Vì sao 300 triệu người trên thế giới đột nhiên nghèo khổ?
(Dân trí) - Trong tháng 11, thế giới có thêm 300 triệu người đột nhiên trở thành người nghèo, ít nhất là trên giấy tờ. Con số mới nhất về nghèo khổ của Liên hợp quốc, công bố vào ngày 4/11, bao gồm cả cách đánh giá mới về nghèo khổ, hé lộ một số bất ngờ.
Chỉ số nghèo khổ đa chiều (Multidimensional Poverty Index – MPI) đã tăng số người nghèo khổ lên 21%, tức có hơn 1,7 tỷ người nghèo khổ trên khắp thế giới. Theo MPI, vùng Châu Phi hạ Sahara vẫn là nơi có tỷ lệ người nghèo lớn nhất thế giới, nhưng hơn một nửa số người nghèo lại sống ở Nam Á.
Những con số này cùng chỉ số mới đánh giá người nghèo là một phần của Chỉ số phát triển con người (HDI) do Liên hợp quốc công bố hàng năm. Chỉ số đề cập đến mọi khía cạnh từ số phụ nữ tử vong khi sinh đến số người tiếp cận internet, hay số người có thể ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ, ảnh hưởng đến việc các tổ chức phi lợi nhuận chi tiền cho nơi nào…
Trong suốt nhiều năm chỉ số HDI chỉ tập trung vào tiêu chí một người sống với bao nhiêu tiền thì bị coi là nghèo. Câu trả lời là 1,25 USD/ngày. Nhưng một số nhà nghiên cứu từ lâu đã cho rằng chỉ thu nhập không chưa đủ để định nghĩa về nghèo khổ.
“Có những thứ tiền không thể mua được”, Sabina Alkire người đồng sáng tạo ra chỉ số trên và là giám đốc của Sáng kiến nghèo khổ và phát triển Oxford, cho biết. Tổ chức của bà đã kết hợp với Liên hợp quốc đưa ra chỉ số nghèo khổ mới trên. “Chỉ số cũ không đề cập đến điện, hệ thống y tế công cộng hay hệ thống giáo dục”.
Chỉ số của bà Alkire nhìn nhận nghèo đói theo kinh nghiệm nhiều hơn. Chỉ số sử dụng các dữ liệu điều tra hiện có và phân loại các gia đình là nghèo nếu họ thiếu từ 3 trong số 10 nhân tố nghèo. 10 nhân tố nghèo này đề cập đến cả y tế, giáo dục, tiêu chuẩn sống cơ bản. “Lần đầu tiên từ trước tới nay, chỉ số MPI đo mức độ nghèo khổ bằng việc nhìn nhận những bất lợi người nghèo phải trải qua trong cùng một thời gian”, bà cho hay.
Đánh giá cả các tiêu chí nằm ngoài thu nhập đã làm thay đổi rất lớn. Nó khiến số người nghèo ở Ethiopia, nơi có 39% người dân sống ít hơn 1,25USD/ngày, tăng gấp đôi. 90% bị đánh giá là “nghèo đa chiều” hoặc thiếu ít nhất 3 trong số 10 nhân tố nghèo.
“Vấn đề ở đây cho thấy bạn đã có tiến bộ lớn về mặt cải thiện thu nhập, nhưng lại không có những cải thiện tương xứng về mặt khác”, Jeni Klugman, giám đốc và là tác giả chính của Báo cáo phát triển con người, cho biết.
Điều này cũng hoàn toàn đúng với thế giới phát triển. Ví dụ Hungary được xếp loại là nước có “chỉ số phát triển con người cao”, và chỉ có ít hơn 2% người dân sống dưới mức 1,25USD/ngày. Nhưng theo chỉ số MPI, con số nghèo khổ của nước này cao gấp 3 lần.
Một số chuyên gia đã phản đối chỉ số nghèo khổ mới, trong đó có cả giám đốc nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB). WB đã công bố cách đánh giá nghèo khổ dựa trên thu nhập của riêng họ. Những người chỉ trích cho rằng biện pháp đánh giá MPI chỉ là một tiêu chuẩn đơn lẻ, mặc dù nó nhìn vào nhiều nhân tố.
“Nếu các sếp của tôi yêu cầu tôi tham khảo MPI như một nhân tố để đánh giá các nguồn lực, tôi sẽ từ chối”, Don Stillers, nhà kinh tế của Cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ cho biết.
Các nhân viên cứu trợ cho rằng MPI có thể giúp họ sử dụng tiền trong chương trình cứu trợ hiệu quả hơn và thuyết phục hơn đối với những nhà hảo tâm.
Trong thế giới nhân đạo “chúng tôi từ lâu đã biết được rằng mặc dù xét về cấp độ quốc gia, một nước có thể hoàn toàn ổn, nhưng vẫn còn nhiều sự chênh lệch khi bạn nhìn sâu xuống dưới bề mặt”, Carlisle Levine, tư vấn kỹ thuật cấp cao của tổ chức CARE cho hay. “Đối với chúng tôi, chỉ số giúp thêm thông tin, giúp chúng tôi đầu tư hiệu quả hơn”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thừa nhận cách đánh giá mới chưa đủ. Và bản thân Alkire, người soạn thảo HDI cũng thừa nhận chỉ số của bà không hoàn hảo. Bà cũng thừa nhận rằng rất khó có thể thu thập được dữ liệu tốt và không phải tất cả các loại dữ liệu đều có ích cho các nhà nghiên cứu. Song bà cho rằng cách tiếp cận của bà đưa ra thông tin đa chiều hơn và giúp sửa chữa những quan niệm sai lầm.
“Chỉ riêng Ấn Độ thôi cũng đã có dân số đông hơn 37 quốc gia thuộc vùng châu Phi hạ Sahara”, bà cho biết. So sánh các nước với bức tranh dữ liệu lớn hơn sẽ cho kết quả công bằng hơn, song điều đó cũng làm thay đổi cách đánh giá đối với mỗi người ở bên trong nước đó. “Tôi muốn nhìn nhận người nghèo với đánh giá như nhau, cho dù họ sống ở đâu, thay vì để mức độ rộng lớn của nước họ quyết định xem chúng ta quan tâm đến họ được bao nhiêu”, bà cho biết.
Phan Anh
Theo Christian Science Monitor