Vì sao Nga ồ ạt tấn công thành phố Soledar?
(Dân trí) - Nga tập trung hỏa lực, tăng cường độ tấn công Soledar - thành phố miền Đông Ukraine được đánh giá có ý nghĩa quan trọng với Moscow.
Cùng với Bakhmut, Soledar đang trở thành mặt trận khốc liệt nhất ở Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận, đây hiện là khu vực giao tranh "đẫm máu nhất". Mặc dù Nga khẳng định đang chiếm ưu thế ở Soledar, Ukraine tuyên bố các lực lượng của họ tiếp tục bám trụ và chiến đấu đến cùng tại thành phố chiến lược này.
Reuters đã đưa ra những lý do khiến thành phố nhỏ với chỉ 10.000 dân trước xung đột này lại là mục tiêu quân sự quan trọng của quân Nga.
Giá trị biểu tượng
Nếu Nga kiểm soát được Soledar, đây sẽ là chiến thắng đầu tiên của quân đội Nga sau khi phải rút khỏi Kherson và Kharkov. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nó mang tính biểu tượng hơn là thực chất.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nhận định, việc kiểm soát Soledar không đồng nghĩa với việc lực lượng Nga có thể chi phối các tuyến liên lạc trên bộ quan trọng của Ukraine tới Bakhmut.
Soledar nằm ở tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine, nơi mà Moscow đã đơn phương tuyên bố sáp nhập vào tháng 9/2022 dù họ mới chỉ kiểm soát được một phần diện tích.
Tại miền Đông Ukraine, tỉnh Lugansk đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga, nhưng tại tỉnh Donetsk, các thành phố lớn như Sloviansk và Kramatorsk vẫn thuộc về Ukraine.
Kiểm soát hoàn toàn khu vực này được coi là một mục tiêu của Điện Kremlin từ lâu.
Bước đệm để tấn công Bakhmut
Bakhmut là nơi giao tranh diễn ra ác liệt trong nhiều tháng qua. Soledar nằm cách thành phố Bakhmut chỉ khoảng 18km về phía đông bắc.
Soledar đã trở thành mục tiêu của các lực lượng Nga kể từ tháng 5 năm ngoái. Nếu kiểm soát được Soledar, Nga rất có thể sẽ tận dụng vị trí đó để tăng cường tấn công Bakhmut. Họ cũng có thể sẽ tìm cách tấn công các vị trí phía sau để bao vây thành phố.
Oleksandr Musiyenko, chuyên gia phân tích ở Kiev, cho biết: "Nếu Nga kiểm soát được Soledar, điều đó không có nghĩa là tuyến phòng thủ hay tiền tuyến của Ukraine đã sụp đổ, mà khi đó, họ cần phải rút lui về các tuyến phòng thủ mới".
Hệ thống đường hầm và trữ lượng khoáng sản
Soledar không những có vị trí chiến lược về mặt địa lý và giao thông, mà còn là đầu mối của một hệ thống đường hầm rộng lớn sâu trong lòng đất.
Theo tình báo quân đội Anh, hệ thống đường hầm dài khoảng 200-300km này có thể là nơi tập kết an toàn cho binh sĩ và trang thiết bị quân sự cỡ lớn. Không chỉ là nơi ẩn náu của binh sĩ và phương tiện, hệ thống đường hầm trong các mỏ muối ở Soledar còn "cho phép luồn qua các chiến tuyến của đối phương".
Ngoài ra, Soledar là nơi có các mỏ muối thuộc sở hữu của công ty nhà nước Artemsil. Các mỏ này có trữ lượng muối tinh khiết dồi dào và được khai thác ở quy mô công nghiệp kể từ năm 1881, theo European Route of Industrial Heritage.
Artemsil vốn thống trị thị trường muối của Ukraine cho đến khi họ phải ngừng sản xuất vài tháng sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt. Doanh nghiệp này đã sản xuất hơn 280 triệu tấn muối kể từ khi được thành lập vào cuối thế kỷ XIX. Artemsil từng được coi là một trong những doanh nghiệp lớn nhất ở Đông Âu và đã xuất khẩu muối sang 20 quốc gia.
Nếu Nga kiểm soát Soledar, các mỏ muối này có thể trở thành một tài sản thương mại sinh lời cũng như để lưu trữ đạn dược và vũ khí ngoài tầm bắn của tên lửa Ukraine.
Yevgeny Prigozhin, người thành lập tổ chức quân sự tư nhân Wagner Group, tuần trước cũng đánh giá: "Hệ thống mỏ Soledar và Bakhmut thực chất là một mạng lưới các thành phố dưới lòng đất. Nó không chỉ có khả năng chứa một nhóm lớn người ở độ sâu 80-100m, mà cả xe tăng và xe chiến đấu bộ binh cũng có thể di chuyển". Vị này cho rằng, các kho dự trữ vũ khí đã được xây dựng dưới lòng đất ở Soledar và Bakhmut từ Thế chiến I và được xem là "trung tâm hậu cần quan trọng".