên trên trang TV.81.cn.

CCTV nói rằng 4 cuộc thử nghiệm cho thấy hệ thống của Trung Quốc đã sẵn sàng để triển khai cơ bản trong chiến đấu, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới sau Mỹ sở hữu công nghệ đó.

Việc công bố video diễn ra chỉ 2 tuần sau khi Washington và Seoul công bố kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc để đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên. THAAD dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm tới và Bắc Kinh đã phản đối mạnh mẽ việc triển khai nó tại Hàn Quốc với lý do radar của hệ thống có thể soi vào lãnh thổ Trung Quốc.

Khi được hỏi rằng liệu Trung Quốc có phải đang chuẩn bị triển khai hệ thống chống tên lửa của riêng mình hay không, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói Yang Yujun nói rằng “sự phát triển thận trọng” công nghệ chống tên lửa nằm trong lợi ích quốc gia. Ông Yang nói thêm rằng một hệ thống như vậy không nhằm vào quốc gia nào cụ thể và cũng không ảnh hưởng tới sự ổn định chiến lược toàn cầu.

Trong khi đó, tờ PLA Daily cáo buộc Mỹ làm tổn hại niềm tin giữa hai bên và làm gia tăng căng thẳng, và cảnh báo Hàn Quốc rằng việc cho phép triển khai hệ thống THAAD nhằm phục vụ chiến lược “tái cân bằng châu Á” của Mỹ là giống như mời sói vào nhà và có thể làm tổn hại chính mình.

Từ lâu đã có đồn đoán rằng Trung Quốc đang trong quá trình thiết kế câu trả lời của riêng mình đối với THAAD và giờ đây có các dấu hiệu cho thấy kế hoạch này đang diễn ra.

Các chuyên gia quân sự cho hay các tên lửa đánh chặn xuất hiện trong các video là tên lửa HQ-19 được trang bị một phương tiện tiêu diệt bằng động năng. Chúng được thiết kế để đối phó với các tên lửa đạn đạo và vệ tinh trong quỹ đạo thấp.

Những rủi ro tiềm ẩn

Nhà quan sát quân sự tại Macao Antony Wong Dong cho rằng thời điểm công bố các video hồi tuần trước là có chủ ý. “Rõ ràng, Trung Quốc không hài lòng kể từ khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu đàm phán triển khai THAAD trên bán đảo Triều Tiên”, ông Wong nói.

Song Zhongping, một quan chức quân đội Trung Quốc về hưu, cho hay các thông tin được đăng tải cho thấy công nghệ phòng thủ tên lửa của nước này đã có tiến triển và đang được đưa vào sử dụng.

Nhưng ông Wong thận trọng cho rằng việc vội vàng phát triển và triển khai công nghệ có thể mang tới những rủi ro tiềm ẩn. Thậm chí Mỹ cũng phải tiến hành ít nhất 11 cuộc thử nghiệm hệ thống THAAD và chỉ 7 trong số này là thành công.

“Rút kinh nghiệm từ những sai lầm và thất bại là rất quan trọng đối với việc phát triển vũ khí. Việc tiết kiệm thời gian và tiền bạc đối với phát triển vũ khí hiện đại là không thích hợp”, ông Wong nói thêm.

“Vụ tai nạn của một trong các máy bay chiến đấu J-15 do Trung Quốc phát triển hồi tháng 4 là một trong những bài học đắt giá nhất. Dự án máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay đã bị đẩy quá nhanh và được phát triển dự trên máy bay Su-33 chưa hoàn thiện của Liên Xô”, ông Wong nói thêm.

Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc hồi tuần trước cho hay một phi công đã thiệt mạng khi chiếc máy bay J-15 của anh này gặp nạn trong khi luyện tập hạ cánh trên tàu sân bay giả định. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc xác nhận một vụ tai nạn của máy bay J-15 kể từ khi máy bay này được biên chế tháng 12/2013.

Chuyên gia quân sự Liang Guoliang tại Hong Kong cho rằng các tiết lộ chính thức gần đây về các vũ khí tinh vi cho thấy cuộc chạy đua vũ trang trên không gian giữa Mỹ và Trung Quốc đang tăng tốc.

Nhưng ông Song cho hay vẫn có một khoảng cách giữa công nghệ chống tên lửa của Mỹ và Trung Quốc.

“So với quân đội Mỹ, hệ thống chống tên lửa của Trung Quốc vẫn thiếu thử nghiệm chiến đấu thực tế, làm nảy sinh những ngờ vực về độ tin cậy và sự hiệu quả”.

An Bình