1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì đâu chính khách thế giới đồng loạt đổi thái độ với Trump?

Phe Cộng hòa đang phải đối đầu với thực tế mà trước kia thật khó tưởng tượng: Donald Trump gần như chắc chắn trở thành ứng viên Tổng thống của đảng này.

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới từng lên án và chế nhạo cựu ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ cũng đang bắt đầu điều chỉnh thái độ và quan điểm trước thực tế mới.


Donald Trump (Ảnh: AP)

Donald Trump (Ảnh: AP)

Thủ tướng Anh David Cameron tuần trước nói tại một cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe rằng, ông Donald Trump "xứng đáng được chúng ta tôn trọng". Trước đó, ông từng gọi kế hoạch của tỷ phú Mỹ đề xuất cấm người Hồi giáo vào Mỹ là "gây chia rẽ, ngớ ngẩn và sai trái".

Ông Abe - đứng đầu một đất nước từng có phen ngạc nhiên với ý kiến của Trump rằng Tokyo nên tự chế vũ khí hạt nhân - không thể kìm nén nụ cười trước bình luận của ông Cameron.

Nhưng cái gật đầu dành cho Trump rõ ràng là tín hiệu cho thấy có một sự thay đổi lớn. Tháng trước, trong bài phát biểu chính sách chính thức đầu tiên của mình, ông Trump đưa ra một tầm nhìn thiên về chủ nghĩa biệt lập, thách thức nhận thức về chính sách ngoại giao của Mỹ và đồng minh vốn đã tồn tại nhiều thập niên qua.

Thăm dò cho thấy, người Mỹ hưởng ứng quan điểm của ông về việc các nước thành viên NATO cần chi trả nhiều hơn và Mỹ không nên dính vào những cuộc chiến tốn kém.

Một số đồng minh của Mỹ nhìn nhận ông Trump như gã hề giờ đây bắt đầu thay đổi trước khả năng ông có thể trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của thế giới tự do.

Hồi tháng 1, phản ứng về cam kết của Trump sẽ buộc Mexico phải chi tiền xây một bức tường lớn dọc biên giới ngăn người nhập cư trái phép vào Mỹ, cựu Tổng thống Mexico Vicente Rox vặn lại: "Tôi sẽ không trả cho bức tường chết tiệt ấy".

Nhưng đến tháng 4, ông Fox đã nhờ đến báo chí để "sửa sai". Trong một cuộc phỏng vấn với Breitbart News, ông gửi lời xin lỗi tới tỷ phú Trump: "Tôi xin lỗi nếu tôi xúc phạm ông".

Khi thông báo chiến dịch tranh cử tổng thống hồi tháng 6, ông Trump đã "nổi như cồn" trên truyền thông vì gọi những người Mexico vượt biên vào Mỹ là "bọn hiếp dâm" mang theo ma túy và tội ác. Nhưng ông cũng vớt vát: "Tôi cho rằng một số là người tốt".

"Tha thứ là một trong những phẩm chất vĩ đại nhất của con người, là phẩm chất của một nhà lãnh đạo giàu lòng trắc ẩn. Bạn phải nhún nhường. Bạn phải giàu lòng thương. Bạn phải yêu mến hàng xóm", ông Fox bình luận với báo Breitbart. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, tỷ phú Donald Trump cũng cần hành động tương tự.

Không chỉ người Mexico bị doanh nhân tỷ phú xúc phạm. Một loạt các đồng minh của Mỹ cũng thấy họ khó hòa hợp với Trump, hoặc bất đồng với ứng viên Cộng hòa về nhiều chính sách ở một thời điểm nào đó trong chiến dịch tranh cử của ông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo thế giới hiếm hoi dành những lời lẽ tích cực cho ứng viên Trump.

Nhưng khi cơ hội trở thành Tổng thống Mỹ của ông Trump càng lớn thì một loạt nhân vật tầm cỡ quốc tế cũng bắt đầu kìm nén bất bình và nhảy lên "Con tàu Trump" - như lời các cố vấn của ông này mô tả.

Trung Quốc - một mục tiêu thường xuyên bị Trump cáo buộc thao túng tiền tệ và kinh doanh bất công bằng - vốn thường tránh né dính vào chiến dịch chính trị Mỹ. Nhưng tháng trước, đến cả Bộ trưởng Tài chính Lou Jiwei cũng đã phải gọi ông trùm bất động sản này là "vô lý" về kiến nghị đánh thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Sau khi Donald Trump thắng lớn ở Indiana tuần trước, và tiếp sau những thông điệp gần đây của ông rằng Trung Quốc đang "cưỡng bức" Mỹ trong các thỏa thuận thương mại bất cân bằng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có bình luận tích cực hơn về ứng viên gây tranh cãi.

"Những gì cần phải chỉ ra là, bản chất sự hợp tác thương mại và kinh tế Trung - Mỹ là đôi bên cùng có lợi, phù hợp với các lợi ích của cả hai nước", phát ngôn viên Hồng Lỗi nói với các nhà báo. "Chúng tôi hy vọng mọi người thuộc tất cả các tầng lớp ở Mỹ có thể nhìn nhận mối quan hệ này dựa trên lý trí và khách quan".

Theo Thanh Hảo

Vietnamnet