1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao ông Trump muốn Nga trở lại G8 sau 11 năm "tẩy chay"?

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như nhắm mục tiêu đến quan hệ đối tác Nga - Trung khi ủng hộ việc Nga quay trở lại nhóm G8.

Vì sao ông Trump muốn Nga trở lại G8 sau 11 năm tẩy chay? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các nhà lãnh đạo dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm G7 năm 2018 (Ảnh: Getty).

Tổng thống Donald Trump ngày 13/2 tuyên bố việc loại Nga khỏi nhóm 8 nền kinh tế lớn (G8) là một sai lầm.

"Tôi rất muốn họ quay trở lại. Tôi nghĩ thật sai lầm khi loại bỏ họ khỏi nhóm. Hãy nhìn xem, vấn đề không phải là thích Nga hay không thích Nga. Đó là G8", Tổng thống Trump nhấn mạnh.

Theo nghị sĩ Nga Alexey Pushkov, Tổng thống Trump muốn làm suy yếu quan hệ đối tác của Nga với Trung Quốc khi đưa ra tuyên bố về việc Nga trở lại G8.

"Đó là ý định của ông Trump khi ông ấy nói rằng việc loại trừ Nga là một sai lầm. Bằng cách đưa Nga trở lại G8, ông ấy mong đợi làm suy yếu quan hệ đối tác Nga - Trung Quốc. Làm suy yếu sức mạnh toàn cầu của Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ trong thế kỷ 21 - là mục tiêu chính của ông Trump", nghị sĩ Pushkov nhấn mạnh.

Ông Pushkov cho rằng việc củng cố sức mạnh của Trung Quốc cũng như thắt chặt mối quan hệ Nga - Trung đi ngược lại với lợi ích của Mỹ.

Theo nghị sĩ Nga, "trong bối cảnh của "trò chơi lớn" với "Tam giác địa chính trị lớn" - Mỹ, Nga và Trung Quốc - cuộc khủng hoảng Ukraine, vốn đã đưa Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, là một trở ngại cho các kế hoạch của ông Trump".

"Mỹ thực sự không cần một cuộc chiến tranh, thêm một cơn đau đầu ngăn cản ông ấy làm những việc quan trọng hơn. Vì vậy, ông ấy cần phải loại bỏ "cơn đau đầu" này, vốn đang ngăn cản "trò chơi chính trị lớn"", nghị sĩ Nga giải thích thêm.

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Trump ngày 13/2 tuyên bố ông muốn gặp cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân.

"Chúng ta có rất nhiều (vũ khí hạt nhân), thậm chí có thể hủy diệt thế giới 50 lần, 100 lần. Trung Quốc đang cố gắng bắt kịp vì về cơ bản họ đang ở phía sau rất nhiều, nhưng trong vòng 5 hoặc 6 năm nữa, họ sẽ tiến xa hơn", ông Trump đề cập đến quy mô kho vũ khí hạt nhân của Washington và Bắc Kinh.

Nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy Trung Quốc ngừng từ chối các cuộc đàm phán vũ khí hạt nhân nhưng không đạt được kết quả.

Tổng thống Trump cho biết ông sẽ có cái nhìn mới về vấn đề này. Ông muốn có cuộc trò chuyện với cả ông Putin và ông Tập về việc áp đặt giới hạn đối với kho vũ khí hạt nhân, và sau đó có thể hướng đến một cuộc họp 3 bên.

Ông Trump không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho các cuộc thảo luận như vậy, nhưng hy vọng sẽ bắt đầu trong "tương lai không xa".

"Không có lý do gì để chúng tôi chi gần 1.000 tỷ USD cho quân sự. Không có lý do gì để các vị chi 400 tỷ USD, Trung Quốc sẽ ở mức 400 tỷ USD. Theo tôi, chúng ta có thể giải quyết chuyện này, chúng ta có thể dùng số tiền này vào việc khác", ông Trump bình luận.

Nga từng là một trong các thành viên của G8 trước khi bị các nước trong khối "tẩy chay" và đưa G8 thành G7 vào năm 2014.

Nhóm G7 (gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ) đã lên án Nga vì những bất đồng trong cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine cũng như việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ.

Giới chức Moscow nhiều lần tuyên bố, Nga không phải là nước đề xuất quay trở lại G8, nhưng sẵn sàng đàm phán về vấn đề này nếu được mời trở lại.

Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích việc loại Nga khỏi nhóm và đưa ra ý tưởng khôi phục G8 trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Vào năm 2018, ông Trump cũng đưa ra đề xuất tương tự rằng Nga nên quay trở lại G8. Ông nêu ra khả năng rằng, việc Nga bị trục xuất khỏi G8 vào năm 2014 vì sáp nhập bán đảo Crimea có thể là lý do khiến Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022.

Khi đó, lời đề nghị đã bị các thành viên khác của nhóm bác bỏ, trong khi bản thân Moscow dường như không tỏ ra quan tâm đến việc quay trở lại.

Theo Tass, Hill