1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Olga Chekhova - nữ diễn viên Hitler hâm mộ - là điệp viên của Liên Xô?

Vẫn còn một tấm màn bí mật quanh nữ diễn viên xinh đẹp Olga Chekhova, người được trùm phát xít Đức Hitler hâm mộ. Bà được cho là điệp viên Liên Xô.

Olga Chekhova là người dân tộc thiểu số Đức sinh ra và lớn lên ở Nga. Về sau bà chuyển sang Đức sống và trở thành một trong các nữ diễn viên được Quốc trưởng Đức Quốc xã Adolf Hitler sùng ái. Một số người cho rằng cơ quan tình báo Xô viết đã tiếp cận Olga, khai thác thông tin từ bà và định sử dụng bà trong kế hoạch ám sát Hitler:

Chân dung nữ diễn viên Đức-Nga Olga Chekhova. Ảnh: viola.bz.
Chân dung nữ diễn viên Đức-Nga Olga Chekhova. Ảnh: viola.bz.

Olga Chekhova là vợ của Mikhail Chekhov – cháu trai của nhà soạn kịch Anton Chekhov.

Mikhail là một diễn viên, đạo diễn và giảng viên nổi tiếng. Nhân vật này đã lập ra ở Mỹ một trường đào tạo diễn viên, nơi nhiều tên tuổi từng theo học như Marilyn Monroe, YulBrynner, Marlon Brando, James Dean và Paul Newman.

Kết hôn vì ngỡ có thai khi hôn

Xung quanh Olga toàn là những người nổi tiếng, gồm các diễn viên, nhà văn và chính trị gia.

Mọi sự bắt đầu khi cô gái trẻ Olga Knipper (tên thời con gái của Olga Chekhova) dự các bài giảng tại Studio Nghệ thuật Moscow và được mời đóng một vai trong vở kịch Hamlet.

Trong vở kịch này, cô gái vào vai Ophelia còn Mikhail Chekhov nhập vai hoàng tử. Sau buổi diễn, Chekhov trong trạng thái hưng phấn đã trao cho người đẹp một nụ hôn nồng cháy. Olga khi ấy còn ngây thơ và thiếu trải nghiệm nên cứ ngỡ rằng mình có thể mang bầu.

Cô nói: “Giờ chúng mình phải lấy nhau thôi”. Thế rồi hai người kết hôn thật, nhưng là trong bí mật tại một ngôi làng nhỏ. Chỉ sau này họ mới tiết lộ chuyện lấy nhau.

Một bức hình khác về Olga. Ảnh: Ullstein Bild.
Một bức hình khác về Olga. Ảnh: Ullstein Bild.

Olga tự hào về tên mới đậm chất Slave (lấy theo chồng) và không bao giờ đổi tên này, kể cả khi sau này trải qua nhiều cuộc hôn nhân khác và khi sống trong nước Đức Quốc xã.

Hôn nhân giữa Olga và Mikhail không kéo dài lâu. Sau cách mạng, Olga di cư trước và lập gia đình với một nhà sản xuất phim Hungary. Sáu năm sau, Mikhail cũng ra nước ngoài định cư.

Việc Olga chọn Đức để định cư là dễ hiểu do cô là một người tộc Đức. Tuy nhiên hoàn cảnh cô ra đi vẫn bị phủ trong bức màn bí ẩn. Và người ta đã thêu dệt nhiều câu chuyện và giả thuyết quanh nhân vật này.

Điệp viên quân báo?

Theo một “huyền thoại” như vậy, ngay sau khi ra nước ngoài, Olga được gọi tới một cơ sở của Tổng cục Quân báo Liên Xô và được tuyển làm điệp viên cho cơ quan này.

Nữ diễn viên được dạy kỹ thuật mã hóa và giới thiệu về các điểm an toàn và bộ mã bí mật.

Chưa có ai xác nhận việc Chekhova được tình báo quân sự Xô viết tuyển dụng nhưng cũng chưa có ai bác bỏ giả thuyết này.

Chekhova không phải là một diễn viên vĩ đại nhưng luôn là một người chuyên nghiệp. Bên cạnh tính chuyên nghiệp và tài năng, cô còn sở hữu một tài sản lớn là vẻ ngoài “sexy”.

Một trong những người thầy của Olga từng nói với bà rằng “Em phải bước lên sân khấu trong trạng thái trần trụi”. Trong hồi ký của mình, Olga viết: “Lúc đầu tôi không hiểu ngay ý của thầy tôi, đó là phải cởi mở tâm hồn trên sân khấu, chứ không phải là thoát y”.

Chekhova diễn ở nhiều nhà hát Berlin và không ngại các vai “gợi cảm”. Cô làm cho công chúng bị mê hoặc. Cô duyên dáng trên sân khấu, trên màn bạc, và cả trong mối quan hệ ngoài đời thực.

