1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Anh thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Phu nhân đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Anh (từ ngày 19 đến 23-10). Cùng đi với Chủ tịch Tập Cận Bình là một đội ngũ doanh nhân hùng hậu, những người đang tìm kiếm cơ hội làm ăn với các đối tác ở Anh. Vì sao Anh lại thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc như vậy?

Chuyến thăm cấp Nhà nước của ông Tập Cận Bình là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch nước Trung Quốc tới Anh trong vòng 10 năm qua. Trong bối cảnh Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron) đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ thương mại lớn mạnh hơn với Trung Quốc, hai bên đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới "Xứ sở sương mù" sẽ mở ra một "kỷ nguyên vàng" mới trong quan hệ hai nước.


Nữ hoàng Anh Ê-li-da-bét Đệ Nhị bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Telegraph.co.uk

Nữ hoàng Anh Ê-li-da-bét Đệ Nhị bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Telegraph.co.uk

Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng. Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, các thỏa thuận này chủ yếu về lĩnh vực công nghiệp, bao gồm bán lẻ, năng lượng, dịch vụ tài chính và hàng không vũ trụ, hứa hẹn tạo ra khoảng 3.900 việc làm tại Anh. Cụ thể, Trung Quốc sẽ đóng vai trò chính trong dự án xây nhà máy điện hạt nhân tại hạt Xô-mơ-xét, miền Tây Nam nước Anh, trị giá khoảng 26 tỷ USD, mở đường phát triển nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới đầu tiên của Luân Đôn trong vòng 20 năm qua. Nhà máy này được kỳ vọng sẽ cung cấp năng lượng trong vòng 60 năm với khả năng đáp ứng được 7% nhu cầu điện năng của Anh từ năm 2023. Chính phủ Anh dự kiến sẽ đóng góp 2 tỷ bảng (3,1 tỷ USD) trong dự án này. Tại thành phố Man-che-xtơ, hai bên cũng ký các thỏa thuận hợp tác để thúc đẩy dự án "Sức mạnh phía Bắc", một nỗ lực nhằm cân bằng nền kinh tế Anh do Luân Đôn dẫn đầu.

Bên cạnh đó, trong số các thỏa thuận đáng chú ý mà hai bên ký kết trong năm nay còn phải kể đến hai thỏa thuận giữa Swissport, một hãng vận tải hàng không và doanh nghiệp kinh doanh máy bay Avolon Holdings với tập đoàn HNA, công ty mẹ của Hãng Hàng không Hải Nam Trung Quốc, có tổng số vốn ban đầu tương ứng là 2,8 tỷ USD và 2,6 tỷ USD. Cả hai thỏa thuận này đều phản ánh thực tế nhu cầu hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng của Trung Quốc và cụ thể là nhu cầu đi lại của người dân quốc gia châu Á này...

Vì sao Anh lại trở thành một điểm đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp Trung Quốc như vậy? Theo tờ Thời báo Tài chính (Anh), trong những năm gần đây, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đổ vào Anh cao gấp đôi con số 17 tỷ USD mà Bắc Kinh đầu tư vào I-ta-li-a, quốc gia đứng thứ hai trong khu vực trên bảng tổng sắp thu hút đầu tư từ Trung Quốc. Pháp và Thụy Sĩ, với tổng số vốn đầu tư nhận được tương ứng là 15,5 tỷ USD và 14 tỷ USD, lần lượt xếp thứ ba và thứ tư.

Tuy nhiên, cũng theo tờ báo này, việc xem xét đầu tư của Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hiện nay và những gì mà Chính phủ Anh đang theo đuổi, thì người ta có thể dễ dàng thấy, những con số trên còn rất “khiêm tốn” so với tiềm năng thực sự của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này hiện mới chỉ là nhà đầu tư lớn thứ chín vào châu Âu. Các khoản đầu tư với tổng trị giá vào khoảng 155 tỷ USD mà Trung Quốc Đại lục đổ vào châu lục này trong thập kỷ qua chưa bằng 1/10 số tiền đầu tư của Anh, Pháp hay Mỹ vào EU.

Tờ Thời báo Tài chính nhận định, tình hình trên có thể sẽ thay đổi nếu châu Âu “hưởng sái” từ việc Mỹ dè chừng các khoản đầu tư của Trung Quốc và các thỏa thuận Mỹ-Trung vấp phải quá nhiều rào cản của Ủy ban đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS). Kể từ đầu năm tới nay, đầu tư từ Trung Quốc vào châu Âu đã đạt 27,3 tỷ USD, cao hơn gấp đôi tổng số vốn đầu tư mà quốc gia châu Á này đổ vào Mỹ (13,4 tỷ USD). Khoảng cách này thậm chí còn có xu hướng tiếp tục tăng. Nếu các khoản đầu tư từ Trung Quốc vào châu Âu trong vòng một thập kỷ tới tiếp tục giữ ở mức như 10 năm qua, điều mà nhiều người cho là hoàn toàn có thể xảy ra, thì ước tính tới năm 2025, tổng số vốn đầu tư hàng năm từ Trung Quốc vào lục địa này sẽ lên tới 157 tỷ USD. Đầu tư từ Mỹ vào châu Âu trong cùng kỳ cũng sẽ đạt 232 tỷ USD, cao hơn rất nhiều con số 134 tỷ USD hiện nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Anh buộc phải tăng cường quan hệ với Trung Quốc nếu không muốn bị tụt hậu so với các cường quốc khác trên thế giới. “Trung Quốc là một cường quốc kinh tế, còn Anh đang rất cần nguồn vốn đầu tư. Nhưng dù ký kết các thỏa thuận hợp tác nào, điều quan trọng đặt ra là Anh vẫn phải bảo vệ được an ninh quốc gia”, Giáo sư Ra-pha-ê-lô Pan-tu-xi (Rafaello Pantucci) thuộc Viện Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định.

Theo Bình Nguyên

Quân đội nhân dân