1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Mỹ ưu tiên tiêm kích F-35A cho Alaska?

Theo Defence News, Không quân Mỹ đã quyết định ưu tiên triển khai tiêm kích F-35A đầu tiên tại căn cứ không quân Eielson ở Alaska.

Dụng ý của Mỹ

Nói về kế hoạch triển khai này, bà Ann Stefanek, phát ngôn viên Không quân Mỹ cho biết họ đã nhắm đến rất nhiều căn cứ khác nhau ở cả Mỹ lẫn nước ngoài, tuy nhiên, Eielson là sự lựa chọn cuối cùng.

Theo bà Ann Stefanek, căn cứ Eielson sẽ nhận được 2 phi đội chiến đấu cơ F-35A nhằm củng cố sức mạnh cho phi đội chiến đấu cơ F-16 đang triển khai tại đây. Hiện một số hạng mục tại căn cứ này đang được nâng cấp để có thể tiếp nhận được F-35 và đến năm 2020, những chếc F-35A đầu tiên sẽ được có mặt tại Eielson.

Được biết, căn cứ không quân tại Alaska nằm gần với trung tâm huấn luyện tập trung Alaska (JPARC) rộng 100.000 km2 nên các máy bay sẽ có một khu vực rộng lớn để tập luyện.


Tiêm kích F-35A sẽ là ưu tiên số 1 của Mỹ tại Bắc Cực.

Tiêm kích F-35A sẽ là ưu tiên số 1 của Mỹ tại Bắc Cực.

Ngay trước khi công khai kế hoạch triển khai F-35A đến Alaska, hạm đội tàu ngầm hạt nhân Mỹ cũng đã khởi động cuộc diễn tập quy mô lớn mang tên ICEX tại Bắc Cực, Phó đô đốc Joseph Tofalo, Tư lệnh của Lực lượng Tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ cho biết:

“ICEX cho phép chúng ta tập dượt năng lực sẵn sàng tác chiến tại Bắc Cực, tăng thêm kinh nghiệm ở khu vực…và nâng cao hiểu biết của chúng ta về môi trường Bắc Cực”.

Theo nội dung cuộc diễn tập, một doanh trại tạm thời được thiết lập trên bề mặt của một tảng băng trôi, nhằm duy trì sự sẵn sàng của lực lượng tàu ngầm và hỗ trợ các mục tiêu và sáng kiến Bắc Cực.

Trong khi đó, một nội dung khác của cuộc diễn tập ICEX là tìm cách phát hiện và giấu các tàu ngầm đối phương trong điều kiện thay đổi của Bắc Cực hiện nay.

Trước khi lực lượng tàu ngầm hạt nhân thực hiện diễn tập ICEX, Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh No 66 về an ninh quốc gia Mỹ. Trong sắc lệnh này có đoạn:

"Mỹ có các lợi ích rộng rãi, cơ bản tại khu vực Vùng cực và Mỹ sẵn sàng hành động độc lập hoặc phối hợp với các quốc gia khác để đảm bảo an toàn cho các lợi ích đó.

Một nhóm trong số các lợi ích đó là: triển khai hệ thống lá chắn tên lửa và hệ thống cảnh báo sớm; triển khai các hệ thống trên biển và trên không phục vụ vận chuyển chiến lược trên biển, kiềm chế chiến lược;

tăng cường sự hiện diện trên các biển và tiến hành các chiến dịch đảm bảo an ninh biển cũng như đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trên khu vực lãnh thổ này”.

Sắc lệnh này cũng quy định rõ nhiệm vụ: “Đảm bảo tính cơ động toàn cầu cho các tàu và máy bay kể cả dân sự và quân sự Mỹ trên toàn bộ khu vực Vùng cực… cũng như đảm bảo khả năng cơ động toàn cầu cho lực lượng vũ trang Mỹ trên toàn thế giới.

Điều đó sẽ đảm bảo các quyền chủ quyền của Mỹ đối với một loạt khu vực duyên hải rộng lớn cùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên có ở đó”.

Đó là các văn bản, còn thực lực thì hiện nay, chỉ riêng tại Alaska, Mỹ đã có 3 căn cứ lục quân và 3 căn cứ không quân, một số các căn cứ bảo vệ duyên hải với tổng quân số lên đến 24.000 người.

Binh sĩ Nga tập trận tại Bắc Cực.
Binh sĩ Nga tập trận tại Bắc Cực.

