1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì đâu kỹ sư người Nga thành “điệp viên tỉ đô” của Mỹ?

Hoạt động gián điệp của Adolf Tolkachev giúp Mỹ tiết kiệm được 2 tỉ USD cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển vũ khí, đưa nhân vật này trở thành điệp viên thành công và có giá trị nhất của Mỹ tại Liên Xô thời kỳ cuối Chiến tranh Lạnh.


Adolf Tolkachev

Adolf Tolkachev

Giữa năm 1982, điệp viên thành công nhất và có giá trị nhất của Mỹ tại Liên Xô trong vòng 2 thập kỷ đột ngột biến mất. Các tài liệu và bản vẽ mà ông ta đã chuyển cho Mỹ vào đầu những năm 1980 đã giúp Washington nắm được những bí mật về hệ thống radar của Liên Xô cũng như những kế hoạch nghiên cứu về các hệ thống vũ khí nhạy cảm của nước đối thủ trong tương lai.

Hoạt động gián điệp của người này đã giúp nước Mỹ đạt được vị thế thống trị bầu trời trong các hoạt động chiến đấu trên không, đồng thời cho thấy rõ những điểm yếu của hệ thống phòng thủ trên không của Liên Xô thời kỳ đó để Mỹ có thể nghiên cứu được những tên lửa và máy bay ném bom có thể bay dưới tầm radar.

Những cuộc hẹn bị bỏ lỡ

Tuy nhiên, từ cuối thu và đầu đông năm 1982, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã mất liên lạc với người này. Trong suốt 5 cuộc gặp đã được lên kế hoạch từ trước, người của Mỹ đã đến điểm hẹn nhưng không gặp được nguồn tin. Cùng thời điểm đó, lực lượng do thám của tình báo Liên Xô KGB bỗng nhiên trở nên dày đặc trên đường phố.

Buổi tối ngày 7/12, ngày diễn ra cuộc hẹn tiếp theo theo thỏa thuận từ trước, sỹ quan Bill Plunkert được giao nhiệm vụ đến điểm hẹn. Theo đúng kế hoạch đã vạch ra, vào khoảng giờ cơm tối, Plunkert và vợ cùng một cặp vợ chồng khác rời khỏi bãi đỗ xe của Đại sứ quán Mỹ ở Liên Xô78 dưới sự theo dõi của lực lượng dân quân mà họ biết chắc đang thông báo chi tiết từng hành động của họ cho KGB.

2 bà vợ đều bận đồ đen và mang theo một chiếc bánh sinh nhật lớn – thực chất là một thiết bị tạo hình nộm. Chiếc xe vòng vèo qua nhiều đoạn đường rồi đến một góc phố khuất, với sự hỗ trợ của thiết bị tạo hình nộm và những người đi cùng, Plunkert đã xuống xe thành công, dỡ bỏ vỏ bọc bên ngoài và hóa thân thành một người đàn ông Nga. Ông ta đến điểm hẹn, đứng chờ khá lâu nhưng điệp viên mà ông tìm kiếm vẫn không xuất hiện.

Điệp viên tỉ đô

Trong những năm đầu tiên của thời kỳ Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, CIA chưa bao giờ có thể thực sự thiết lập được mạng lưới gián điệp trên các tuyến phố ở Moscow. Bởi, việc tuyển dụng các điệp viên khi đó quá nguy hiểm với các công dân hay quan chức Liên Xô mà họ muốn chiêu mộ trong bối cảnh KGB nắm khá sát tình hình.

Trên thực tế, CIA đã tuyển dụng được một số người nhưng hầu hết đều hoạt động bên ngoài lãnh thổ Liên Xô chứ không hề có tay trong ở đây.

Nhưng với sự xuất hiện của Adolf Tolkachev - một kỹ sư chuyên về radar trên không tại Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật điện (Phazotron) của Liên Xô, mọi việc đã thay đổi hoàn toàn. Trong vòng 6 năm, người đàn ông này đã 21 lần vượt thành công những tai mắt theo dõi của KGB để gặp các sỹ quan của CIA ngay trên các tuyến đường ở Moscow và chuyển cho phía Mỹ những tài liệu, bảng mạch vô cùng quý giá.

Vào đầu những năm 1970, các radar không vận của Liên Xô không thể phát hiện những vật thể di chuyển sát mặt đất, đồng nghĩa với việc chúng không thể phát hiện được những máy bay ném bom hay tên lửa hành trình bay sát mặt đất.

Để lấp lỗ hổng đó, Tolkachev và những kỹ sư đồng nghiệp được giao nhiệm vụ phải thiết kế được những radar có thể “nhìn” từ trên cao xuống và phát hiện những vật thể đang di chuyển ngay ở sát mặt đất. Nhiệm vụ của họ càng trở nên cấp thiết khi các nguồn tin khi đó nói rằng Mỹ đang phát triển những máy bay ném bom bay ở tầm thấp để tấn công Liên Xô trong trường hợp có chiến tranh.

Tất cả những thông tin về hoạt động nghiên cứu này cùng nhiều bí mật khác đều được Tolkachev bí mật tuồn cho Mỹ. Không quân Mỹ ước tính hoạt động gián điệp của Tolkachev đã giúp nước này tiết kiệm được 2 tỉ USD cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển vũ khí. Đổi lại, Tolkachev được CIA cho khá nhiều tiền.

