1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao em gái ông Kim Jong-un "dội gáo nước lạnh" vào hy vọng của Mỹ?

Thành Đạt

(Dân trí) - Em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đưa ra cảnh báo được cho là "dội gáo nước lạnh" vào hy vọng đối thoại của Mỹ sau thời gian dài bế tắc trong quan hệ song phương.

Vì sao em gái ông Kim Jong-un dội gáo nước lạnh vào hy vọng của Mỹ? - 1

Bà Kim Yo-jong (phải) cùng lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in năm 2018 (Ảnh: Reuters).

Triều Tiên ngày 22/6 đã dập tắt hy vọng đàm phán với Mỹ, chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un để ngỏ khả năng đối thoại. Tại cuộc họp đảng mới đây ở Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un nói rằng Triều Tiên cần chuẩn bị cho cả khả năng "đối thoại và đối đầu" với Washington.

Tuy nhiên, bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un, cảnh báo Mỹ không nên hiểu sai phát ngôn của nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu không muốn thất vọng lớn.

"Có vẻ như Mỹ đang diễn giải tình hình theo cách để tự an ủi chính mình. Kỳ vọng mà họ đang ấp ủ một cách sai lầm sẽ khiến họ rơi vào nỗi thất vọng lớn hơn", bà Kim Yo-jong, quan chức cấp cao của đảng Lao động Triều Tiên, cho biết trong một tuyên bố được phát trên kênh truyền hình nhà nước.

Tuyên bố của bà Kim Yo-jong được cho là đáp lại phát biểu của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 20/6 rằng, ông nhận thấy việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sẽ chuẩn bị cho cả khả năng "đối thoại hoặc đối đầu" với Mỹ là một "tín hiệu thú vị". Ông Sullivan cũng nói rằng Washington sẽ chờ thêm những liên lạc trực tiếp từ Bình Nhưỡng trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã hoàn tất việc xem xét chính sách đối với Triều Tiên vào tháng trước, khẳng định Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên, nhưng cũng nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Trong chuyến thăm tới Seoul vào tuần trước, ông Sung Kim, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, cho biết Mỹ sẵn sàng đàm phán "mọi lúc, mọi nơi" và vô điều kiện với Triều Tiên. Tuy nhiên, Washington vẫn duy trì các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Bình Nhưỡng liên quan đến các vụ thử nghiệm hạt nhân và vũ khí.

Đặc phái viên Mỹ dự kiến sẽ gặp những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản trong tuần này, để thể hiện lập trường thống nhất về vấn đề Triều Tiên.

Một số nhà phân tích nhận định, bất chấp các hoạt động ngoại giao đang diễn ra "rầm rộ", tuyên bố của bà Kim Yo-jong cho thấy có rất ít tiến triển trong việc nối lại các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên.

"Chúng tôi đang chờ đợi những tín hiệu tiếp theo từ Bình Nhưỡng sau những phát biểu gần đây của ông Kim Jong-un nhằm làm sáng tỏ ý định của ông ấy. Tuyên bố của Kim Yo-jong bắt đầu làm được điều đó. Mặc dù bà ấy không hoàn toàn loại bỏ ý tưởng tiếp tục đàm phán ngoại giao, nhưng dường như bà ấy cho rằng điều đó không có khả năng xảy ra vào thời điểm này", Jenny Town, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, cho biết.

Giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho rằng, tuyên bố của bà Kim Yo Jong không có nghĩa là Triều Tiên "đang từ chối đối thoại". Thay vào đó, Bình Nhưỡng đang kêu gọi Washington đưa ra "những đề nghị cụ thể và hợp lý hơn để Triều Tiên có đủ lý do quay lại đối thoại".

Chờ cơ hội đàm phán?

Triều Tiên đã tẩy chay các cuộc đàm phán với Mỹ kể từ năm 2019. Tại cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 2/2019, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối một đề xuất, trong đó Bình Nhưỡng sẽ tháo dỡ một tổ hợp hạt nhân quan trọng để đổi lấy việc Washington dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt.

Theo Giáo sư Kim Yong-hyun tại Đại học Dongguk của Hàn Quốc, tuyên bố của bà Kim Yo-jong ngụ ý Mỹ nên xoa dịu Bình Nhưỡng, vì Triều Tiên vẫn còn bất mãn về sự sụp đổ của các cuộc đàm phán với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump trước đây.

"Những gì bà ấy muốn nói qua tuyên bố này là: "Chúng tôi muốn Mỹ mở lòng trước và cho chúng tôi thấy họ có thể tặng gì cho chúng tôi". Triều Tiên cho rằng bóng đang ở sân của Mỹ trong khi Mỹ lại cho rằng đó phải là chiều ngược lại", ông Kim Yong-hyun nhận định.

Sau khi các cuộc đàm phán với Mỹ đổ vỡ, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tình hình. Triều Tiên phong tỏa nghiêm ngặt trên quy mô toàn quốc từ tháng 1/2020, cắt đứt gần như mọi liên lạc với thế giới bên ngoài, thậm chí hạn chế thương mại với Trung Quốc - nước láng giềng được xem là "huyết mạch" kinh tế của Bình Nhưỡng.

"Lo lắng về đại dịch, Triều Tiên đã hạn chế nghiêm ngặt việc tiếp xúc với bên ngoài trong một năm rưỡi. Tình hình này đã tạo ra tinh thần "tự cường quốc gia" với sự hỗ trợ kín đáo từ Trung Quốc. Tuy vậy, việc đóng cửa biên giới vẫn gây ra nhiều xáo trộn về kinh tế", Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul, nhận định.

Tại cuộc họp với các quan chức cấp cao Triều Tiên gần đây, ông Kim Jong-un đã chính thức thừa nhận rằng Triều Tiên đang đối mặt với tình hình lương thực "căng thẳng".

Một số hãng truyền thông nước ngoài trích dẫn các nguồn tin bên trong Triều Tiên cho biết, giá cả tăng đột biến và tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng tại nước này. Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) gần đây ước tính Triều Tiên thiếu hụt khoảng 860.000 tấn lương thực.

Triều Tiên vẫn tuyên bố với thế giới bên ngoài rằng họ không ghi nhận bất kỳ ca mắc Covid-19 nào bên trong lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, các chuyên gia đã hoài nghi về tuyên bố này và cho rằng một đợt bùng phát dịch trên quy mô lớn có thể gây thiệt hại nặng nề đối với Triều Tiên.

Một số chuyên gia cho rằng các tuyên bố gần đây của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và em gái Kim Yo-jong cho thấy, Triều Tiên vẫn đang "nghe ngóng tình hình" và tránh khiêu khích chính quyền Tổng thống Biden trong bối cảnh nước này đang gặp khó khăn về kinh tế.

"Đó là một dấu hiệu tốt khi đặc phái viên Sung Kim nhấn mạnh lập trường của Washington rằng họ luôn sẵn sàng đối thoại. Vấn đề là Triều Tiên dường như chưa sẵn sàng", Duyeon Kim, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Seoul, cho biết.

"Ngày càng thấy rõ qua hành động của Triều Tiên rằng, họ không muốn đánh cược sự sống còn của mình trong khi đại dịch vẫn đang diễn ra bằng cách tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp", chuyên gia Kim nhận định.

Theo giáo sư Leif-Eric Easley, Triều Tiên vẫn chưa "thể hiện thiện chí" bước vào bàn đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa, dù ông Kim Jong-un đề cập đến khả năng đối thoại.

Ông Easley cho rằng Triều Tiên chỉ có thể quay trở lại đàm phán sau khi chứng tỏ sức mạnh của mình bằng sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và các cuộc thử nghiệm quân sự vào cuối mùa hè này, khi Mỹ và Hàn Quốc thường tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung. Mặc dù đồng minh Mỹ - Hàn mô tả các cuộc tập trận này là hoạt động mang tính phòng thủ, nhưng Triều Tiên luôn coi đây là cuộc tập dượt cho kịch bản xâm lược Triều Tiên.