Mỹ chưa thể yên tâm

Dù Mỹ liên tiếp có động thái tăng cường lực lượng và tổ chức tập trận tại vùng cực, tuy nhiên như thế là chưa đủ khiến nước này yên tâm trước tham vọng của Nga. Theo tờ The New York Times, trong giới chính trị gia và chuyên viên ở Mỹ đang ngày càng phổ biến quan điểm cho rằng Hoa Kỳ đang tụt hậu so với các nước khác, nhất là so với Nga, trong công cuộc chinh phục Bắc Cực, sau khi Nga đòi mở rộng chủ quyền ở vùng đất lạnh giá này.

Bài viết trên tờ The New York Times cuối năm 2015 cho biết, cuối tháng 8/2015, Tổng thống Barack Obama đã tới thăm Alaska, trở thành vị Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến Vùng Cực, tuy nhiên không rõ ông có đặt chân đến những khu vực hẻo lánh của vùng đất lạnh giá này hay không?

Nhiều nhà lập pháp trong quốc hội, các chuyên viên phân tích và thậm chí cả quan chức chính phủ đều phải thừa nhận rằng Mỹ đang thua kém đáng kể so với các nước khác mà trước hết là Nga trong việc chuẩn bị đối phó và xử lý sự biến đổi điều kiện môi trường, kinh tế và địa chính trị mới trong khu vực.

Tờ The New York Times nhận xét, Hoa Kỳ chỉ có tất cả 2 tàu phá băng, lại đã lỗi thời và thiếu những cảng nước sâu có khả năng hỗ trợ vận chuyển hàng hải. Trong khi đó, Nga đang sở hữu tới 6 tàu phá băng hạt nhân, đồng thời còn đang triển khai đóng thêm những tàu cỡ lớn mới.

Trong khi đó, tờ Business Insider cũng đưa ra nhận định tương tự là Nga sẵn sàng hơn các nước láng giềng trong cuộc chiến vì Bắc Cực. Tờ báo này ghi nhận rằng, Moscow không chỉ tích cực củng cố vị thế quân sự mà cả cơ sở pháp lý về chủ quyền của mình tại đây.

Theo Business Insider, các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở vùng đất lạnh giá này là đấu trường tiềm năng cho các cuộc đụng độ vì lợi ích địa chính trị của các nước Bắc Cực.

Để sử dụng một cách hiệu quả hơn các tuyến đường vận chuyển mới được hình thành do sự tan chảy của băng, cũng như để tối ưu hóa khai thác dầu mỏ và khí đốt trong khu vực, Moscow đã tiến hành cải tạo một cách quy mô bờ biển và các quần đảo xa bờ phía bắc của mình

Business Insider lưu ý rằng Nga đang tập trung vào việc xây dựng một loạt các căn cứ quân sự, bao gồm Trạm tìm kiếm cứu nạn, bến cảng, đường băng và sở chỉ huy quân đội, đồng thời triển khai các vũ khí trang bị hiện đại, cùng các đơn vị chuyên tác chiến ở các khu vực lạnh lẽo.

Tờ báo này cho rằng, so với Nga, số lượng các căn cứ tương tự của các nước láng giềng trong khu vực này là cực kỳ nhỏ. Ngoài ra, điện Kremlin đang tiến hành xây dựng Bộ tư lệnh Bắc Cực, khôi phục và hiện đại hóa các căn cứ được xây dựng từ thời Xô Viết.

Tổng cộng, Moscow có kế hoạch mở ra trong khu vực 10 trạm tìm kiếm cứu nạn Bắc cực, 16 cảng nước sâu, 13 sân bay, 10 trạm radar và các hệ thống phòng không khác. Ở đó, Nga sẽ triển khai các vũ khí tiên tiến như hệ thống phòng không S-400, tiêm kích MiG-31, máy bay ném bom Tu-95MS…

Business Insider lưu ý rằng ở mức độ khác nhau, các nước Nga, Đan Mạch, Na Uy, Canada và Hoa Kỳ đang tìm cách tuyên bố chủ quyền và khai thác nguồn tài nguyên Bắc Cực. Nhưng trong đó Nga có tham vọng nhất, đồng thời đã làm được nhiều việc nhất để củng cố và mở rộng chủ quyền ở đây.

Theo Thùy Dung

Đất Việt