1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Mỹ không ném bom các cơ sở truyền thông bí mật của IS?

Chính phủ Mỹ biết rõ các cơ sở truyền thông bí mật của IS. Tuy nhiên họ chưa quyết liệt ném bom các vị trí này do ít nhất 2 nguyên nhân.

Một trong các vũ khí hiệu quả của là hệ thống truyền thông xã hội của tổ chức này. Theo các quan chức tình báo Mỹ, Lầu Năm Góc biết rõ các trung tâm tin học của IS chuyên cập nhật nội dung lên mạng xã hội nằm ở đâu nhưng chính quyền Obama đã từ chối ra tay xử lý bằng đòn không kích.

Vì sao Mỹ không ném bom các cơ sở truyền thông bí mật của IS? - 1

Các phần tử ủng hộ IS. (Ảnh: AP)

Tổ chức IS đã dựa vào một mạng lưới truyền thông đa phương tiện để chiêu mộ chiến binh. Hệ thống của IS gồm các đoạn video, tài khoản mạng xã hội, và một tạp chí trực tuyến. Việc phá hủy hệ thống này là một nhân tố quan trọng trong chiến lược chống khủng bố của Mỹ.

Tuy nhiên tiêu diệt phương thức tuyên truyền trực tuyến của IS là điều không đơn giản chút nào. Việc đánh sập các tài khoản Twitter cá nhân của IS là không hiệu quả do mạng lưới của IS rất lớn, các tài khoản mới sẽ mọc lên như nấm sau mưa.

Trước tình hình đó, Mỹ bắt đầu tập trung xác định địa điểm của các cơ sở truyền thông IS (những nơi IS chế ra video hoặc ấn phẩm tuyên truyền của chúng).

Một báo cáo của Quỹ Quilliam, một tổ chức nghiên cứu chống khủng bố có trụ sở ở Anh, có đoạn: “Đây là một chiến dịch thông tin đặc biệt tinh vi (nói về IS). Thành công của nó dựa vào 2 trụ cột song song là chất lượng và số lượng... Các biện pháp tiêu cực như kiểm duyệt đều sẽ thất bại trước hệ thống đó”.

Các quan chức tình báo Mỹ giấu tên nói với tờ Washington Times rằng Lầu Năm Góc đã vẽ được “bản đồ” các vị trí trên thực địa mà ở đó mạng lưới truyền thông của IS vận hành.

Tuy nhiên Mỹ lại không thể chỉ đơn giản đưa máy bay ném bom thẳng vào các vị trí này.

Theo các cựu binh IS được Washington Post phỏng vấn, nhiều trung tâm truyền thông của IS nằm trong các khu vực đông dân cư.

Một cá nhân như vậy cho biết mình tiếp nhận các thiết bị và truy cập internet từ Thổ Nhĩ Kỳ. Người này hoạt động từ một ngôi nhà 2 tầng trong một khu dân cư.

Các nguồn tin thân cận với chính quyền Obama cho biết, chính nguy cơ cao gây thương vong cho dân thường đã khiến Mỹ do dự và quyết định không ném bom các cơ sở truyền thông của IS.

Tổng thống Obama nói với các phóng viên vào hôm 14/12: “Chúng ta phải tấn công các mục tiêu IS với độ chính xác theo kiểu phẫu thuật”.

Ông Obama cho biết thêm: “IS đang chui sâu vào vùng đô thị, ẩn nấp sau dân thường, sử dụng những người dân và trẻ em làm lá chắn sống”.

Ngoài ra hiện trong Nhà Trắng còn có sự tranh cãi về việc liệu cắt đứt nhánh truyền thông của IS có phải là quá sớm vào lúc này hay không. Vì việc nghiên cứu hệ thống tuyên truyền của IS có thể đem lại các thông tin quý báu hỗ trợ cho việc đánh bại IS.

Một nguồn tin nói với tờ Times: “Luôn có sự cân bằng giữa việc cần phải tiêu diệt [các cơ sở truyền thông] với việc nghiên cứu cách thức chúng hoạt động... Ném bom tuyệt đối không phải là cách duy nhất để triệt hạ hệ thống truyền thông.”

Hiện nay về mặt truyền thông, chính quyền Obama đang dựa vào một chương trình của Bộ Ngoại giao Mỹ. Chương trình này có mục tiêu vạch trần những lời nói dối và thiếu nhất quán trong các tuyên truyền của IS.

Chương trình có 69 nhân viên biết nhiều thứ tiếng. Họ làm việc trên nhiều nền tảng khác nhau để tiến hành “phản lại” tuyên truyền của IS. Tuy nhiên nỗ lực kiểu này của Mỹ chưa được hiệu quả cho lắm./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN/Sputnik