Khi bước chân vào điện ảnh, cô nhanh chóng trở thành một trong các nữ diễn viên nổi tiếng ở nước Đức Quốc xã.

Chekhova đã thủ vai trong hơn 100 bộ phim, đã đi tour sang Mỹ. Cô được đánh giá cao không chỉ ở ngoại hình mà còn cả tài năng diễn xuất.

Ngồi sát bên Hitler

Vai trò của Olga còn lan sang cả lĩnh vực chính trị.

Mức độ nổi tiếng của Olga ở Đức là rất đặc biệt. Người ta có thể thấy ảnh của Olga trong căn cứ không quân Đức Quốc xã cũng như trong chiến hào binh sĩ phát xít Đức. Bản thân Quốc trưởng Hitler đã trân trọng gọi cô là nữ diễn viên nhà nước của Đệ tam Đế chế.

“Gã đồ tể” Hilter đã mời cô tới dự nhiều sự kiện đình đám và để cô ngồi bên cạnh gã, điều này cho thấy y chú ý đến cô đến nhường nào.

Hitler ngồi bên phải nữ diễn viên Olga mà y hâm mộ. Ảnh: Tumblr.
Hitler ngồi bên phải nữ diễn viên Olga mà y hâm mộ. Ảnh: Tumblr.

Olga còn “quan hệ lằng nhằng” với đám phi công hạng Ace của Hermann Göring và là chỗ thân thiết với Eva Braun – người tình của Hitler. Tuy nhiên đây có thể là cái vỏ bề ngoài.

Người ta cho rằng vị thế diễn viên điện ảnh của Olga giúp cô có điều kiện thuận lợi để thu thập thông tin mật.

Theo các đồn đoán, tình báo Xô viết đã lên kế hoạch ám sát Hitler, trong đó Olga Chekhova đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên vào phút cuối lãnh tụ Liên Xô Stalin đã hủy kế hoạch này do lo ngại giới tướng lĩnh Đức Quốc xã có thể sẽ ký với Anh và Mỹ hiệp ước chống Liên Xô sau khi Hitler chết.

Câu chuyện trên về sau trở thành cốt cho bộ phim Xô viết “17 Khoảnh khắc Mùa xuân”. Nếu tình báo Liên Xô thực sự có một điệp viên có khả năng nhận diện được nhân vật trong Đế chế 3 đang nỗ lực mở các cuộc đàm phán riêng với phe Đồng minh, thì người đó chỉ có thể là Olga Chekhova.

Các nhà báo phương Tây khẳng định rằng Chekhova là nguồn thạo tin mật mà thông qua đó điệp viên Liên Xô Sándor Radó ở Thụy Sĩ duy trì liên lạc trong suốt chiến tranh chống Đức.

Thái độ của Moscow

Các thông tin đồn đoán về vai trò điệp viên của Olga trên chưa được xác nhận. Tuy nhiên có mấy sự thật đáng lưu ý như thế này:

1- Khi quân phát xít Đức xâm chiếm Crimea, chúng không động chạm vào Bảo tàng Tưởng niệm Chekhov, trong khi nhà riêng của đại văn hào Nga Lev Tolstoy ở Yasnaya Polyana và nhà riêng của tiểu thuyết gia Turgenev ở Spasskoe-Lutovinovo đều bị chúng phóng hỏa thiêu rụi. Cả Tolstoy và Turgenev rõ ràng đều không có “người quen” để có thể “nói đỡ” cho mình ở Berlin như trường hợp của Chekhov.

2- Cuối Thế chiến 2, Olga được đưa tới Moscow. Nữ diễn viên Chekhova tá túc trong một căn hộ bí mật trong thời gian 2 tháng.

Các sĩ quan an ninh bảo vệ Olga luôn ở bên cô, thậm chí còn hay chơi cờ với cô. Chính những sĩ quan này đã lái xe đưa Olga tới điện Kremlin để nói chuyện với người đứng đầu ngành an ninh Xô viết là Beria. Có thể Olga cũng đã được gặp gỡ Stalin.

Thậm chí Olga còn được cho đi dạo quanh thủ đô. Trong một lần đi dạo, một cô gái trẻ đã lao về phía Olga và hét lên “Đồ phản bội!” rồi nhổ nước bọt vào mặt cô.

3- Một dấu hiệu nữa đáng chú ý là khi quân Liên Xô tiếp quản Berlin (sau khi lật đổ phát xít Đức), họ đã cố gắng làm hết sức mình để tạo thoải mái cho gia đình Chekhov. Khi Olga quyết định chuyển sang Tây Đức, cô không hề bị níu kéo mà được toàn quyền lựa chọn./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN/ RBTH.com