1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao du khách Tây không "mặn mà" với Trung Quốc?

(Dân trí) - Trong khi người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều, có xu hướng mua sắm mạnh tay và trở thành nhóm đóng góp lớn nhất cho thị trường du lịch toàn cầu thì cường quốc châu Á này dường như lại kém hấp dẫn đối với các khách du lịch nước ngoài. Vì sao vậy?


Du khách nước ngoài tham gia một trò chơi tại Bắc Kinh (Ảnh: SCMP)

Du khách nước ngoài tham gia một trò chơi tại Bắc Kinh (Ảnh: SCMP)

Tăng trưởng rất hạn chế

SCMP đưa tin, số lượng du khách nước ngoài tại Trung Quốc chỉ tăng trung bình 1% mỗi năm trong giai đoạn 2005-2015, và 8 trong số 10 du khách thuộc nhóm này tới từ Hong Kong, Macau hay Đài Loan, theo báo cáo của một tổ chức nghiên cứu tại Bắc Kinh.

Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG) cho hay, tỷ lệ trên tụt hậu so với cả các quốc gia phát triển và mới nổi, và nó cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi lượng du khách quốc tế tăng hơn 80% cùng kỳ.

Giới chức du lịch Trung Quốc cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là nguyên nhân dẫn tới một thị trường du lịch nước ngoài ảm đạm trong thập niên qua. Tuần trước, họ cho biết trong một tuyên bố rằng thị trường đã bước sang một giai đoạn tăng trưởng ổn định mới.

Cơ quan du lịch quốc gia Trung Quốc đã ghi nhận mức thặng dư 10,2 tỷ USD doanh thu du lịch trong 6 tháng đầu năm nay và dự báo xu hướng tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.

Tuy nhiên, Miao Lu, đồng tác giả báo cáo của CCG, cho rằng các con số trên không hẳn là tốt nếu Hong Kong, Macau và Đài Loan không được tính đến.

Nghiên cứu, dựa trên các số liệu chính thức, cho thấy nếu 3 khu vực trên bị loại ra thì số lượng các chuyến du lịch tại Trung Quốc giảm đi 30 triệu chuyến trong năm 2015. Con số này cơ bản không thay đổi dù có sự phục hồi nhẹ trong dữ liệu tổng thể từ năm ngoái, bà Miao cho biết.

“Nếu các khu vực này bị loại ra, vẫn có một lượng lớn du khách nước ngoài tới Trung Quốc mà thực chất là các công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài. Vì thế, số lượng du khách nước ngoài thực sự rất nhỏ, vốn không tương ứng với sự phát triển tại Trung Quốc nói chung”, bà Miao nói.

Khó cạnh tranh với các đối thủ châu Á khác

Liu Simin, một chuyên gia du lịch tại Bắc Kinh, cho rằng mặc dù việc đồng Nhân dân tệ tăng giá trước năm 2016 đã ảnh hưởng trực tiếp tới du lịch nước ngoài tại Trung Quốc, nhưng thị trường du lịch rất phát triển tại các quốc gia châu Á khác đã khiến Trung Quốc không thể cạnh tranh.

“Các điểm đến du lịch phổ biến tại châu Á, như Thái Lan, cung cấp các dịch vụ tốt hơn và cũng thường được quảng bá tốt hơn”, ông Liu nhận định.

“Khi tôi lần đầu tiên tới Trung Quốc một năm rưỡi về trước, tôi sợ 3 điều: ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và thực phẩm”, Simon, hiện là một giáo viên tại tỉnh Chiết Giang, cho hay.

Simon van Hout, từ Amsterdam, cho rằng người nước ngoài có thể không thiện cảm với Trung Quốc vì chuyện ô nhiễm không khí và các vấn đề an toàn thực phẩm.

Theo Simon, Trung Quốc không sánh được so với các quốc gia khác. “Ví dụ, Nhật Bản nổi tiếng là đẹp. Khi nghĩ tới Nhật Bản, mọi người thường nghĩ tới công nghệ cao, và Hàn Quốc cũng vậy. Trung Quốc có vẻ lạ lẫm hơn, đáng sợ hơn và không hiện đại bằng”, Simon nói.

Ông Liu nói thêm rằng Trung Quốc cũng không giỏi trong việc tận dụng quyền lực mềm.

“Ví dụ, mọi người bắt đầu mơ đến Thụy Điển sau khi xem lễ trao giải Nobel và Mỹ sau các bộ phim Hollywood. Nhưng chúng tôi không làm được như vậy trong lĩnh vực này”, ông nói.

Ô nhiễm không khí và an toàn thực phẩm


Các du khách nước ngoài tại Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh (Ảnh: SCMP)

Các du khách nước ngoài tại Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh (Ảnh: SCMP)

Debbie Van As, từ Cape Town (Nam Phi), đồng tình rằng mọi người không có xu hướng xem Trung Quốc là một điểm du lịch vì họ không hiểu rõ hoặc có thông tin không chính xác về nước này.

“Từ kinh nghiệm cá nhân của tôi và những người bạn từng tới Trung Quốc, trước tiên Trung Quốc luôn bị xem là bẩn, ô nhiễm, người dân không thân thiện, thức ăn không tin tưởng, các khó khăn về ngôn ngữ”, cô nói. “Tôi nghe thấy tất cả những điều này trước khi tới đây”. Debbie hiện đang làm việc tại Gia Hưng, một thành phố nhỏ gần Thượng Hải.

“Do hạn chế internet và thiếu quảng bá, Trung Quốc không được thông tin đầy đủ như các quốc gia Đông Nam Á khác, và do đó các du khách tiềm tăng tiếp tục tin rằng Trung Quốc chỉ có những điều tiêu cực và địa điểm hấp dẫn du khách duy nhất là Vạn Lý Trường Thành”, Debbie nói thêm.

Wang Huiyao, giám đốc CCG, cho rằng chính sách của chính phủ là một rào cản lớn. Mặc dù du khách có khả năng hưởng dịch vụ miễn visa tại một vài thành phố lớn và tại đảo Hải Nam nhưng phần lớn Trung Quốc có các chính sách visa chặt chẽ.

Không giống khách du lịch Trung Quốc thường tiêu nhiều tiền cho mua sắm khi đi du lịch nước ngoài, các khách du lịch nước ngoài tại Trung Quốc thường sử dụng chưa tới 20% chi tiêu cho mua sắm, theo báo cáo của CCG. Theo số liệu năm 2015, gần 40% chi tiêu của ho là dành cho di chuyển đường dài.

Ông Wang cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc có tỷ lệ sinh viên nước ngoài thấp nhất thế giới. Trong số 35 triệu sinh viên đại học tại Trung Quốc, chỉ có 200.000 sinh viên là người nước ngoài, tương đương 1%.

Số lượng người nước ngoài làm việc tại Trung Quốc cũng rất nhỏ. Theo ông Wang, tổng hai nhóm này chỉ vào khoảng 800.000 người.

“Vì không có nhiều người nước ngoài ở đây nên cũng không có nhiều người tới thăm họ hoặc gửi con cái tới đây học”, ông Wang nói.

Trong khi các hãng lữ hành nở rộ tại đại lục nhưng hầu hết các hãng này chỉ tập trung vào các dịch vụ du lịch ra nước ngoài, và cơ quan du lịch nước ngoài thường rất nhỏ.

Đối với những người hoạt động trong ngành, việc kiếm tiền từ các dịch vụ du lịch ra nước ngoài dễ hơn nhiều do tầng lớp trung lưu đang gia tăng tại Trung Quốc ngày càng có xu hướng đi du lịch nước ngoài, ông Liu nói.

“Các địa điểm du lịch nước ngoài thường có hệ thống hoàn thiện và tất cả những gì các hãng lữ hành nội địa cần làm là đưa du khách tới đó, nơi họ dễ kiếm tiền hơn và thu về ít hơn nếu đón du khách quốc tế đến Trung Quốc”, ông Liu nói thêm.

Hi vọng tạo thay đổi

Nhưng một số hãng lữ hành hàng đầu tại Trung Quốc đang cố gắng tạo sự tăng trưởng mới từ ngành du lịch trong nước.

Ctrip, hãng lữ hành trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, gần đây đã phối hợp với Học viện Khổng tử, một tổ chức chính phủ chuyên cung cấp các khóa học ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc tại các quốc gia nước ngoài, để thu hút các du khách tiềm năng.

Zhu Lei, người đứng đầu hợp tác chiến lược tại bộ phận kinh doanh quốc tế của Ctrip, cho hay Trung Quốc có thể thu hút nhiều du khách nước ngoài hơn nhờ các tiềm năng văn hóa và lịch sử dồi dào, môi trường chính trị ổn định, an ninh công cộng tốt, các sự kiện quốc tế được tổ chức ngày càng nhiều, đồng Nhân dân tệ ổn định, chính sách miễn visa tại một số thành phố lớn.

Vai trò đi đầu của Trung Quốc trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” cũng mang tới các cơ hội.

“Nhờ sáng kiến trên, các chính quyền địa phương đang nhắm tới Nga, trung và đông Âu, Nam Á cho thị trường khách du lịch nước ngoài. Các khu vực này sẽ là các nguồn lực mới nổi về du khách nước ngoài và tạo ra tiềm năng lớn”, Zhu nhận định.

Hiện thời, hơn 60% du khách nước ngoài tại Trung Quốc tới từ châu Á. Nhiều du khách châu Á tại Trung Quốc tới từ Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi phần lớn du khách châu Âu đến từ Nga và phần lớn du khách châu Mỹ đến từ Mỹ.

An Bình

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm