1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao các nhà khoa học không thể phát hiện sớm sao băng tại Nga?

(Dân trí) – Mặc dù có kích cỡ được xếp vào hàng “tí hon” nhưng vụ nổ thiên thạch tại Nga vẫn gây thiệt hại hàng chục triệu USD. Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao các nhà khoa học không thể phát hiện và cảnh báo sớm hiện tượng này?

Những ngày qua, cả thế giới đã được 2 phen “hoảng hồn” bởi những vật thể từ ngoài Trái Đất. Ngày 15/2, hơn 1200 người dân khu vực phía Đông của Nga đã bị thương khi một thiên thạch có trọng lượng ước tính 10.000 tấn, có sức công phá bằng 30 quả bom nguyên tử nổ tung trên bầu trời khu vực vùng núi Ural. Sóng xung kích từ vụ nổ khiến hơn 4.000 tòa nhà trong vùng bị hư hại.

Vụ nổ thiên thạch tại Nga là lớn nhất trong 100 năm qua
Vụ nổ thiên thạch tại Nga là lớn nhất trong 100 năm qua

Chưa đầy 24 giờ sau, một thiên thể lớn hơn, có tên 2012 DA14, bay sượt qua Trái đất ở một khoảng cách gần nhất từ trước đến nay. Nhưng khác với vụ nổ sao băng tại Nga, các nhà thiên văn đã quan sát, theo dõi 2012 DA14 suốt hơn một năm và biết chính xác nó không thể gây hại cho Trái đất.

Cùng là những thiên thể, vậy tại sao các nhà khoa học lại chỉ phát hiện được 2012 DA14, trong khi không hề có thông tin nào về sao băng tại Nga? Câu hỏi này đã được NASA giải đáp trong cuộc họp báo mới đây.

Theo những số liệu cơ quan này công bố, sao băng nổ tung trên bầu trời nước Nga đã bay vào khí quyển với vận tốc 64.000 km/h, nhanh gấp hơn 2 lần tốc độ di chuyển của 2012 DA12. Sau chừng 30 giây trong không trung, khối sao băng nổ tung ở độ cao chừng 20 – 25km so với mặt nước biển.

Chính sóng xung kích từ vụ nổ đã gây hư hại cho các tòa nhà tại thành phố Chelyabinsk, làm nhiều người bị thương. Nhưng chưa có trường hợp nào bị thương do mảnh thiên thạch bay trúng người. “Nếu bạn có mặt ở đó, hẳn sẽ thấy một quả cầu lửa sáng hơn cả mặt trời”, Paul Chodas, nhà khoa học thuộc Chương trình các vật thể gần Trái đất của NASA khẳng định.

Cũng theo nhà khoa học này, NASA không thể phát hiện thiên thể lao xuống bầu trời nước Nga bởi sự kiện này diễn ra vào ban ngày. Những vụ việc như vậy là gần như không thể phát hiện sớm bởi các kính viễn vọng chỉ trông thấy các vật thể trong vũ trụ vào ban đêm.

Rất may là cả 2 thiên thể trên đều khá nhỏ nên ít có khả năng lao xuống mặt đất. Ông Chodas cho biết cứ khoảng 100 năm mới có một một thiên thể giống như thiên thể đã nổ trên bầu trời nước Nga có thể lao xuống mặt đất. Và việc thiên thể này xuất hiện cùng ngày với 2012 DA14 chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Những mối đe dọa thực sự với Trái đất là các tiểu hành tinh có kích thước lớn hơn, giống như sao băng từng khiến loài khủng long tuyệt chủng. NASA khẳng định họ đã nhận diện được khoảng 95% các tiểu hành tinh có kích thước đủ lớn và bay đủ gần Trái đất để được xem là có thể gây nguy hiểm.

Còn tại nước Nga, sau vụ nổ sao băng trên, Phó thủ tướng nước này, ông Dmitry Rogozin cũng đã kêu gọi thiết lập một hệ thống phát hiện và loại trừ các mối đe dọa từ không gian. “Loài người cần tạo ra một hệ thống để nhận diện và vô hiệu hóa các vật thể có thể đe dọa tới Trái đất”, ông Rogozin viết trên trang Twitter của mình một ngày sau vụ nổ khiến nước Nga thiệt hại khoảng 33 triệu USD.

Hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông khẳng định dự thảo kế hoạch đối phó với các vụ việc tương tự sẽ được trình lên Thủ tướng Nga Medvedev trong ngày mai.

Thanh Tùng
Tổng hợp