1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Mỹ vội vàng đổ lỗi cho Iran vụ tấn công nhà máy dầu Ả rập Xê út?

(Dân trí) - Giới phân tích đã đặt câu hỏi về động cơ của Mỹ khi nhanh chóng đổ lỗi cho Iran đứng sau vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy dầu tại Ả rập Xê út dù các bằng chứng đưa ra vẫn chưa rõ ràng.

Vì sao Mỹ vội vàng đổ lỗi cho Iran vụ tấn công nhà máy dầu Ả rập Xê út? - 1

Nhà máy ở Buqayq bị tấn công bằng máy bay không người lái ngày 14/9. (Ảnh: Reuters)

Sau khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy sản xuất dầu lớn nhất thế giới ở Abqaiq và Khurais, đông bắc Ả rập Xê út hôm 14/9, các quan chức Mỹ, bao gồm Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã nhanh chóng đổ lỗi cho Iran là thủ phạm đứng đằng sau. Cáo buộc của Washington được đưa ra bất chấp việc Iran đã lên tiếng phủ nhận và phiến quân Houthi ở Yemen đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Theo cây bút Finian Cunningham của hãng tin RT (Nga), lý do khiến Mỹ chỉ đích danh Iran là bên chịu trách nhiệm trong vụ tấn công lần này là vì sự thất bại thảm hại của Washington trong việc bảo vệ đồng minh Ả rập Xê út.

Ông Cunningham cho rằng, chính quyền Trump cần lấy Iran làm “dê tế thần” bởi nếu Mỹ thừa nhận phiến quân Houthi gây ra vụ tấn công trắng trợn nhằm vào hai nhà máy ở khu vực trung tâm của Ả rập Xê út, điều đó đồng nghĩa với việc Washington đang thừa nhận sự yếu kém của chính mình.

Ả rập Xê út, đất nước với nguồn dầu mỏ dồi dào, đã chi hàng tỷ USD trong những năm gần đây để mua các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ cũng như công nghệ radar tối tân của Lầu Năm Góc. Theo ông Cunningham, nếu phiến quân Houthi của Yemen có thể điều khiển máy bay không người lái bay xa tới 1.000 km để xâm nhập vào lãnh thổ của Ả rập Xê út và tấn công các nhà máy dầu trọng yếu trong ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này, đó sẽ là một “đòn giáng” trực diện vào chính bộ mặt của Mỹ - nước đóng vai trò “bảo vệ” cho đồng minh Ả rập Xê út.

Hệ thống phòng thủ của Mỹ tại Ả rập Xê út được phát triển dựa trên mối quan hệ lịch sử giữa hai nước. Hoạt động xuất khẩu dầu của Ả rập Xê út được ấn định bằng đồng đô la Mỹ trong các giao dịch thương mại và điều này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thị trường toàn cầu, đồng thời củng cố sức mạnh kinh tế của Mỹ. Đổi lại, Mỹ đóng vai trò bảo vệ cho Ả rập Xê út và hưởng lợi từ việc bán các lô vũ khí trị giá hàng tỷ USD mỗi năm cho nước này.

Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Ả rập Xê út là nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Phần lớn vũ khí của Ả rập Xê út do Mỹ cung cấp, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot.

Mặc dù sở hữu nguồn tài chính dồi dào và công nghệ tiên tiến của quân đội Mỹ, song Ả rập Xê út tuần này đã phải chứng kiến một đợt tấn công nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ trọng yếu của nước này. Sản lượng dầu tại tổ hợp lọc dầu khổng lồ của Ả rập Xê út tại Abqaiq, nơi cách thủ đô Riyadh 330 km về phía đông, đã giảm 50% sau khi cơ sở này chìm trong lửa sau cuộc không kích hôm 14/9. Trong khi đó, một trong những mỏ dầu lớn nhất của Ả rập Xê út tại Khurais cũng bị đóng cửa một phần sau khi bị tấn công.

Có những thông tin đáng tin cậy nói rằng, thiệt hại sau vụ tấn công gần đây nhằm vào hai nhà máy dầu thậm chí còn nghiêm trọng hơn những gì giới chức Ả rập Xê út công bố. Các cơ sở này dự kiến phải mất nhiều tuần để khôi phục.

Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố “Iran đã tiến hành cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ nhằm vào nguồn cung năng lượng của thế giới”. Theo nhà báo Cunningham, tuyên bố này mới chỉ đúng một nửa.

Đây đúng là sự việc chưa từng có tiền lệ. Nhưng ông Cunningham cho rằng ông Pompeo và các quan chức khác của Mỹ đã sai khi đổ lỗi cho Iran.

Một số quan chức trong chính quyền Trump nói với truyền thông Mỹ rằng, “các tên lửa hành trình” là nguyên nhân dẫn tới những quả cầu lửa khổng lồ tại các nhà máy dầu Ả rập Xê út. Một quan chức giấu tên khẳng định: “Chắc chắn Iran phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công này. Không còn ai khác nữa”.

17 địa điểm bị phá hủy trong cơ sở dầu khí Ả rập Xê út bị tấn công

Trong một nỗ lực vội vàng nhằm đổ lỗi cho Iran, các hình ảnh vệ tinh đã được công bố để cho thấy những gì xảy ra sau cuộc không kích nhằm vào các nhà máy dầu tại Ả rập Xê út. Giới chức Mỹ lập luận rằng vị trí của vụ nổ cho thấy các vũ khí được phóng không phải từ Yemen tới khu vực phía nam, mà là từ Iran hoặc Iraq.

Tuy nhiên, ngay cả báo New York Times cũng hoài nghi về lập luận trên. Báo Mỹ viết: “Những bức ảnh vệ tinh được công bố hôm 15/9 dường như không thể hiện rõ ràng như các quan chức nhận định, với một số bức ảnh dường như cho thấy thiệt hại ở phần phía tây của các cơ sở, tức là không phải được phóng từ Iran hay Iraq”.

Một điểm đáng lưu ý là ngay cả Tổng thống Trump cũng chưa khẳng định chắc chắn rằng Iran là nước gây ra vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy dầu Ả rập Xê út. Ông chủ Nhà Trắng chỉ dùng từ “có thể”, đồng thời cho biết ông sẽ “chờ sự xác nhận” từ phía Ả rập Xê út”.

Hầu hết truyền thông Mỹ ban đầu đều đưa tin rằng, cuộc tấn công này do các máy bay không người lái cất cánh từ Yemen thực hiện. Hãng tin AP cho rằng đây là một vụ tấn công tinh vi khi một số máy bay không người lái cất cánh trước để gây nhiễu radar của hệ thống phòng không Patriot Mỹ, từ đó mở đường cho các máy bay không người lái khác trực tiếp thực hiện vụ tấn công.

Theo nhà báo Finian Cunningham, cái cớ để Mỹ đổ lỗi cho Iran là phiến quân từ Yemen, lực lượng được Iran ủng hộ về mặt chính trị, không đủ khả năng sử dụng máy bay không người lái để gây ra vụ tấn công lớn như vậy nhằm vào các nhà máy dầu Ả rập Xê út. Washington có thể lập luận rằng thủ phạm chỉ có thể là Iran, đặc biệt sau khi Iran bị cáo buộc tấn công các tàu chở dầu tại vịnh Ba Tư cách đây 2 tháng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các phiến quân Houthi hoàn toàn có khả năng phóng các tên lửa đạn đạo uy lực hơn và đưa các máy bay không người lái xâm nhập sâu hơn vào lãnh thổ Ả rập Xê út. Houthi từng sử dụng máy bay không người lái từ khi bắt đầu cuộc chiến do liên quân Ả rập Xê út với sự hậu thuẫn của Mỹ tiến hành tại Yemen từ năm 2015.

Trong suốt 4 năm qua, hỏa lực từ máy bay không người lái của Houthi ngày càng được cải thiện. Trước đây, Ả rập Xê út, với sự hỗ trợ của hệ thống phòng không Mỹ, có thể đánh chặn các máy bay không người lái và tên lửa từ Yemen. Nhưng một năm qua, các phiến quân từ Yemen ngày càng thành công trong việc tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Ả rập Xê út, bao gồm thủ đô Riyadh.

Thành Đạt

Theo RT