1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

5 lý do giúp châu Phi không hứng "bão" Covid-19 chết chóc như Mỹ, châu Âu

Kim Huyền

(Dân trí) - Trong khi Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu đang đau đầu với số lượng ca bệnh và tử vong vì Covid-19 tăng vọt, tại châu Phi, số ca mắc và tỷ lệ tử vong thấp hơn rất nhiều so với quan ngại ban đầu.

5 lý do giúp châu Phi không hứng bão Covid-19 chết chóc như Mỹ, châu Âu - 1

Các em nhỏ vui chơi gần bức họa vẽ trẻ em đeo khẩu trang tại Kliptown, Nam Phi hồi tháng 10/2021 (Ảnh: Reuters).

Khi Covi-19 bắt đầu quét qua các khu vực trên thế giới, các chuyên gia y tế toàn cầu lo ngại rằng nó có thể là thảm họa đối với châu Phi, nơi có dân số đông và hệ thống y tế yếu kém. Đã có nhiều cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia về nguy cơ thiếu hụt vaccine trầm trọng tại châu lục này, có thể dẫn tới những viễn cảnh tồi tệ.

Trên thực tế, cho tới nay, ước tính mới có 6% dân số châu lục này được tiêm chủng đầy đủ, một khoảng cách quá lớn so với các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập cao. 

Tuy nhiên, một nghịch lý xảy ra là trong khi Mỹ và nhiều nước châu Âu, nơi có tỷ lệ tiêm chủng từ trên 50% dân số, thậm chí 80% vẫn đang vật lộn với số ca mắc hàng ngày rất cao và tỷ lệ tử vong cũng không nhỏ, thì dịch Covid-19 tại châu Phi ít gây hậu quả nặng nề nhất. Dữ liệu của WHO cho thấy, số ca tử vong do COVID-19 ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu. 

Không biết từ khi nào, cuộc sống của người dân ở nhiều nước châu Phi vẫn diễn bình thường, không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đại dịch chết chóc.

Lý do vì sao dịch Covid-19 không nghiêm trọng tại châu Phi vẫn chưa rõ ràng, và đã có một số giải thích xoay quanh vấn đề này. Đó có thể là do độ tuổi trung bình thấp hơn, khí hậu thuận lợi hơn, các chính sách y tế công cộng tốt hoặc người dân ít bệnh nền hơn... Tựu chung, mỗi yếu tố đều có thể đóng góp một phần vào hiệu quả chống dịch tổng thể tại châu lục này.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Mặc dù có cơ sở hạ tầng y tế tương đối kém nhưng các nước châu Phi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với các bệnh dịch truyền nhiễm, dựa trên đại dịch Ebola năm 2013.

Khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì Covid-19 vào năm ngoái, các bác sĩ và giới chức y tế đã ngay lập tức hành động.

Chia sẻ với tờ báo Time vào tháng 3, chuyên gia y tế cộng đồng Liberia, Tiến sĩ Mosoka Fallah, nói rằng: "Ebola đã đánh gục chúng tôi, nhưng bây giờ chúng tôi biết không nên coi thường bất cứ điều gì, chúng tôi biết tầm quan trọng của việc chuẩn bị là như thế nào ".

Ông Fallah và nhóm quan chức y tế cộng đồng Liberia đã thiết lập một chương trình đào tạo giúp các bác sĩ và y tá tại các bệnh viện trong khu vực nhận biết các triệu chứng của Covid-19, phân phối các bộ dụng cụ thử nghiệm và lắp đặt lại các quầy rửa tay đã từng phổ biến trong thời gian bùng phát dịch Ebola. Họ tăng cường việc truy vết và thiết lập các điểm xét nghiệm, ngay cả trước khi trường hợp đầu tiên được xác định trong nước.

Ý thức phòng dịch tốt

Kinh nghiệm phòng chống dịch của Châu Phi còn thể hiện ở chính người dân nơi đây, khi họ đã quá quen với những quy định phòng chống dịch bệnh như rửa tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.

Một khảo sát được thực hiện vào tháng 8/2020 của tổ chức Đối tác Phản ứng có cơ sở với Covid-19 (PERC) đã chỉ ra rằng, hơn 85% trong số những đối tượng khảo sát ở 18 quốc gia châu Phi đã bắt đầu đeo khẩu trang từ trước đó nhiều tuần.

Phong tỏa sớm

Một số quốc gia như Kenya, Nam Phi và Nigeria đã thực hiện các biện pháp phong tỏa sớm và nghiêm ngặt như đóng cửa các doanh nghiệp, trường học, siết chặt biên giới, cấm tụ họp và áp dụng lệnh giới nghiêm.

Các động thái trên đã giúp nhân viên y tế có thêm thời gian chuẩn bị cơ sở chữa trị, dụng cụ thiết yếu và học hỏi từ các biện pháp điều trị ở những nơi khác. Ngăn chặn sự lây lan của virus thông qua việc phong tỏa đồng thời chuẩn bị cũng là một cách giúp ứng phó dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.

Người dân ít bệnh nền

Theo nhà dịch tễ học người Nam Phi Nandi Siegfried, một yếu tố dẫn đến tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp của châu Phi chính là độ tuổi trung bình của người dân thấp, khoảng 19 tuổi. Bà nói: "Chúng tôi không có phần đông dân số trên 50 tuổi, trong khi đó virus thường nguy hiểm hơn nhiều ở những người lớn tuổi. Nên có vẻ hợp lý khi nói rằng một dân số tương đối trẻ sẽ dẫn đến tỷ lệ tử vong thấp hơn".

Bên cạnh đó, những căn bệnh làm tăng nguy cơ tử vong do Covid-19 như tiểu đường, béo phì và tăng huyết áp,... cũng ít phổ biến hơn trong dân số châu Phi so với những nơi khác trên thế giới.

Khí hậu và địa lý

5 lý do giúp châu Phi không hứng bão Covid-19 chết chóc như Mỹ, châu Âu - 2

Khí hậu có thể là một yếu tố khiến dịch Covid-19 không diễn biến nghiêm trọng như các nơi khác trên thế giới (Ảnh: Getty).

Virus SARS CoV-2 dường như phân tán nhanh hơn ở môi trường bên ngoài, nơi các giọt dịch dễ dàng tan biến trong không khí. Do vậy, hầu hết các quan chức y tế công cộng khuyến cáo rằng các hoạt động công cộng, nếu cần thiết, nên thực hiện ngoài trời.

Mạng lưới giao thông công cộng hạn chế, thường là một điểm yếu trong khu vực, giờ lại trở nên có lợi khi điều đó đồng nghĩa với việc ít có sự đi lại nhiều giữa các quốc gia và thành phố, giảm thiểu tiếp xúc gần và nguy cơ phơi nhiễm.

Các giả thuyết khác về sức khỏe

Khi bắt đầu bùng phát, các quan chức y tế công cộng lo ngại rằng Covid-19 sẽ lây lan như cháy rừng tại các khu ổ chuột của châu Phi, nơi không thể triển khai giãn cách xã hội với các cơ sở vệ sinh bị hạn chế. Nhưng cho đến nay, tỷ lệ tử vong tại châu Phi thấp hơn rất nhiều so với dự đoán.

Một số nhà dịch tễ học phỏng đoán rằng việc người dân tiếp xúc thường xuyên với các mầm bệnh khác nhau có thể khiến họ tăng cường sức đề kháng đối với các chủng loại Covid-19 nguy hiểm nhất.

"Có thể điều kiện sống thiếu thốn của chúng tôi có thể có lợi cho chúng tôi. Tôi không chắc điều gì khác sẽ giải thích sự chênh lệch này," nhà virus học hàng đầu của Nam Phi, Shabir Madhi, giáo sư tại Đại học Witwatersrand chia sẻ, đồng thời lưu ý rằng cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu.

Tuy nhiên, ở những quốc gia khác trên thế giới với điều kiện khí hậu dân số tương tự, chẳng hạn như Brazil, vẫn có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao. Do vậy phản ứng y tế công cộng sớm và mạnh mẽ của châu Phi là yếu tố chính giúp ngăn chặn sự khởi phát của một thảm họa mà các nhà dịch tễ học lo ngại.

Các chuyên gia cho rằng, cho đến khi vaccine được phân phối đồng đều trên toàn cầu, điều quan trọng nhất là các nước vẫn là tập trung vào các biện pháp "phi dược phẩm" để kiểm soát dịch Covid-19.