1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Đông Ukraine trở thành điểm nóng xung đột giữa Kiev và Moscow?

Cẩm Hà

(Dân trí) - Các lực lượng Nga đã rút khỏi miền bắc Ukraine, nhưng để lại những vết thương không thể chữa lành cho Kiev, thủ đô của Ukraine, nơi Tổng thống Vladimir Putin gọi là "mẹ" của các thành phố của Nga.

Vì sao Đông Ukraine trở thành điểm nóng xung đột giữa Kiev và Moscow? - 1

Lực lượng thân Nga tại thành phố Mariupol, Ukraine ngày 12/4 (Ảnh: Reuters).

Theo TRT World, việc rút quân này không có nghĩa là chấm dứt giao tranh quân sự của Moscow ở Ukraine, mà chỉ là sự tạm dừng của Nga để tập hợp lại quân đội và chuyển sự chú ý sang miền Đông Ukraine, trọng tâm cuối cùng trong chiến dịch của ông Putin, theo Điện Kremlin.

Kể từ khi các nhóm thân Nga tuyên bố ly khai ở miền đông Ukraine vào năm 2014, khu vực này đã chứng kiến các cuộc đụng độ nặng nề giữa Kiev và phe ly khai.

Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2, nhiều nhà phân tích đã suy đoán rằng ông Putin sẽ nhắm đến việc kiểm soát miền Đông Ukraine, nơi có hai khu vực ly khai thân Nga.

Nhưng tại sao lại là miền Đông Ukraine?

Moscow dành sự quan tâm lớn đến khu vực miền đông Ukraine vì nơi đây, ngoài phần lớn số dân là người Nga, còn sở hữu các mỏ dầu và khí đốt phong phú. Tuy vậy, nguyên nhân chính được cho là bắt nguồn từ sự bế tắc quân sự giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga trong khu vực đã kéo dài từ năm 2014 - một dấu mốc quan trọng đối với cả Kiev và Moscow.

Vào năm 2014, cuộc "Cách mạng màu" đã lật đổ chính phủ Ukraine thân Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Viktor Yanukovych, người gốc vùng Donetsk ở miền đông Ukraine, và kể từ đó, quan hệ giữa Kiev và Moscow xấu đi đáng kể.

Nga phản đối quyết liệt cuộc Cách mạng Ukraine năm 2014, vì cho rằng cuộc cách mạng này đánh dấu làn sóng thứ hai của Cách mạng Cam thân phương Tây diễn ra vào năm 2004, giúp củng cố mối quan hệ của Kiev với cả EU và NATO. Moscow đã đáp trả bằng cách sáp nhập bán đảo Crimea.

Phần lớn việc sáp nhập Crimea, nơi có đa số người Nga sinh sống, diễn ra hòa bình sau một cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, một kịch bản tương tự đã không diễn ra ở miền Đông Ukraine.

Kết quả là, ở Donetsk và Luhansk - 2 khu vực có đa số người Nga, những người ly khai thân Nga đã bắt đầu cuộc nổi dậy chống lại Kiev với một phần trợ giúp từ người dân địa phương và giành quyền kiểm soát các phần của hai khu vực, nằm trong vùng Donbass của Ukraine.

Mặc dù lực lượng ly khai thân Nga nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Moscow, bao gồm cả binh lính và vũ khí, nhưng họ không thể kiểm soát phần lớn khu vực Donbass do những nỗ lực quân sự mạnh mẽ của Ukraine cùng sự hậu thuẫn của quân tình nguyện.

Vì sao Đông Ukraine trở thành điểm nóng xung đột giữa Kiev và Moscow? - 2

Hai vùng ly khai thân Nga Donetsk và Luhansk ở Đông Ukraine (Đồ họa: BBC).

Từ năm 2014 cho đến khi bắt đầu cuộc xung đột quân sự vào năm 2022, hơn 13.000 người đã thiệt mạng ở miền đông Ukraine và Moscow cũng đã mất hơn 2.000 binh sĩ tại đây, theo báo cáo của một số phương tiện truyền thông. Hơn 1 triệu người Ukraine đã phải chạy sang Nga và các quốc gia khác, trong khi 1,6 triệu người di tản đến các địa phương khác trong nước do xung đột đang diễn ra.

Bất chấp nỗ lực giảm bớt tình trạng thù địch ở Ukraine của "Bộ Tứ Normandy" (gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine) thông qua thỏa thuận Minsk, giao tranh vẫn tiếp diễn. Theo thỏa thuận, Ukraine sẽ tái tiếp quản Donetsk và Luhansk, và trao cho hai khu vực này "tình trạng đặc biệt". Tuy nhiên, Ukraine đã không làm theo thỏa thuận.

Sự bế tắc khiến Điện Kremlin phải đau đầu khi tranh luận về việc có nên can thiệp trực tiếp hay không vào cuộc xung đột để xóa bỏ các khu vực ly khai ở Ukraine, giống ở Nam Ossetia và Abkhazia của Gruzia, hai khu vực ly khai thân Nga, vào năm 2008.

Cuối cùng, vào ngày 24/2, Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine như một cách để gửi một thông điệp tới Kiev. Quân đội Nga gọi đây là "hoạt động quân sự đặc biệt" nhằm giải phóng và phi phát xít hóa Ukraine, nhưng họ đã vấp phải sự kháng cự và phản đối mạnh mẽ, ngay cả ở miền đông Ukraine, từ Kharkiv đến Mariupol - nơi phần lớn người dân nói tiếng Nga.

Sau nhiều ngày đụng độ ác liệt, quân đội Nga không thể giành quyền kiểm soát Kharkiv và Mariupol, mặc dù đã biến cả hai khu vực này thành đống đổ nát.

Ngoài tranh chấp quân sự kéo dài, người dân tại miền đông Ukraine cũng có những ý kiến trái chiều về vấn đề xung đột Nga - Ukraine.

Có đến 1/3 dân số của Ukraine sống ở miền Đông Ukraine và phần lớn tài nguyên thiên nhiên của đất nước nằm ở vùng Donbass, nơi chiếm 92,4% trữ lượng than của nước này. Phần lớn người dân trong khu vực này là người Ukraine, theo một cuộc điều tra dân số năm 2001.

Một số cuộc khảo sát khác nhau đã được thực hiện tại Đông Ukraine và kết quả cho thấy, hầu hết người dân ở khu vực này ủng hộ quản lý của Kiev. Tuy nhiên, một số cuộc thăm dò không thể được tiến hành ở các khu vực do phe ly khai kiểm soát, nên vẫn chưa rõ kỳ vọng của những người dân sống dưới quyền của lực lượng thân Nga.

Về chính trị, người dân miền Đông Ukraine từ lâu đã ủng hộ các chính trị gia như Viktor Yanukovych, cựu Tổng thống thân Nga, người bảo vệ nền trung lập của Kiev. Trong khi ông Yanukovych nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ miền Đông Ukraine, ông lại vấp phải rất nhiều chỉ trích từ người dân miền Tây Ukraine trong suốt nhiệm kỳ tổng thống.

Và việc lật đổ ông Yanukovych, một chính trị gia thất bại với nỗ lực cân bằng giữa Nga và phương Tây, đã châm ngòi nổ cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Kết quả, đảng Các khu vực của ông, vốn nhận được sự ủng hộ đáng kể ở miền đông Ukraine, đã sụp đổ sau năm 2014. 

Vấn đề ngôn ngữ

Một yếu tố khác khiến miền Đông trở thành tâm điểm tranh chấp giữa Nga và Ukraine là vấn đề ngôn ngữ.

Ngôn ngữ chính thức của Kiev là tiếng Ukraine và điều này đôi khi gây ra các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày đối với những người nói tiếng Nga ở Đông Ukraine. Vấn đề ngôn ngữ luôn là một trong những điểm gây tranh cãi trong các cuộc đàm phán giữa Kiev và Moscow nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột quân sự.

Nhà địa lý Jean Radvanyi, chuyên gia về Nga và khu vực Kavkaz, cho biết: "Bản đồ ngôn ngữ của Ukraina tiêu biểu cho một hình ảnh chia cắt, nơi có một sự tương phản hết sức lớn giữa các vùng ngôn ngữ. Đây là một thực tế kéo dài từ nhiều thế kỷ nay".

Tiếng Nga từ lâu đã trở thành một ngôn ngữ phổ biến trên khắp miền Đông Ukraine và Kiev đã cố gắng giải quyết vấn đề ngôn ngữ thông qua một đạo luật năm 2012, cho phép ngôn ngữ được sử dụng bởi hơn 10% dân số trong khu trở thành ngôn ngữ chính thức của khu vực đó. Tuy nhiên, vào năm 2018, đạo luật này đã bị Tòa án Hiến pháp của Ukraine tuyên bố vi phạm quy định của Hiến pháp.

Một cuộc khảo sát năm 2015 cho thấy, 61% người dân ở khu vực Donbass ủng hộ tiếng Nga nên là ngôn ngữ địa phương chính thức thứ hai trong khu vực của họ và các khu vực khác có số lượng lớn những người nói tiếng Nga sinh sống. Trong khi đó, chỉ có 31% số người được hỏi ở vùng Donbass cho rằng tiếng Nga nên là ngôn ngữ quốc gia chính thức, cùng với tiếng Ukraine.

Theo TRT World, AP