1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Nhật Bản hiện có rất ít người chết vì Covid-19?

Thành Đạt

(Dân trí) - Tại Nhật Bản, quốc gia có tuổi thọ cao bậc nhất thế giới, mỗi ngày chỉ có chưa đến một người tử vong vì Covid-19, trong khi nhiều quốc gia khác đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh bùng phát trở lại.

Vì sao Nhật Bản hiện có rất ít người chết vì Covid-19? - 1

Người dân Nhật Bản luôn có ý thức thực hiện các biện pháp chống dịch (Ảnh minh họa: Nikkei).

Sáu trường hợp tử vong vì Covid-19 ở Nhật Bản trong tuần qua là mức thấp nhất được ghi nhận ở nước này kể từ tháng 7/2020, trước khi xảy ra làn sóng đại dịch thứ hai. So với các quốc gia phát triển khác như Đức hoặc Mỹ, kết quả này thậm chí còn đáng chú ý hơn, khi không nước thành viên nào trong Nhóm G7 có số người chết ít như vậy kể từ khi đại dịch bùng phát.

Sự sụt giảm về số ca tử vong tại Nhật Bản diễn ra đồng thời với sự sụt giảm về số ca nhiễm bệnh, từ hơn 25.000 người mắc Covid-19 mỗi ngày hồi tháng 8 xuống còn dưới 200 người mỗi ngày trong 3 tuần qua. Sự sụt giảm về số ca nhiễm và tử vong thậm chí còn đáng chú ý hơn khi dân số Nhật Bản lớn hơn nhiều so với các quốc gia trong nhóm G7 (ngoại trừ Mỹ), đồng thời tuổi thọ lớn hơn cũng khiến nguy cơ tử vong vì Covid-19 tại Nhật Bản cao hơn.

Hiện chưa rõ lý do chính xác khiến số ca nhiễm và tử vong mà Nhật Bản ghi nhận vào cuối mùa hè và đầu mùa thu lại giảm đáng kể như vậy. Tuy nhiên, có những yếu tố đã được xem xét để giải thích cho xu hướng này.

Một chiến dịch tiêm chủng toàn diện tại Nhật Bản ít nhất cũng lý giải một phần cho sự sụt giảm về số ca nhiễm và tử vong, với hơn 77% trong số 126 triệu dân đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 6/12. Tỷ lệ tiêm chủng ở những người cao tuổi dễ bị tổn thương thậm chí còn cao hơn, với 92% những người từ 65 tuổi trở lên đã được tiêm 2 mũi vaccine.

Nhiều quốc gia phát triển khác cũng triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn diện tương tự Nhật Bản, nhưng lại đang chứng kiến làn sóng ca nhiễm và tử vong gia tăng.

Tại Nhật Bản, việc sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng gần như phổ biến, mặc dù các cơ quan chức năng không ban hành quy định bắt buộc về việc này. Các biện pháp như đeo khẩu trang và hạn chế đến những nơi đông người đã được người dân Nhật Bản thực hiện xuyên suốt các đợt dịch. Người Nhật Bản thận trọng ngay cả khi số ca nhiễm đã giảm.

Bất chấp thành công gần đây trong việc giảm số ca nhiễm và tử vong, chính phủ Nhật Bản vẫn ứng phó nhanh chóng trước sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron. Cuối tháng 11, Nhật Bản đã hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài cũng như công dân Nhật Bản về nước. Các biện pháp này được triển khai chỉ 3 tuần sau khi Nhật Bản bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế về biên giới do đại dịch. Nhật Bản là một trong những nước phát triển áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất để kiểm soát dịch.

Lệnh cấm nhập cảnh được đưa ra sau khi Nhật Bản thêm Mozambique, Malawi và Zambia vào danh sách các nước bị áp hạn chế đi lại vì biến chủng Omicron. Trước đó, Nhật Bản cũng yêu cầu những du khách gần đây đã đến Botswana, Eswatini, Lesotho, Namibia, Nam Phi hoặc Zimbabwe phải cách ly 10 ngày trong một cơ sở do chính phủ chỉ định. Trong 10 ngày, du khách từ các quốc gia này phải làm xét nghiệm vào ngày thứ 3, thứ 6 và ngày cuối cùng.

Các biện pháp của Nhật Bản được công bố sau khi Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản nâng mức cảnh báo về biến chủng Omicron lên mức cao nhất hôm 28/11. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Omicron vào nhóm biến chủng "đáng lo ngại".

Hiện vẫn chưa thể trả lời chính xác liệu các biện pháp của Nhật Bản có thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của biến chủng mới hay không, hay liệu nước này có nguy cơ đối mặt với số ca nhiễm hoặc tử vong gia tăng khi nhiệt độ giảm xuống vào mùa đông tới hay không. Nhưng ít nhất ở thời điểm hiện tại, nguy cơ tử vong vì Covid-19 vẫn ở mức thấp nhất trong suốt thời gian dài.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm