Vì sao Mỹ ép các công ty tìm cách "nhái" AK Nga?
Tờ tạp chí Mỹ National Interest vừa đưa ra câu hỏi vì sao Lầu Năm Góc muốn các công ty Mỹ sản xuất các loại súng Kalashnikov của Nga?
Mỹ buộc các công ty tìm cách "nhái" vũ khí Nga
Trả lời câu hỏi này, The National Interest cho biết rằng, chỉ cần xem bất kỳ video nào về cuộc chiến ở Iraq và Syria sẽ thấy ngay lời đáp cho câu hỏi "vì sao lực lượng đặc nhiệm Mỹ cần đến các loại súng do Nga sản xuất?"
Trong những băng ghi hình có thể thấy rõ rằng nhiều thành viên tham gia cuộc xung đột đang sử dụng vũ khí của Nga hoặc các biến thể địa phương của vũ khí Nga, thêm nữa đó là kho vũ khí gồm nhiều loại khác nhau, từ súng trường cho đến súng máy hạng nặng gắn trên xe bán tải pickup.
The National Interest tiết lộ rằng, vừa qua Bộ Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm của Hoa Kỳ (USSOCOM) đã nảy ra ý tưởng là thay vì mua vũ khí của Nga, tại sao Hoa Kỳ lại không tự mình triển khai khâu sản xuất các loại súng này của riêng mình?
Kết quả là, USSOCOM đã kêu gọi các công ty Mỹ tự lực phát triển kế hoạch sản xuất vũ khí Nga và nước ngoài nói chung - tạp chí The National Interest thông báo.
Cụ thể, cơ quan quân sự Hoa Kỳ muốn biết liệu có thể "tiến hành phân tích kỹ thuật, hoặc thay đổi cấu trúc và sản xuất ở Mỹ các mẫu vũ khí nước ngoài như súng máy hạng nhẹ 7,62mm tương tự như súng Kalashnikov, cũng như súng phóng lựu cỡ nòng lớn 12,7mm, giống như mẫu súng Utes.
Tuy nhiên, USSOCOM không giảm nhẹ phần việc của các công ty, chẳng hạn cung cấp cho họ bản vẽ thiết kế súng. Các công ty Mỹ phải tự thực hiện bản vẽ, phát triển những các yếu tố cấu trúc cần thiết và kiếm vật liệu phù hợp cũng như tổ chức sản xuất.
USSOCOM nhấn mạnh rằng toàn bộ những vũ khí nước ngoài phải mang nhãn hiệu "Made in USA". Theo ý tưởng này, việc phát triển các loại vũ khí như thế sẽ củng cố tổ hợp công nghiệp-quân sự và đảm bảo kênh cung ứng đáng tin cậy - The National Interest cho biết.
Các chuyên gia nhận định rằng, với yêu cầu này thì chẳng khác nào Mỹ đang tìm cách buộc các công ty sản xuất súng nước này phải chế tạo “nhái” các loại vũ khí nước ngoài, đặc biệt là súng của Nga.
USSOCOM có điều kiện mua súng chính hãng sản xuất tại Mỹ
Hồi đầu năm nay, công ty Mỹ RWC (của tỷ phú Robert W (Bob) Cunningham) trước đây từng là nhà nhập khẩu chính thức và phân phối các loại vũ khí do tập đoàn Kalashnikov xuất khẩu sang Mỹ đã quyết định tổ chức sản xuất tiểu liên dòng Kalashnikov, đặc biệt là súng trường AK-47 tại 1 thành phố thuộc bang Florida.
Được biết, vào năm 2015, Mỹ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm vũ khí nhập khẩu từ Nga (trừ các loại trang bị được Quốc hội Hoa Kỳ đặc biệt phê duyệt, ví dụ như động cơ tên lửa đẩy vũ trụ RD-180/RD-181 của Nga). Do đó, RWC đã buộc phải cắt đứt quan hệ với công ty Kalashnikov,
RWC đã không thể nhập khẩu được các loại súng của Kalashnikov nhưng công ty Mỹ vẫn giữ được bản quyền sản xuất vũ khí của Kalashnikov tại Mỹ, bởi cả Moscow và Washington đều chỉ cấm nhập khẩu, không cấm sản xuất vũ khí của đối phương trong nước mình.
Do thị trường Mỹ đang đặc biệt yêu thích sản phẩm của Kalashnikov nên công ty này đã quyết định mở một nhà máy lắp ráp nhỏ ở thành phố Tullitaune, nằm trên bờ Đại Tây Dương, thuộc bang Pennsylvania. Sau đó, công ty này quyết định mở một nhà máy quy mô lớn ở thành phố Pompano Beach, bang Florida.
Hồi tháng 6/2016, tờ báo Mỹ The Washington Post cũng dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết, Bộ chỉ huy Lực lượng tác chiến đặc biệt Hoa Kỳ (USSOCOM) đang nghiên cứu khả năng đặt hàng cho các công ty Mỹ làm mẫu vũ khí tương tự như của Nga.
Theo đó, Lầu Năm Góc sẽ đặt hàng các công ty Mỹ sản xuất những vũ khí xạ kích cá nhân giống như tiểu liên AK-47, súng bắn tỉa Dragunov, súng máy hạng trung và hạng nặng cũng như một số loại vũ khí khác do hãng Kalashnikov của Nga thiết kế, chế tạo.
SOCOM hoàn toàn có thể mua thẳng các loại vũ khí này từ RWC bởi công ty này có giấy phép sản xuất chúng. Vậy tại sao Lầu Năm Góc không trực tiếp đặt hàng RWC mà buộc các công ty Mỹ phải tự sản xuất các loại súng mô phỏng theo thiết kế của Nga?
Theo giới phân tích, vấn đề chủ yếu khiến Mỹ không muốn mua vũ khí Nga theo giấy phép sản xuất là do Nhà Trắng không muốn Nga nắm được chủng loại, số lượng và điểm đến của các lô vũ khí mà Lầu Năm Góc đã đặt hàng. Vậy Washington đang muốn che dấu điều gì?
Những nguyên nhân khiến USSOCOM đặt hàng “nhái” vũ khí Nga
Thứ nhất là các loại vũ khí Nga nói chung và của dòng Kalashnikov nói riêng đang sử dụng rộng rãi tại các khu vực xung đột, chẳng hạn như ở Iraq, Syria, Yemen, Afghanistan…
Hoa Kỳ đã cung cấp cho đồng minh ở các nước này những vũ khí do Mỹ sản xuất, nhưng các loại vũ khí này đòi hỏi sự chăm sóc, bảo dưỡng rất kỹ lưỡng, không phủ hợp với điều kiện chiến trường khốc liệt và thiếu thốn trang, thiết bị bảo đảm ở Trung Đông, Bắc Phi.
Ở các khu vực chiến sự kiểu như vậy, các vũ khí Nga được ưa chuộng hơn bởi dễ thao tác, tính năng đáng tin cậy, công tác sửa chữa, bảo dưỡng không cần những thiết bị quy chuẩn và đắt đỏ, trong khi vũ khí Mỹ lại “đỏng đảnh” và dễ bị tổn thương.
Thứ 2 là trước đây Mỹ cũng đã từng mua vũ khí Nga trôi nổi trên thị trường để cung cấp cho quân chính phủ các nước đồng minh như Iraq hay Afghanistan và phiến quân đối lập ở các nước “không thân thiện” (như ở Syria).
Theo giới phân tích, Mỹ đã từng mua vũ khí Nga trôi nổi để cung cấp cho các nhóm phiến quân
Mặc dù phương án mua từ các nhà cung cấp thứ ba sẽ rẻ hơn so với việc tự sản xuất những vũ khí như vậy, nhưng những nguồn vũ khí này rất khó kiểm soát được số lượng cũng như nguồn gốc và địa chỉ nhận chúng.
Do đó, tờ The Washington Post nhận định, việc sản xuất các mẫu súng đạn tương tự vũ khí Nga tại Mỹ có thể tạo điều kiện để Chính phủ Hoa Kỳ nắm quyền kiểm soát lớn hơn với quy trình sản xuất và phân phối vũ khí đến các điểm nóng trên thế giới.
Thứ ba mang ý nghĩa quan trọng nhất là, nếu sản xuất vũ khí Nga tại Mỹ, Washington có thể chủ động cung cấp cho các lực lượng phiến quân đối lập chống các chính phủ không đi theo định hướng của mình, mà không sợ lộ bí mật về bàn tay của Mỹ.
Ví dụ như trong thời gian qua, Mỹ đã cung cấp những vũ khí cả của Nga lẫn của mình cho các phe “đối lập ôn hòa” Syria và các tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS hay al-Nusra (chi nhánh al-Qaeda ở Syria, sau đổi tên thành Jabhat Fatah al-Sham, hiện lãnh đạo liên minh khủng bố Hay'at Tahrir al-Sham).
Do đó, nếu tự chủ trong việc sản xuất vũ khí "nhái" Nga, Mỹ sẽ có nguồn cung ổn định để cung cấp vũ khí cho các nhóm phiến quân mà họ hậu thuẫn, dấu nhẹm được chứng cứ có bàn tay của mình thò vào các cuộc khủng hoảng, chính biến và nội chiến ở các điểm nóng thế giới.
Với những nguyên nhân trên, giới chuyên gia nhận định rằng, việc Lầu Năm Góc đặt hàng các doanh nghiệp nước này sản xuất vũ khí Nga ở Mỹ là điều không có gì là đáng ngạc nhiên.
Theo Huy Bình
Đất Việt