1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vệ binh Cách mạng Iran có đủ mạnh để chống lại Mỹ?

(Dân trí) - Không phải ngẫu nhiên mà Iran luôn đưa ra lời dọa sẽ đóng cửa các tuyến đường hàng hải vận chuyển dầu khí chiến lược, cùng với tuyên bố Lực lượng Vệ binh Cách mạng của nước này (IRGC) cũng tham gia vào các cuộc thao dượt huấn luyện.

Điều này chỉ có một mục đích: Ngoài con bài dầu mỏ dùng để "mặc cả" với Mỹ và đồng minh, Iran còn có một con bài nữa - đó là Lực lượng Vệ binh Cách mạng nổi tiếng là tinh nhuệ.

 

IRGC - sức mạnh nằm ngoài quân sự

 

IRGC là một bộ phận quan trọng nhưng độc lập trong lực lượng vũ trang Iran, gánh trách nhiệm bảo vệ biên giới, an ninh nội địa, nhưng IRGC cũng điều khiển các tên lửa đạn đạo của Iran và có tin cho biết họ có vai trò trong lĩnh vực hạt nhân của Iran. Chính lực lượng này vừa tiến hành các vụ thử tên lửa mà theo giới chức Iran là một số có thể bắn tới Israel và nhiều đồng minh khác của Mỹ.

 

Lực lượng vũ trang Iran gồm Quân đội cộng hoà Hồi giáo Iran (IRIA), Vệ binh Cách mạng (IRGC) và lực lượng cảnh sát quốc gia. IRGC (được gọi là Pasdaran) thành lập sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 và sau đó giữ vai trò chính trong cuộc chiến tranh Iran/Iraq kéo dài tới gần 10 năm do cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein phát động chống Iran - cuộc chiến mà lực lượng này đã đưa ra khái niệm tấn công bằng biển người. 

 

IRGC hiện được cho là có khoảng 125.000 thành viên, nhưng cũng có tin nói rằng có tới 200.000 người.

 

IRGC là một lực lượng mạnh có ảnh hưởng lớn vượt ra ngoài lĩnh vực quân sự, chi phối cả lĩnh vực kinh tế và chính trị. Gần 3 thập kỷ sau cách mạng Hồi giáo tại Iran, IRGC vẫn là một đội quân tinh nhuệ đúng như ý tưởng của nhà sáng lập là Giáo chủ Ruhollah Khomeini. Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad từng là một thành viên của IRGC, do vậy bất cứ hành động nào nhằm chống lại lực lượng này cũng được coi là hành động chống ông M. Ahmadinejad.            

 

Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của IRGC đã bắt đầu lan rộng tới tất cả các lĩnh vực trong xã hội Iran, họ đã được nhận những bản hợp đồng lớn và những thành viên trước đây trong IRGC đang nắm giữ những vị trí chính trị quan trọng.

 

IRGC - sức mạnh khiến Mỹ đặc biệt lo ngại

 

Mỹ đã xếp IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố. Đây là lần đầu tiên lực lượng vũ trang một nước có chủ quyền bị Mỹ liệt vào nhóm bị cấm hoạt động. Vậy IRGC là lực lượng hoạt động như thế nào và điều gì khiến Mỹ "lo lắng" đến mức phải kiên quyết đơn phương trừng phạt lực lượng này?

 

 Trên thực tế, chính quyền Washington đôi khi có nhắc tới cụm từ "chiến tranh. Những lời buộc tội của Mỹ luôn nhằm vào các hoạt động của IRGC. Mỹ không giấu giếm lo ngại quyền lực kinh tế ngày càng mạnh của IRGC và hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt của đơn vị hoạt động mật của họ là lực lượng Quds - một nhóm hỗ trợ khủng bố, ngày càng dày đặc.

 

Đối với các hoạt động kinh doanh, IRGC hiện tại đã có nguồn thu nhập ổn định ngày càng tăng và Mỹ đang tìm cách phong tỏa các nguồn thu này. Năm 2006, IRGC giành được một hợp đồng trị giá 2,09 tỷ phát triển mỏ khí đốt South Pars lớn nhất Iran, ngoài ra còn một hợp đồng trị giá 1,3 tỷ USD xây dựng đường ống dẫn nhiên liệu tới Pakistan. Dự án mở rộng tuyến tàu điện ngầm Tehran, đường sắt cao tốc nối Tehranvới Isfahan, xây dựng các cảng biển tại vùng duyên hải phía Nam, một con đập lớn ở tỉnh Khuzestan... Tất cả các dự án trên đều thuộc về IRGC.

 

IRGC hoạt động song song với các lực lượng vũ trang thông thường, nhưng họ có các đơn vị bộ binh, hải quân, không quân và tên lửa riêng. Năng lực về tên lửa của họ là mối lo ngại lớn nhất đối với quốc tế bởi tên lửa tầm xa Shahab-3 của họ có thể bắn tới Israel và các căn cứ quân sự của Mỹ tại Trung Đông.

 

IRGC cũng cảnh báo họ đã giám sát các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, hàm ý rằng họ sẽ tấn công các mục tiêu này và đóng cửa nguồn cung cấp dầu chủ yếu tại Dải Hormuz nếu Mỹ phát động tấn công quân sự Iran. Lực lượng bí mật Quds - mà phía Iran chưa bao giờ chính thức công nhận có tồn tại, đã bị Mỹ cáo buộc vận chuyển bom chống tăng đến Iraq phục vụ cho các vụ tấn công quân đội Mỹ và huấn luyện quân du kích người Shiitte.

 

Sẵn sàng đối đầu với Mỹ?

 

Trong khi hành động quân sự chống lại Iran đang được đưa ra tranh luận, thì một hoạt động khác đang được xúc tiến ở Trung Đông. Lực lượng hải quân của Mỹ và đồng minh vừa kết thúc một loạt cuộc tập trận tại Vịnh Pécxích. Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ có căn cứ tại Baranh cho biết cuộc tập trận này nhằm mục đích bảo vệ các cơ sở sản xuất dầu khí.

 

Trong tháng 6, Không quân Israel đã thực hiện những cuộc diễn tập quy mô lớn được nhiều chuyên gia cho là có thể là một đợt tập dượt cho khả năng một cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

 

Nhưng Giám đốc điều hành Học viện Chính sách Cận Đông ở Washington, Robert Satloff, cho rằng một hành động tấn công nhằm vào Iran sẽ dẫn đến thảm họa khôn lường.

 

Cùng lúc, các chuyên gia quân sự khẳng định: Khác với những cuộc tấn công nhất thời của Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân ở Irắc vào năm 1981, và năm ngoái ở Syria, một cuộc tấn công vào chương trình của Iran sẽ rất phức tạp.

 

Trong khi quân đội Mỹ đang thực hiện cam kết tại Iraq và Afghanistan, Tham mưu trưởng liên quân Mỹ ở Iraq, Đô đốc Mike Mullen cũng cảnh báo về bất kỳ hành động gây bất ổn nào."Các hậu quả của việc đó đôi khi rất khó dự đoán” - ông nói.

 

Các hậu quả kể trên chắc chắn sẽ bao gồm cả việc Iran trả đũa. Các quan chức cho rằng Israel và hạm đội Hải quân Mỹ ở vùng Vịnh Pécxích sẽ là các mục tiêu đầu tiên nếu Iran bị tấn công. Theo các chuyên gia quân sự, Iran đủ sức làm việc này, vì họ có một Lực lượng Vệ binh Cách mạng "cực kỳ tinh nhuệ".

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm