Vị chính khách Nga đầu tiên tới thăm Việt Nam
Ít ai biết vị Thái tử Nga Nikolai, sau là Sa hoàng Nikolai II, lại là chính khách đầu tiên đặt chân lên Việt Nam từ cuối thế kỷ 19.
Cuối năm 1890 theo yêu cầu của vua cha, Sa hoàng Alexandr III, thái tử Nikolai thực hiện chuyến viễn du vòng quanh thế giới trên chiến hạm Pamiat Azova.
Lúc đó thái tử mới 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Học viện sỹ quan cận vệ, đồng thời cũng đã hoàn thành chương trình đào tạo nhân văn của Đại học tổng hợp quốc gia.
Chuyến viễn du này cũng là một công đôi việc, Thái tử vừa làm quen với công việc ngoại giao, vừa thử thách trên sóng nước đại dương. Bởi lẽ Nga bấy giờ đã có nhiều hạm đội hải quân lừng lẫy.
Tháng Giêng 1891, nhận được thông báo từ Paris, thống đốc Nam kỳ Daniel đã bắt tay vào việc chuẩn bị đón tiếp vị khách cấp cao từ nước Nga xa xôi. Chương trình đón tiếp rất long trọng, với tổng chi phí được phê chuẩn là 15.000 đồng Đông Dương - một khoản tiền khổng lồ thời đó.
Thái tử Nikolai ngự giá trên soái hạm Pamiat Azova, với 5 tàu chiến hộ tống. Pamiat Azova được hạ thuỷ vào năm 1888 tại công xưởng đóng tàu Baltik.
Đó là một tàu chiến khá lớn thời bấy giờ dài 115,6m rộng 15,6m; trọng tải 6.700 tấn, đựơc trang bị 15 khẩu đại bác, 17 khẩu pháo nhỏ tầm ngắn, chạy bằng động cơ hơi nước, tốc độ đạt 17 hải lý/giờ. Biên chế trên tàu gồm 30 sỹ quan và 600 thuỷ thủ. Tàu xuất phát từ cảng Saint Petersburg, khi tới vùng biển Thái Bình Dương, hạm đội Nga Sibirsk đã cử thêm ba tàu đô đốc hộ tống.
Ngày 28/3/1891 sau cuộc hành trình dọc bờ Đại Tây Dương qua ĐịaTrung Hải và Ấn Độ Dương, ghé qua nhiều bến cảng nổi tiếng ở Hy Lạp, Ai Cập, Ấn Độ, Thái Lan… đoàn tàu của Thái tử Nikolai tiến vào cửa sông Đồng Nai rồi cập bến cảng Sài Gòn. Toàn quyền Đông Dương Piket cùng các quan chức Pháp – Việt đã tổ chức đón đoàn ngay trên bến cảng.
Khi Nga hoàng tương lai đặt bước chân đầu tiên lên cầu tàu, từ trên bờ người ta đã bắn súng chào với 21 phát đại bác. Dứt loạt súng, dàn kèn đồng của đội quân nhạc cử quốc thiều Nga. Dưới sự điều khiển của các quan chức người trên bờ đồng loạt hô to “Nước Nga muôn năm” và tiếng “Hoan hô!” vang lên như sấm dậy.
Thái tử Nikolai cùng toàn quyền Piket duyệt đội danh dự gồm 100 tay súng thuỷ quân lục chiến Pháp, sau đó lên xe có kỵ binh hộ tống theo đường Catinat và đại lộ Norodom về dinh toàn quyền. Thành phố chăng đèn kết hoa suốt ba ngày liền đón khách.
Báo chí Pháp tại Đông Dương và tận “mẫu quốc” cũng rầm rộ đưa tin Sa hoàng tương lai ghé thăm Sài Gòn và cho biết Thái tử Nikolai tỏ ra rất hài lòng về việc được đón tiếp trọng thể, chu đáo tại thành phố được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông. Trong buổi chia tay, thái tử đã chân thành cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, và thổ lộ cảm giác mấy ngày qua như ở trong gia đình ruột thịt của mình.
5 năm sau, vào tháng 5/1896 thái tử Nikolai kế vị ngai vàng. Ông là vị hoàng đế cuối cùng của nước Nga, song lại là vị Sa hoàng duy nhất trong lịch sử thực hiện chuyến viễn du vòng quanh thế giới.
Chuyến ghé thăm Sài Gòn tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong lòng vị chính khách Nga đầu tiên đặt chân lên đất nước Việt Nam những ấn tượng khó mờ phai về một đất nước xa xôi, nhỏ bé mà rất xinh đẹp .
Có điều ông không thể ngờ rằng chỉ hơn nửa thế kỷ sau, cái đất nước nhỏ bé bấy giờ chưa có tên trên bản đồ thế giới ấy, đã vùng lên giành được độc lập từ tay người Pháp và đã trở thành người bạn thuỷ chung của nước Nga.
Theo NuocNga.net
Tài liệu của NVH Khoa học Nga tại TP Hồ Chí Minh