1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao ông Putin im lặng dù "chảo lửa" Ukraine nóng lên từng ngày?

Thành Đạt

(Dân trí) - Bất chấp mọi lo lắng và phỏng đoán trong suốt một tháng qua về khả năng Tổng thống Vladimir Putin có thể sớm ra lệnh hành động quân sự với Ukraine, nhà lãnh đạo Nga vẫn im lặng.

Vì sao ông Putin im lặng dù chảo lửa Ukraine nóng lên từng ngày? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Tass).

Vào tháng 11 và tháng 12 năm ngoái, ông Putin nhiều lần lên tiếng về vấn đề Ukraine, đề cập tới sự hiện diện quân sự đáng kể của Nga ở biên giới Ukraine. Tại cuộc họp báo cuối năm vào ngày 23/12, ông chủ Điện Kremlin cảnh báo Nga cần "đảm bảo" rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO.

Cuộc họp báo này, diễn ra hơn một tháng trước, cũng là lần cuối cùng ông Putin lên tiếng công khai về cuộc khủng hoảng hiện tại với Ukraine và việc Nga yêu cầu NATO giảm bớt sự hiện diện ở Đông Âu. Từ đó đến nay, ông Putin khá kín tiếng, ngay cả khi các nhà ngoại giao Nga và Mỹ đã "đấu khẩu" ở Geneva, Ukraine nhận được lô vũ khí từ phương Tây và Tổng thống Joe Biden dự đoán Nga sẽ tấn công Ukraine.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Nga không lên tiếng công khai về vấn đề Ukraine không đồng nghĩa với việc ông không xuất hiện trước truyền thông. Ông Putin vẫn tham gia các sự kiện được ghi hình gần như hàng ngày.

Ngày 26/1, ông Putin đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến kéo dài 2 tiếng rưỡi với các giám đốc điều hành của Italy về hoạt động kinh doanh ở Nga. Trong bài phát biểu khai mạc trên truyền hình, ông Putin đã thảo luận về việc Moscow ứng cử đăng cai hội chợ thương mại thế giới Expo 2030 và các cơ hội đầu tư vào năng lượng xanh. Ông không nhắc tới những lo ngại về chiến tranh cũng như các mối đe dọa trừng phạt khiến nền kinh tế Nga gặp khó khăn.

Theo New York Times, sự im lặng của Tổng thống Putin trước cuộc khủng hoảng Ukraine là động thái có chủ đích nhằm khiến phương Tây phải tiếp tục đoán già đoán non về ý định của ông. Sự im lặng này trái ngược hoàn toàn với những đồn đoán không ngừng ở Washington, nơi Tổng thống Biden liên tục được hỏi về khả năng Nga động binh với Ukraine.

Việc ông Putin im lặng cho thấy tính kỷ luật của Điện Kremlin trong việc kiểm soát thông điệp của mình. Các quan chức Nga khẳng định, họ sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào cho đến khi Mỹ gửi phản hồi bằng văn bản nhằm đáp ứng yêu cầu của Nga về việc ngăn NATO mở rộng.

Theo lời Điện Kremlin, Tổng thống Putin rất bận rộn. Trong 2 tuần qua, ông Putin đã điện đàm với các nhà lãnh đạo Armenia, Azerbaijan, Cuba, Phần Lan, Israel, Kazakhstan, Nicaragua, Pakistan, Uzbekistan và Venezuela. Ông cũng tiếp đón Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Điện Kremlin.

Tuy nhiên, ngay bây giờ, sự im lặng của Tổng thống Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine dường như là một tín hiệu.

Tatiana Stanovaya, học giả tại Trung tâm Carnegie Moscow và là người đã nghiên cứu Tổng thống Putin trong nhiều năm, cho biết có 3 cách giải thích cho sự im lặng của nhà lãnh đạo Nga.

Sau khi đưa ra lập trường cứng rắn vào cuối năm ngoái, yêu cầu phương Tây nhượng bộ ngay lập tức, ông Putin dường như nhận thấy rằng ông không cần thiết phải nhắc lại thông điệp của chính mình và đang để lại công việc này cho các nhà ngoại giao Nga.

Một khả năng khác là ông Putin có thể đã nhìn thấy tia hy vọng về một thỏa thuận khả thi nên muốn tránh nói bất kỳ điều gì vào lúc này. Hoặc ông có thể đã quyết định hành động quân sự và đang chuẩn bị thực hiện kế hoạch này trong khi chờ phản hồi chính thức từ phương Tây.

"Chúng ta sẽ nhận được phản hồi từ ông ấy", Stanovaya dự đoán.

Thay vì thảo luận công khai về Ukraine, ông Putin đã tổ chức một cuộc họp trên truyền hình vào ngày 26/1 với các quan chức chính phủ, trong đó ông đề cập đến các quy định về tiền điện tử và đại dịch Covid-19. Theo Vincenzo Trani, chủ tịch Phòng Thương mại Italy - Nga, hội nghị trực tuyến của ông Putin với các giám đốc điều hành doanh nghiệp Italy đã kéo dài hơn một giờ so với kế hoạch.

Cuộc họp diễn ra "rất thân thiện", Trani nói. Nhưng không có bất kỳ đề cập nào đến vấn đề địa chính trị lớn đang diễn ra.

"Về vấn đề Ukraine, hoàn toàn không", Trani cho biết. Thông tin duy nhất liên quan đến tình hình căng thẳng là khi ông Putin trả lời câu hỏi của Trani về sự ổn định.

"Tôi đã nói rằng chúng tôi có nhu cầu lớn về sự ổn định", Trani nói, đồng thời giải thích rằng ông muốn nhắc đến sự ổn định của khu vực.

Tổng thống Nga cho biết ông "vẫn đang cố gắng để đảm bảo sự ổn định, không chỉ về kinh tế vĩ mô mà còn về xã hội" cho các nhà đầu tư, điều mà ông Putin hiểu rằng có tầm quan trọng lớn đối với các doanh nghiệp.

Theo www.nytimes.com