Song, trên thực tế, ông ta nhận tiền không phải để làm giàu mà chỉ xem đó như một biểu hiện cho thấy sự tôn trọng của Mỹ đối với những hoạt động của ông ta. Ngoài ra, thi thoảng, Tolkachev cũng được yêu cầu trả công bằng những album nhạc phương Tây như nhạc của Beatles, Led Zeppelin, Uriah Heep để cho cậu con trai lớn đang tuổi ăn học của mình.


Adolf Tolkachev được đặt biệt danh điệp viên tỉ đô

Adolf Tolkachev được đặt biệt danh điệp viên tỉ đô

Adolf Tolkachev là ai?

Với những quen biết, Adolf Tolkachev là một người điềm tĩnh, có phần lạnh lùng. Tính cách này của Tolkachev 1 phần được cho là do công việc của ông ta. Ông ta và vợ là bà Natasha sống và làm việc trong một khu nhà đa năng, bao gồm nhiều bộ, ngành, viện nghiên cứu, nhà máy và cả các khu vực thử thiết bị. Chính vì thế nên 2 người cũng rất ít tiếp xúc với những người xung quanh.

Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong, Tolkachev biết được rằng ông ta luôn câm lặng với thế giới xung quanh là do ông ta luôn cảm thấy không thoải mái. Ông ta bị ám ảnh bởi một chương đen tối trong lịch sử Xô viết và muốn trả thù cho cha mẹ vợ.

Trong những liên lạc của Tolkachev với CIA, ông ta không ngại ngần công khai danh tính thật của bản thân và gia đình. Ông ta cũng nói rõ muốn hợp tác với CIA để trả thù việc mẹ của bà Natasha đã bị xử tử vì cáo buộc chống nhà nước còn cha bà bị đưa tới trại lao động dưới thời Joseph Stalin vào những năm 1930 vì đã không tố giác vợ.

Natasha kết hôn với Adolf Tolkachev 1 năm sau khi cha bà ta qua đời. Bề ngoài, bà ta tỏ ra không hề để tâm tới các vấn đề của gia đình nhưng trên thực tế, bà ta vẫn luôn đem lòng oán hận Stalin. Bản thân Tolkachev cũng tỏ ra không thích chủ nghĩa cộng sản và tự miêu tả là một người bất đồng chính kiến với chính quyền.

Mang trong lòng những bất đồng như vậy, ông ta muốn tấn công nhằm vào Liên Xô. Ban đầu, ông ta thể hiện sự bất mãn bằng cách viết những tờ rơi có nội dung chống chính quyền và nuôi ý định lén mang đi rải ở một số nơi nhưng không thành.

Tháng 9/1976, Tolkachev nghe được thông tin trên đài phát thanh cho biết một phi công của Liên Xô đã đào tẩu bằng cách lái chiếc máy bay đánh chặn MiG-25 mà ông ta đang điều khiển tới Nhật Bản. Khi giới chức Liên Xô yêu cầu Phazotron thiết kế lại radar cho chiếc MiG-25, Tolkachev nhận ra rằng vũ khí lớn nhất mà ông ta có để chống lại Liên Xô chính là những bản thiết kế và báo cáo chứa những bí mật về hoạt động nghiên cứu của quân đội Liên Xô. Ông ta nhận thấy có thể trả thù nhà nước bằng cách phản bội đất nước, bán các bí mật quân sự cho Mỹ.

Theo các quan chức Mỹ từng làm việc với Tolkachev, ông ta làm vậy vì muốn gây tổn thất tối đa cho Liên Xô, bất chấp việc bản thân ông ta và gia đình có thể gặp nguy hiểm. Thậm chí, kể từ khi làm việc cho Mỹ, ông ta xác định có thể bị phát giác bất cứ lúc nào nên đã đề nghị CIA cho một viên thuốc độc để tự tử nếu bị bắt. Chính lòng thù hận đã thúc đẩy Tolkachev trở thành điệp viên quý giá nhất của Mỹ hoạt động ngay trong lòng Liên Xô trong suốt 2 thập kỷ.

Theo các thông tin, lợi dụng kẽ hở tại Viện nghiên cứu, Tolkachev thường lén giấu những tài liệu vào dạng tuyệt mật vào trong áo khoác để đưa ra khỏi văn phòng vào giờ ăn trưa. Rời văn phòng, ông ta sẽ về nhà, dùng chiếc máy ảnh Pentax mà CIA cung cấp để chụp lại những tài liệu mật, giấu đi rồi lặng lẽ đưa các tài liệu trở lại đúng vị trí sau bữa trưa. Những cuộn phim sau đó sẽ được ông ta chuyển cho CIA trong 21 cuộc gặp trên các đường phố ở Moscow.

Hoạt động gián điệp của Tolkachev được cho là đã bị phát giác vào cuối năm 1984, đầu năm 1985 do bị một nhân viên tập sự của CIA phản bội và tố cáo với KGB. Tolkachev bị bắt giữ năm 1985 và bị xét xử tại tòa án binh về tội phản quốc. Truyền thông Nga đưa tin ông ta bị tử hình vào ngày 22/10/1986...

Theo Minh Ngọc

Pháp luật Việt Nam