1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Mỹ để máy bay Nga công khai “thám thính” Lầu Năm Góc?

(Dân trí) - Máy bay trinh sát của Không quân Nga ngày 9/8 đã bay qua khu vực không phận được giám sát nghiêm ngặt ở Washington, với mục đích được cho là nhằm thu thập thông tin tình báo gần trụ sở của Bộ Quốc phòng, Quốc hội và các tòa nhà chính phủ Mỹ. Lý do cho sự xuất hiện của máy bay này có liên quan tới một hiệp ước gây tranh cãi mà cả Nga và Mỹ đều là thành viên.

Lầu Năm Góc - trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ (Ảnh: Reuters)
Lầu Năm Góc - trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ (Ảnh: Reuters)

Theo Washington Post, máy bay Tupolev Tu-154 của Không quân Nga ngày 9/8 đã thực hiện chuyến bay trên vùng trời gần các cơ quan quan trọng của Mỹ như Lầu Năm Góc - trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, Đồi Capitol - trụ sở Quốc hội Mỹ và các tòa nhà chính phủ khác.

Hoạt động này của máy bay Nga hoàn toàn phù hợp với các quy định theo Hiệp ước Bầu trời mở mà cả Nga, Mỹ và 32 quốc gia khác đã ký kết trước đó. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Hiệp ước Bầu trời mở đã đặt ra các tiêu chuẩn, trong đó cho phép các quốc gia thành viên có thể triển khai các máy bay không được trang bị vũ trang tới vùng trời của các quốc gia khác để quan sát. Mục đích của việc làm này là nhằm tăng cường tính minh bạch cũng như khả năng kiểm soát vũ khí trên toàn thế giới.

Trước đó, lực lượng cảnh sát tại Đồi Capitol ngày 9/8 đã phát đi cảnh báo rằng “một máy bay hoạt động ở tầm thấp được cấp phép” sẽ bay vào khu vực không phận hạn chế trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 3 giờ chiều. Thông báo không chỉ đích danh chủ sở hữu của máy bay này, nhưng cho biết “đây là máy bay cỡ lớn và có thể bay hướng thẳng về phía Đồi Capitol”.

“Chuyến bay này sẽ được cảnh sát Đồi Capitol và các cơ quan thuộc chính phủ liên bang theo dõi”, thông báo của cảnh sát Đồi Capitol cho biết.

Trong khi đó, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên xác nhận rằng máy bay bí mật bay qua khu vực không phận được giám sát nghiêm ngặt tại Washington và tiến gần các cơ quan quan trọng của chính phủ Mỹ là của Nga. Nguồn tin cũng khẳng định máy bay Nga được phép hoạt động thông qua Hiệp ước Bầu trời mở.

Ngoài bay qua thủ đô Washington, máy bay Tupolev Tu-154 của Không quân Nga sẽ tiếp tục thực hiện một chuyến bay khác vào chiều ngày 9/8 ở khu vực sân golf của Tổng thống Donald Trump tại Bedminster, bang New Jersey. Đây là nơi nhà lãnh đạo Mỹ đang có kỳ nghỉ kéo dài 17 ngày.

Hiệp ước gây tranh cãi

Máy bay Tupolev Tu-154M của Không quân Nga (Ảnh: Business Insider)
Máy bay Tupolev Tu-154M của Không quân Nga (Ảnh: Business Insider)

Theo quy định của Hiệp ước Bầu trời Mỹ, các phi công Mỹ cũng có mặt trên máy bay Nga khi máy bay này thực hiện chuyến bay trong khuôn khổ của hiệp ước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các quy định của Hiệp ước Bầu trời mở vẫn là chủ đề gây tranh cãi và hiệp ước này chủ yếu phục vụ cho lợi ích của Nga.

Trung tướng Hải quân Vincent Stewart, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, cho rằng Nga đang được hưởng lợi và lợi dụng hiệp ước này. Phát biểu trong một phiên họp của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hồi năm ngoái, Trung tướng Stewart cho biết ông muốn hủy bỏ các chuyến bay của Nga trên bầu trời Mỹ trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở.

“Những thứ mà Nga có thể quan sát, lượng dữ liệu mà Nga có thể thu thập, cùng những việc mà Nga có thể làm trong quá trình xử lý sau đó, có thể cho phép Nga sở hữu một lượng lớn các thông tin tình báo nền tảng về các cơ sở hạ tầng, căn cứ, hải cảng trọng yếu và tất cả các cơ sở của Mỹ. Điều này sẽ mang lại cho Nga một lợi thế cực lớn”, ông Stewart nói hồi tháng 3/2016.

Tuy nhiên, không chỉ Nga mà ngay cả Mỹ cũng đã tiến hành các chuyến bay thám thính tương tự theo quy định của Hiệp ước Bầu trời mở bằng máy bay trinh sát OC-135B của Không quân nước này. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Hải quân Jeff Davis, đã lên tiếng bênh vực Hiệp ước Bầu trời mở trong phát biểu của ông hồi năm ngoái.

“Chúng ta phải nhớ rằng trong khi năng lực tình báo của chúng ta thuộc hàng tốt trên thế giới, nhưng không có nhiều nước có được năng lực tình báo mạnh như chúng ta. Vì thế, để đảm bảo tính minh bạch và tránh xảy ra hiểu lầm giữa các nước, đôi khi chúng ta cũng nên cho phép họ quan sát những gì chúng ta đang làm hoặc những gì mà chúng ta không làm”, ông Davis nhấn mạnh.

Thành Đạt

Theo Washington Post

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm