Vì sao mối quan hệ Nga và EU ngày càng xấu đi?
(Dân trí) - Nga và Liên minh châu Âu (EU) có một danh sách dài các bất đồng cần được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU - Nga khai mạc vào hôm nay, 18/5, tại thành phố Samara, bên sông Volga.
Trước khi hội nghị diễn ra, Đức - hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, đã phái Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier tới Nga trước nhằm dàn xếp các bất đồng và đảm bảo hội nghị vẫn được tiến hành đúng như kế hoạch.
Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch uỷ ban châu Âu Jose Manuel Barroso sẽ có hàng loạt các vấn đề cần bàn thảo trong hội nghị này.
Kosovo
Liên minh châu Âu đã được cảnh báo bởi những đe doạ của Nga nhằm phủ quyết một nghị quyết của Liên Hợp Quốc được EU và Mỹ hậu thuẫn, đề xuất trao quyền độc lập cho tỉnh Kosovo của Serbia. Matxcơva lo ngại về sự an toàn của Kosovo và khẳng định không ủng hộ bất kỳ thoả thuận nào về sự độc lập của Kosovo - điều mà chính phủ Serbia cũng kiên quyết phản đối.
Nga muốn các lãnh đạo Kosovo và Serbia tiếp tục thương lượng và yêu cầu thảo luận nhiều hơn nữa trong Hội đồng Bảo an. Các quan chức tại Brussels cho rằng một lá phiếu phủ quyết của Nga - điều mà Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc cuối tuần trước cảnh báo nhiều khả năng sẽ xảy ra - có thể tạo nên một vết nứt trong quan hệ EU-Nga.
Thương mại
EU nằm trong số các quốc gia đầu tiên ủng hộ Nga gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Nhưng giờ đây, khi Nga đang bước vào giai đoạn đàm phán quan trọng, EU lại đe doạ rút lại sự ủng hộ cuối cùng. Các quan chức EU nói rằng Nga đã không thực thi luật sở hữu trí tuệ và thực hiện đầy đủ các cam kết như dỡ bỏ thuế nhập khẩu phân biệt với một số loại hàng hoá.
Kể từ năm 2005, Nga đã từ chối nhập khẩu các sản phẩm thịt từ Hà Lan do lo ngại các vấn đề an toàn thực phẩm, tuy nhiên EU nghi ngờ rằng quyết định này mang động cơ chính trị. Năm ngoái, Nga đe doạ mở rộng lệnh cấm với tất cả các sản phẩm động vật từ EU. Phía EU cho biết, chính điều này đã góp thêm vào những cản trở lớn cho việc gia nhập WTO của Nga.
Năng lượng
EU và Nga lâu nay vốn tồn tại nhiều bất đồng trong lĩnh vực năng lượng. EU muốn các điều khoản rõ ràng hơn để các công ty EU được vào khai thác nguồn khí và dầu dự trữ của Nga. EU cũng không hài lòng về một khuyng hướng Nga sử dụng năng lượng như một công cụ chính sách ngoại giao để trừng phạt một số nước láng giềng.
EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối lại việc cung cấp dầu tới Lithuania mà Nga đã bất ngờ ngừng vào tháng 7 năm ngoái khi một nhà máy lọc dầu của Lithuania được bán cho một công ty của Ba Lan thay vì một công ty của Nga.
Gần đây, Nga, Turkmeniastan và Kazakhstan đã thỏa thuận xây dựng một đường ống dẫn khí đốt ở phía bắc từ biển Caspi. Thỏa thuận này sẽ giúp Nga có thể sử dụng khí đốt của Turkmenistan, và sẽ là một điểm bất lợi cho các kế hoạch cạnh tranh của EU. EU đã từng hy vọng có thể đặt đường ống đưa khí đốt của Turkmenistan xuyên biển Caspi nhằm giảm sự phụ thuộc của EU vào nguồn năng lượng do Nga kiểm soát.
Estonia
EU đã cố gắng không can thiệp quá sâu vào tranh cãi giữa Estonia và Nga xung quanh quyết định di dời tượng đài lính hồng quân Liên xô tại thủ đô Tallinn. Nhưng sau vụ phong toả đại sứ quán Estonia ở Matxcơva và các cảnh bạo lực tại một cuộc họp báo của đại sứ Estonia, Uỷ ban châu Âu đã thúc ép Nga tôn trọng các qui định của Liên Hợp Quốc về việc bảo vệ các nhà ngoại giao. Thông điệp này đã được nhắc lại sau khi một nhóm thanh niên được Kremlin hậu thuẫn biểu tình trước văn phòng của EU tại Matxcơva.
EU còn lo ngại rằng Nga đang cân nhắc gây trở ngại thương mại với Estonia bằng việc chặn đường các xe tải đi qua chiếc cầu chính nối liền 2 quốc gia. Phía Nga cho biết, phương án này đang được cân nhắc do chiếc cầu cần được sửa chữa khẩn cấp. Trong khi đó, Estonia nói rằng Nga đang áp dụng các biện pháp trừng phạt Estonia.
Nhân quyền
Một tài liệu nội bộ của EU được chuẩn bị trước hội nghị thượng đỉnh cho biết tình hình nhân quyền tại Nga đang giảm sút và là nguyên nhân làm gia tăng những lo ngại. EU đề cập tới những sức ép trong xã hội và truyền thông Nga, đồng thời mong muốn cuộc bầu cử tổng thống Nga diễn ra bình đẳng vào năm tới.
EU muốn Nga mời các đại diện của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tới giám sát cuộc bầu cử. Nhưng Putin coi hoạt động tổ chức OSCE như một công cụ chính sách ngoại giao của phương Tây và cho biết ông sẽ miễn cưỡng đồng ý.
Phòng thủ tên lửa
Nga đã đe doạ rút khỏi hiệp ước hạn chế vũ khí CFE và nhắm tên lửa tới Ba Lan và Cộng hoà Czech nếu họ trở thành nơi đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Đây thực sự không phải là một vấn đề lớn với EU nhưng nó đã làm gia tăng không thí căng thẳng của hội nghị.
Trên thực tế, kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ đã khiến châu Âu chia rẽ. Cựu tổng tống Pháp Jacques Chirac từng phát biểu vào đầu năm nay rằng EU và Mỹ nên lắng nghe những lo ngại của Nga. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đề xuất rằng Mỹ nên tham khảo Nga tích cực hơn, trong khuôn khổ NATO-Nga. Đối tác liên minh của bà, đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), tuyên bố không chấp nhận kế hoạch triển khai tên lửa đánh chặn của Mỹ ở Ba Lan và Séc do lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.
VTH
Theo BBC