1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ván cờ của ông Trump

Nếu Ấn Độ lùi bước trước sức ép của Washington và cắt đứt quan hệ với Nga, nhiều khả năng Pakistan sẽ trở thành nước nhận được sự hào phóng của Điện Kremlin

Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis của Mỹ vừa thực hiện 2 công đoạn ngoại giao phức tạp trong chuyến thăm Nam Á đầu tháng 9.

Ngay từ trước khi bắt đầu, chuyến thăm đã chẳng có mấy hứa hẹn tốt lành. Quay lại hồi tháng 1 năm nay, Tổng thống Donald Trump buộc tội Pakistan đền đáp những hỗ trợ quân sự của Mỹ trong quá khứ bằng dối trá và lừa gạt - với việc tiếp tục cung cấp nơi ẩn náu và tiếp tay cho phong trào Taliban chống lại lực lượng Mỹ ở Afghanistan.

Quốc hội Mỹ nhanh chóng thu hồi khoản viện trợ 500 triệu USD cho Pakistan. Tiếp đó, Lầu Năm Góc hủy bỏ khoản hỗ trợ quân sự 300 triệu USD khác. Như vậy, tổng cộng Mỹ đã ngừng 800 triệu USD viện trợ cho Pakistan.

Nhưng Pakistan vừa có thủ tướng mới vào tháng 8, đó là ông Imran Khan. Do đó, ông Pompeo nghĩ rằng đáng để thử bắt đầu lại. Thế nhưng, sau những lạc quan ngắn ngủi, thực tế lại dội gáo nước lạnh khi ông Pompeo thừa nhận "còn một thời gian dài" trước khi viện trợ quân sự cho Pakistan được nối lại.


Thủ tướng Pakistan Imran Khan (phải) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Islamabad hôm 5-9 Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Pakistan Imran Khan (phải) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Islamabad hôm 5-9 Ảnh: REUTERS

Vấn đề nằm ở chỗ ngay sau khi rời Pakistan, ông Pompeo bay liền tới New Delhi để cùng ông Mattis thực hiện chuyến thăm Ấn Độ. Thái độ ưu ái rõ rệt với Ấn Độ của hai quan chức Mỹ không chỉ làm tăng nhiệt căng thẳng giữa New Delhi và Islamabad mà còn khiến ông Khan khó bề ăn nói trong nước.

Kể từ khi trở thành 2 quốc gia độc lập 71 năm trước, Ấn Độ và Pakistan chưa từng thôi gầm gừ nhau dọc theo biên giới chung dài 3.200 km. Và với kho vũ khí hạt nhân trong tay mỗi bên hiện nay, sự đối địch giữa họ là yếu tố trọng yếu của tình hình chiến lược châu Á.

Điểm nhấn trong chuyến thăm Ấn Độ của hai ông Pompeo và Mattis là lễ ký kết một hiệp ước liên lạc quân sự quan trọng.

Sau hai thập kỷ thai nghén, hiệp ước này cho phép hai bên trao đổi theo thời gian thực những dữ liệu được mã hóa trên các thiết bị liên lạc cấp độ quân sự mà quân đội Mỹ sử dụng. Mỹ hiện chỉ ký hiệp ước tương tự với chưa tới 30 nước. Hiệp ước với phía Ấn Độ bị trì hoãn thời gian dài chủ yếu do New Delhi lo ngại làm vậy sẽ mở đường cho quân đội Mỹ tiếp cận hàng loạt phương tiện liên lạc chiến lược của mình.

Đáng nói là tính thời điểm của hiệp ước đột phá này - trong đó còn có các cuộc tập chung đầu tiên giữa quân đội hai nước ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Ấn Độ vào năm 2019. Nó hình thành không lâu sau khi Tổng thống Trump công bố chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương.

"Ấn Độ ủng hộ chính sách Nam Á của Tổng thống Trump. Việc ông ấy kêu gọi Pakistan ngừng hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới đồng điệu với chúng tôi" - Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj nhấn mạnh sau cuộc gặp với hai ông Pompeo và Mattis.

Tuy nhiên, vẫn còn một tồn tại lớn chưa được giải quyết: Ấn Độ sẵn sàng phớt lờ các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga và Iran. New Delhi vừa chính thức ký hợp đồng mua 5 hệ thống phòng không tiên tiến S-400 của Nga với giá 5,8 tỉ USD. Họ cũng tỏ ý tiếp tục mua dầu của Iran, nhà cung cấp dầu lâu năm cho họ với giá rẻ. Hiện dầu từ Iran chiếm 10% nhu cầu năng lượng của nền kinh tế đang bùng nổ của Ấn Độ.

Trên thực tế, nếu Ấn Độ cúi đầu trước sức ép của Washington và cắt đứt quan hệ với Nga, nhiều khả năng Pakistan sẽ trở thành lựa chọn thay thế khả dĩ nhất để nhận được sự hào phóng của Điện Kremlin. Nga nhanh chóng có mặt và đồng ý huấn luyện sĩ quan quân đội Pakistan ngay tại các viện quân sự Nga. Ngoài ra, Nga đã xây dựng đường ống dẫn khí tự nhiên trị giá 2 tỉ USD ở Pakistan và đang cung cấp khí hóa lỏng cho nước này với mức giá ngày càng hấp dẫn.

Cùng lúc đó, với sự hiện diện vững chắc lâu nay ở Pakistan, Trung Quốc cũng ra sức lôi kéo hàng xóm lại gần mình hơn. Kể từ khi ra đời vào năm 2013, Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan bao gồm nhiều khoản vay nặng ký đến nỗi ông Pompeo gần đây phải lên tiếng cảnh báo rằng không một khoản cứu trợ nào của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho Pakistan được sử dụng để trả nợ cho Trung Quốc.

Thái độ nghiêng hẳn về Ấn Độ của ông Trump rõ ràng càng đẩy Pakistan về phía Trung Quốc và Nga. Điều ông Trump muốn là Pakistan bớt hỗ trợ Taliban, từ đó phong trào này suy yếu và phải ngồi vào bàn đàm phán. Có như vậy, quân đội Mỹ mới có cơ sở rút quân khỏi Afghanistan.

Nhưng thực tế cho thấy dù Thủ tướng Khan muốn nhìn thấy 800 triệu USD viện trợ Mỹ chảy trở lại vào túi Pakistan đến đâu đi nữa thì ông cũng không dễ gì thuyết phục được cơ quan tình báo quân đội đầy thế lực chịu triệt hạ các mạng lưới Taliban đang ẩn náu ở nước này.

Ông Trump phải nhận ra rằng nếu tiếp tục chính sách hiện nay ở Nam Á, thế cân bằng mong manh vốn được chống đỡ bởi các chiến thuật tinh vi của nhiều đời tổng thống Mỹ - bắt đầu từ thời chính quyền Harry Truman - sẽ sụp đổ.

Theo Hải Ngọc

Người lao động