1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao 40% liều vaccine Covid-19 đến châu Phi vẫn chưa được sử dụng?

Mỹ Lệ

(Dân trí) - Thiếu kinh phí, chiến dịch tiếp cận cộng đồng khó khăn khiến các quốc gia châu Phi vẫn bị tụt lại trong cuộc đua tiêm chủng, dù số lượng nguồn cung vaccine đang tăng lên nhanh chóng.

Vì sao 40% liều vaccine Covid-19 đến châu Phi vẫn chưa được sử dụng? - 1

Các nước châu Phi đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 nhưng với tỷ lệ khác nhau (Ảnh minh họa: WHO).

Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng thiếu kinh phí, nhân viên y tế và trang thiết bị cũng như việc do dự tiêm vaccine đã khiến các chiến dịch tiêm chủng ở một số vùng của châu Phi bị đình trệ.

Theo số liệu từ Viện nghiên cứu chính sách Tony Blair về thay đổi toàn cầu, khoảng 40% vaccine đến châu Phi vẫn chưa được sử dụng. Viện này cho biết mức độ sử dụng vaccine ở châu Phi sẽ phải tăng gấp 4 lần mới có thể đáp ứng nguồn cung dự kiến trong những tháng tới.

Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi John Nkengasong cho biết: "Tất cả chúng tôi đều rất lo ngại về việc các quốc gia không sử dụng vaccine. Tỷ lệ tiêm chủng hiện nay không như chúng tôi mong đợi".

Tỷ lệ tiêm chủng khác nhau

Hiện tỷ lệ tiêm chủng ở các nước châu Phi rất khác nhau.

Tại Cape Verde, một quốc gia ở quần đảo ngoài khơi Tây Phi với dân số khoảng 600.000 người đã tiêm chủng cho gần 65% người trưởng thành, tỷ lệ ngang với một số nước châu Âu. Ngược lại, Congo ở vùng Trung Phi mới đạt mức tiêm chủng 0,1% trên tổng số 90 triệu dân.

Là nền kinh tế lớn nhất Đông Phi, chiến dịch tiêm chủng tại Kenya đang hoạt động tương đối tốt. Trong 2 tuần qua, nước này đã nhận được gần 5 triệu liều vaccine sau nhiều tháng nguồn cung chậm trễ.

Ông Willis Akhwale, trưởng nhóm chuyên trách vaccine Covid-19 của chính phủ Kenya cho biết ngày 1/12, Kenya đã đạt mức tiêm chủng kỷ lục cho 110.000 người dân và đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ đó trong 30 ngày tới. Điều này sẽ giúp nâng số người tiêm chủng lên 10 triệu dân trên tổng số 47 triệu dân.

Do dự tiêm chủng

Một trong những khó khăn chính của công tác phân phối vaccine tại châu Phi là sự hoài nghi của cộng đồng, một mặt do niềm tin tôn giáo, mặt khác do người dân không tin tưởng vào các công ty dược phẩm phương Tây và chính phủ của họ.

Ngoài ra, theo Reuters, việc thiếu hụt ngân sách, thiếu nhân viên địa phương và các nhân viên y tế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Ông Muluken Yohannes, cố vấn cấp cao của Bộ Y tế Ethiopia cho biết Ethiopia lo ngại rằng vaccine có thể hết hạn trước khi được sử dụng do nhu cầu thấp và khó khăn trong việc tiếp cận cộng đồng. Hiện nay quốc gia này đang cố gắng khắc phục tình trạng do dự tiêm vaccine của người dân thông qua các nhóm xã hội dân sự và tổ chức tôn giáo địa phương.

"Hiện tại, các nước phát triển đã đáp ứng đủ nhu cầu vaccine. Do đó, họ đang chuyển vaccine dư thừa sang các nước đang phát triển. Tuy nhiên, thời kỳ vàng để tiếp nhận các loại vaccine này đã qua", ông nói thêm.

Kenya cũng đã tăng cường quảng bá chiến dịch tiêm chủng thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, truyền hình và quảng cáo trên đài phát thanh. Ngoài ra, các bài đăng trên tài khoản Twitter của Bộ Y tế nước này cũng đang kêu gọi các bà mẹ mang thai và cho con bú đi tiêm phòng.

Một số quốc gia như Nam Sudan và Congo đã phải gửi trả lại một số lô vaccine vì họ không phân phối kịp thời. Tháng trước, Namibia đã cảnh báo nguy cơ có thể phải tiêu hủy hàng nghìn liều quá hạn sử dụng.

Hiện Nam Phi đã yêu cầu công ty dược phẩm Johnson & Johnson và Pfizer tạm trì hoãn việc giao vaccine vì vẫn còn có quá nhiều hàng tồn trong kho.

Thiếu trang thiết bị

Tình trạng thiếu các trang thiết bị y tế và vận chuyển như tủ âm, khẩu trang và xe tải cũng là những nguyên nhân chính khiến các chiến dịch tiêm chủng ở châu Phi bị chậm trễ.

Reuters đưa tin, một số lượng lớn vaccine từ hãng Pfizer sắp được cung cấp cho châu Phi. Tuy nhiên, việc tiếp nhận một lượng lớn nguồn cung vaccine sẽ là thách thức đối với nhiều quốc gia nghèo trong châu lục.

Theo ông Akhwale, ngay cả Kenya, quốc gia có dây chuyền siêu lạnh lưu trữ 3 triệu liều Pfizer cũng lo ngại khi tiếp nhận số lượng vaccine sắp tới.

Ông Njoh Andreas Ateke, phó chủ nhiệm chương trình tiêm chủng cho biết, Cameroon hiện có 1.000 trung tâm tiêm chủng kể từ khi bắt đầu triển khai tiêm vaccine vào tháng 4. Tuy nhiên, theo các nhân viên và giới chức y tế, tình trạng mất điện và thiếu nhân viên đã ảnh hưởng đến việc bảo quản vaccine. Ngoài ra, ông Leonard Kouadio, trưởng bộ phận y tế của UNICEF tại Cameroon cũng cho biết, nước này chỉ có một xe tải lạnh thích hợp để vận chuyển vaccine.

Theo ông Abdoul Gadiry Fadiga, trưởng bộ phận y tế của UNICEF tại Mali, quốc gia này hiện chỉ có 2 xe tải lạnh để vận chuyển vaccine đường dài. Ông Fadiga cho biết Mali dự kiến sẽ nhận được khoảng 3,5 triệu liều từ nay đến cuối tháng 3, gấp đôi số lượng đã nhận trước đó kể từ khi bắt đầu tiêm chủng. Ông cũng nói thêm rằng Mali hiện có đủ năng lực dây chuyền lạnh để tiếp nhận liều lượng vaccine gấp rút được cung cấp. Tuy nhiên, Mali vẫn cần thêm 288 tủ lạnh và tủ đông để triển khai đầy đủ chiến dịch.

Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng thấp của châu lục đã khiến biến chủng Omicron mới lan rộng khắp Nam Phi, dẫn đến một loạt lệnh cấm đi lại quốc tế khác.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện chỉ có 102 triệu người, tương đương 7,5% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ. Các chuyên gia y tế cho biết, các chiến dịch tiêm chủng thành công ở châu Phi có ý nghĩa quan trọng trong việc chấm dứt đại dịch trên toàn cầu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm