1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Triều Tiên nối lại liên lạc với Hàn Quốc sau thời gian "đóng băng"?

Thành Đạt

(Dân trí) - Triều Tiên được cho là có những suy tính nhất định khi đồng ý nối lại đường dây nóng liên lạc với Hàn Quốc sau hơn một năm gián đoạn.

Vì sao Triều Tiên nối lại liên lạc với Hàn Quốc sau thời gian đóng băng? - 1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại làng đình chiến ở biên giới chung năm 2018 (Ảnh: Reuters).

Việc mở lại đường dây nóng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã được thông báo vào ngày 27/7. Bình Nhưỡng đã cắt đứt đường dây này vào tháng 6 năm ngoái, sau một hội nghị thượng đỉnh không thành công giữa hai nước. Triều Tiên cũng từng cho nổ tung văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc ở thị trấn biên giới Kaesong.

Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) ngày 27/7 cũng cho biết các nhà lãnh đạo của hai nước đã đồng ý "đạt được bước tiến lớn trong việc khôi phục lòng tin lẫn nhau".

Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi khôi phục đường dây nóng và tiến hành các cuộc đàm phán nhằm loại bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Theo văn phòng tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trao đổi một số bức thư cá nhân kể từ tháng 4 và hai bên đã đồng ý xây dựng lại lòng tin và cải thiện quan hệ song phương trong cuộc trao đổi kéo dài 3 phút hôm 27/7.

Theo một nguồn tin giấu tên ở Bắc Kinh, Trung Quốc, đồng minh và đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, đã được thông báo từ trước rằng đường dây nóng sẽ được khôi phục trong nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều.

Zhou Chenming, nhà nghiên cứu của Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, cho biết điểm mấu chốt dẫn đến động thái "xuống thang" của Triều Tiên là nước này cần viện trợ lương thực từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

"Vì vậy, đã đến lúc Bình Nhưỡng phải khôi phục lại đường dây nóng. Triều Tiên cần được giúp đỡ, đặc biệt là lương thực, nhiên liệu và các hàng hóa khác để nước này có thể đối phó với tác động của thời tiết khắc nghiệt và đại dịch Covid-19", ông Zhou nhận định.

Triều Tiên đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng do các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, do đóng cửa biên giới vì đại dịch Covid-19 và các trận bão lũ vào mùa hè năm ngoái nhấn chìm đất nông nghiệp và hàng nghìn ngôi nhà.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cảnh báo Triều Tiên cần chuẩn bị cho "tình huống tồi tệ nhất từ trước đến nay". Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc ước tính Triều Tiên thiếu khoảng 860.000 tấn lương thực trong năm nay.

Hàn Quốc và Triều Tiên đã thiết lập ít nhất 49 đường dây nóng kể từ thập niên 1970. Seoul coi đường dây nóng là cách để hai nước ngăn chặn nguy cơ hiểu lầm từ các diễn biến quân sự bất ngờ, đặc biệt là dọc theo khu phi quân sự được vũ trang dày đặc.

Đường dây nóng cũng được sử dụng để sắp xếp các cuộc họp ngoại giao, điều phối hoạt động trên không và trên biển, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc trao đổi nhân đạo, giảm thiểu tác động từ thiên tai và hợp tác trong các vấn đề kinh tế.

Liu Ming, nhà phân tích các vấn đề Triều Tiên tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết việc nối lại đường dây nóng sẽ được Bắc Kinh hoan nghênh như một nỗ lực hướng tới hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

"Bắc Kinh luôn khuyến khích Bình Nhưỡng cải thiện quan hệ với Seoul. Và tất nhiên mối quan tâm lớn nhất của họ là làm thế nào để Triều Tiên phi hạt nhân hóa", chuyên gia Liu cho biết.

Chuyên gia Zhou nhận định đường dây nóng được mở lại cũng có thể cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. Ông cho rằng hai nước "có đồng quan điểm về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm