1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Nga lo ngại về hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ?

(Dân trí) - Đằng sau những biểu hiện giận dữ công khai, mối quan tâm thực sự của Kremlin đối với kế hoạch đặt hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu, gần với biên giới Nga là gì?

Dưới đây là đánh giá của Fyodor Lukyanov, biên tập viên nổi tiếng của tạp chí Đối ngoại của Nga.

 

Theo ông , “Người Mỹ luôn nói rằng hệ thống lá chắn tên lửa của mình sẽ không nhắm vào Nga, và nhận định hệ thống này sẽ trở nên “lố bịch” trước khả năng tên lửa của Matxcơva hiện nay. Nhưng điều quan trọng là ngày hôm nay Nga có thể qua mặt hệ thống đó, còn khoảng 15 năm nữa, khi không chỉ có hai cơ sở được lắp đặt mà là một hệ thống toàn cầu thì mọi chuyện sẽ đi đến đâu?”

 

“Nga sẽ không có gì phải sợ nếu đó chỉ là một căn cứ phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và một trạm radar ở Cộng hòa Czech. Nhưng nếu ý tưởng về một hệ thống lá chắn tên lửa toàn cầu trở thành hiện thực, thì khả năng tên lửa của Nga, Trung Quốc cũng như các nước khác chắc chắn sẽ bị đè bẹp.

 

Vì vậy khi người Mỹ nói họ không nhằm vào Nga, họ đã nói đúng. Nhưng khi các tướng lĩnh Nga cho rằng Mỹ đang nhằm vào Nga, họ cũng đúng. Sự việc này giống như tính hai mặt của cùng một đồng xu vậy.”

 

Theo đánh giá của Fyodor Lukyanov thì thái độ chỉ trích của Tổng thống Putin với kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ cũng trùng với thái độ của Trung Quốc. Bởi Putin đã đấu tranh cho cả họ, nước cũng không muốn có thêm bất kỳ một hệ thống phòng thủ tên lửa nào trên thế giới.

 

Ngoài ra, Lukyanov cho rằng vị trí đặt hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ khá nhạy cảm, quá gần với biên giới Nga. Nếu Mỹ chọn những vị trí khác, như ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Italia làm nơi lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa của mình, thì phản ứng của Nga tuy có thể vẫn tiêu cực nhưng sẽ kiềm chế hơn nhiều.

 

Hơn nữa, theo ông, các nước có thể hợp tác về mặt an ninh chiến lược chỉ khi họ tin tưởng lẫn nhau. Và ở đâu hệ thống lá chắn tên lửa cũng như an ninh quốc gia được quan tâm thì nơi đó sẽ tồn tại niềm tin. Nhưng ở thời điểm hiện nay, sẽ là lố bịch khi nói đến niềm tin như thế giữa Nga và Mỹ.

 

Về mắt lý thuyết, thì niềm tin có tồn tại từ 5, 6 năm về trước, khi Nga và Mỹ sát cánh bên nhau trong cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng dần dần niềm tin đó biến mất, và Nga cho rằng họ đã bị Mỹ lừa dối.

 

Vì sao Nga lo ngại về hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ? - 1

Trạm radar Nga xây dựng ở Cuba năm 1964

Trong con mắt của Tổng thống Putin, Nga đã làm rất nhiều cho phương Tây cũng như cho Mỹ: Putin đã dỡ bỏ căn cứ quân sự ở Việt Nam, đóng cửa trạm radar ở Cuba, và không đứng ngáng đường Mỹ mở các căn cứ quân sự ở Trung Á.

 

Đổi lại, Mỹ lại cho rằng Nga không có lựa chọn nào khác và làm tất cả những điều trên chỉ vì quyền lợi của chính Nga. Cuối cùng Nga không nhận được gì hơn ngoài cuộc xung đột với Gruzia, sự mở rộng của NATO, và gần đây nhất là kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ.

 

Theo nhà phân tích những lời lẽ “có góc cạnh” của Putin ngày nay là do thái độ quá thất vọng của ông với Mỹ. Ông cảm thấy nước Nga đã bị lạm dụng.

 

Cuối cùng Lukyanov  cho biết rất nhiều chính trị gia ở EU không ủng hộ hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ. Họ đều cho rằng hệ thống lá chắn tên lửa không có tác dụng gì và không ai cần đến nó. “Tôi đã nói chuyện với nhiều người và họ tin rằng hệ thống lá chắn tên lửa chỉ là một thủ thuật của Mỹ nhằm ngăn không cho EU có được độc lập trong chính sách đối ngoại của họ”.

 

Trang Thu

Theo BBC