1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vấn đề nhân quyền Triều Tiên “nóng” lên tại Liên Hợp Quốc

(Dân trí) - Chủ tịch Ủy ban điều tra về nhân quyền tại Triều Tiên phát biểu tại LHQ về báo cáo gây chấn động hồi đầu năm của ủy ban này, trước khi vấn đề tiếp tục được đưa ra ủy ban nhân quyền của Đại Hội đồng vào tuần sau. Đại diện Triều Tiên đã phản ứng mạnh mẽ.

Ông Michael Kirby trả lời báo chí tại cuộc họp báo ngày 22/10. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Michael Kirby trả lời báo chí tại cuộc họp báo ngày 22/10. Ảnh: Tuấn Anh.
 
Báo cáo do ủy ban điều tra thuộc Hội đồng Nhân quyền LHQ công bố hồi tháng 2 năm nay đã đưa ra những cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính quyền CHDCND Triều Tiên với những chi tiết gây sốc.

Chủ tịch ủy ban điều tra, ông Michael Kirby, hôm 22/10 đã lên tiếng hối thúc LHQ thông qua nghị quyết đưa Triều Tiên ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), tại một hội nghị về vấn đề này được tổ chức tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, với sự tham dự của đại diện nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế. Hội nghị cũng trực tiếp nghe lời kể của hai người Triều Tiên tường thuật lại những gì họ trải qua ở các nhà tù và trại lao động ở nước này.

Vấn đề nhân quyền tại Triều Tiên càng trở nên nóng bỏng bởi sau khi báo cáo nói trên được đưa ra, Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản mới đây đã cùng soạn một dự thảo nghị quyết yêu cầu Hội đồng Bảo an đưa Triều Tiên ra ICC.

Trước những áp lực liên tiếp nêu trên, thời gian qua Triều Tiên đã có nhiều động thái, bao gồm từ phản ứng cho tới xoa dịu bằng cách tỏ ra cởi mở hơn, chủ động tiếp cận các nhà ngoại giao của các nước khác, thể hiện sự sẵn sàng đối thoại hơn về các vấn đề của nước này.

Việc Tham tán của Phái đoàn Triều Tiền tại LHQ Kim Song có mặt tại hội nghị nêu trên cũng là một động thái khá khác thường, so với cách xử lý kiểu “đóng cửa” và “khép kín” lâu nay của nước này trước nhiều vấn đề.

Ông Kim và ông Kirby đã có những đối đáp căng thẳng tại hội nghị. Theo đó, ông Kim phủ nhận những cáo buộc của báo cáo do ông Kirby chủ trì, gọi đó là “sản phẩm của âm mưu chính trị của Mỹ và các thế lực thù địch nhằm lật đổ hệ thống chính trị và xã hội của chúng tôi”.

Ông Kim cũng cho rằng báo cáo nói trên không có tính hợp pháp do không có sự xác nhận cũng như một “quy trình tìm kiếm thực tế”; đồng thời cáo buộc ủy ban điều tra sử dụng những câu hỏi dẫn dắt với các nhân chứng.

Đáp lại, ông Kirby khẳng định với tư cách một thẩm phán trong nghề 34 năm (ông Kirby là thẩm phán tại Australia), ông hoàn toàn phân biệt được thế nào là câu hỏi dẫn dắt và câu hỏi không dẫn dắt, và cam đoan ủy ban đã sử dụng những câu hỏi không dẫn dắt.

Ông Kirby chỉ ra rằng, ủy ban điều tra chỉ có thể làm việc thông qua các nhân chứng bởi chính Triều Tiên không cho phép ông và các cộng sự tới nước này. Ông cũng tuyên bố, là một người đã về hưu, ông không có động cơ gì để thực hiện âm mưu chính trị chống lại Triều Tiên.

Tại cuộc họp báo cùng ngày tại trụ sở LHQ, ông Kirby cho biết, ông chờ đợi trong vài tuần tới LHQ sẽ xử lý vấn đề này ra sao. Tuần tới, điều tra viên đặc biệt của LHQ về Triều Tiên sẽ báo cáo trước ủy ban nhân quyền của Đại Hội đồng. Sau đó, Hội đồng Bảo an – cơ quan quyền lực nhất của LHQ, sẽ xem xét dự thảo nghị quyết của EU và Nhật Bản.

Nhiều ý kiến cho rằng, nghị quyết nói trên sẽ gặp khó khăn tại Hội đồng Bảo an, do Trung Quốc – đồng minh của Triều Tiên, một trong 5 thành viên thường trực và có quyền phủ quyết, có thể sẽ sử dụng quyền đó để không thông qua nghị quyết. Tuy nhiên, ông Kirby lưu ý rằng, Trung Quốc ít khi sử dụng quyền phủ quyết của mình, nên “số phận” nghị quyết nói trên hiện vẫn để ngỏ.

“Trung Quốc là một cường quốc, có trách nhiệm lớn với tư cách thành viên thường trực. Phủ quyết không phải là cách Trung Quốc thực hiện ngoại giao quốc tế”, ông nói.

Tuy nhiên, trong trường hợp nghị quyết không được thông qua, ông Kirby cho biết, ủy ban điều tra đề xuất giải pháp thay thế là mở một văn phòng thực địa của LHQ tại Hàn Quốc để thu thập thêm lời chứng từ các nhân chứng.

Tuấn Anh (từ New York)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm