Vì sao Hollande đắc cử tổng thống Pháp?
(Dân trí) - Thông minh, bền chí, kiên định, tính cách dễ mến và tinh thần thép tiềm ẩn là một vài trong số những lý do giúp đưa ứng viên cánh tả Francois Hollande tới chiến thắng của cuộc bầu cử tổng thống Pháp.
“Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”
Và còn một lý do khác: Ông Hollande có vận may tốt.
Các sự kiện đã cộng hưởng để trợ giúp ứng viên xã hội Hollande, một nhân vật thích hợp nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm, trên con đường chông gai tới điện Elysee.
Đầu tiên là sự "thất sủng" bất ngờ của ứng viên từng được ưa chộng của đảng Xã hội, cựu giám đốc IFM Dominique Strauss-Kahn, người dính phải vụ bê bối sex rùm beng tại New York.
Sau đó, khi ông Hollande được chọn làm ứng viên tổng thống thay thế Strauss-Kahn, đảng Xã hội đã hoàn toàn nhất trí để thể hiện sự đoàn kết. Những chỉ trích đã được dẹp sang một bên.
Thứ 3, trong chiến dịch tranh cử, ông Hollande đã đối đầu với một đương kim tổng thống không được quần chúng ưa chuộng.
Một người bình thường
Nhìn từ một khía cạnh khác, không phải mọi hoàn cảnh đã hỗ trợ ông Hollande, mà bản thân ông Hollande đã đối đầu với các hoàn cảnh.
Trước tiên, ông Hollande là người phản đối Sarkozy đích thực. Ông Hollande phù hợp với yêu cầu của công chúng về một ai đó khác xa với vị tổng thống sắp mãn nhiệm.
Nhìn sâu hơn, ông Hollande cũng thích hợp với thời đại. Gerard Courtois, một nhà báo ủng hộ Hollande, viết trên tờ Le Monde rằng tổng thống tương lai là một người “không phải anh hùng”.
Các tổng thống Pháp trước đây thường thường được ví với các chiến binh lão làng như Francois Mitterrand và Jacques Chirac hay những nhân vật mới năng nổ như Nicolas Sarkozy và Valery Giscard d'Estaing.
Nhưng là một người không có gì nổi bật, một người rất bình thường, ông Hollande phù hợp với xu hướng mới đang thịnh hành.
Ông Hollande đã tiến hành một chiến dịch tranh cử sắc sảo. Ông đã tìm ra những điểm yếu của Tổng thống Sarkozy và gây dựng mình với tư cách là một người bình thường. Ông tự gọi mình là “Ông bình thường” - một người có thể làm yên lòng công chúng Pháp.
Kinh tế
Ông Hollande đã đắc cử nhờ tập trung vào những vấn đề khó khăn kinh tế Pháp và vạch ra những điểm yếu của đương kim Tổng thống Sarkozy.
Trong chiến dịch tranh cử kéo dài, thông điệp của ông Hollande rất kiên định. Ông cho rằng các chính sách kinh tế của ông Sarkozy đã thất bại. Không có sự tăng trưởng, sẽ không có sự phục hồi, ông Hollande khẳng định.
Ông Hollande đã cam kết tăng thuế đối với các công ty lớn và người giàu. Ông cũng cam kết tạo ra 60.000 việc làm mới trong lĩnh vực giáo dục. “Linh hồn của nước Pháp là sự bình đẳng”, ông nói.
Những từ như “sự khắc khổ” hay “thắt chặt ngân sách” đã bị phủ bóng bởi một từ khác: “sự tăng trưởng” - điều mà ông Hollande nhấn mạnh trong suốt chiến dịch tranh cử.
Sai lầm của Sarkozy
Nước Pháp đã bỏ phiếu cho sự thay đổi. Đây là thứ 2 kể từ năm 1958 tới nay, cử tri đã bỏ phiếu để đưa một đại diện của đảng Xã hội vào điện Elysee. Phe cánh tả Pháp cũng không giành chiến thắng bầu cử tổng thống trong1/4 thế kỷ qua.
Tổng thống Nicolas Sarkozy đã lãnh đạo nước Pháp qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong ký ức của những người còn sống. Những lời hứa của ông về một cuộc sống tốt đẹp hơn đã chẳng đi tới đâu.
Đối với Nicolas Sarkozy, cuộc bầu cử không chỉ là về một nền kinh tế đang trì trệ, mà còn về chính ông. Nhiều người Pháp không thích phong cách của ông. Họ không nghĩ rằng một tổng thống lại nói với một nông dân rằng “hãy biến đi”. Họ cũng không thích sự hùng hổ và các ý tưởng của ông.
Ông Sarkozy trở thành tổng thống với cam kết hiện đại hoá nước Pháp. Nhưng các chương trình cải cách của ông còn khiêm tốn. Ông đã hăng hái chiến đấu với cuộc khủng hoảng trong khu vực eurozone, sát cánh với Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhưng tỷ lệ thất nhiệp đã lên tới gần 10%. Ông đã dẫn đầu sự đối phó của phương Tây đối với nhà lãnh đạo Libya Gadhafi, nhưng các chiến dịch quân sự không được lòng cử tri.
Với phe cánh tả, ông là Sarkozy bị xem là một người bạn không thân thiện của người giàu; với phe cực hữu, ông là người đã không giữ lời hứa. Còn với những người trung dung, ông là người đã bắt đầu cải cách nhưng sau đó lại dừng lại.
Cuối cùng, không có sự kiên định trong thông điệp của ông. Ông Hollande tỏ ra không nguy hiểm. Ông Hollande đã tự xây dựng hình ảnh của mình giống hình mẫu cựu Tổng thống Francois Mitterrand, trong khi ông Sarkozy mắc phải một sai lầm nghiêm trọng là đánh giá thấp đối thủ, một người mà ông xem là vô dụng.
An Bình
Theo BBC