1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Ván bài domino” trong các cuộc khủng hoảng quốc tế hiện nay

Chỉ trong vòng hai tuần vừa qua đã diễn ra ba sự kiện quốc tế quan trọng: các nước châu Âu đạt thỏa thuận tạm thời nhằm giữ chân Hy Lạp ở lại Khu vực Đồng Euro (Eurozone), Hội nghị thượng đỉnh bốn bên ở Minsk (Belarus) đưa ra lộ trình ngừng bắn ở miền Đông Ukraine...

“Ván bài domino” trong các cuộc khủng hoảng quốc tế hiện nay
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (bìa trái) và người đồng cấp Iran Javad Zarif (bìa phải) gặp nhau tại Geneva hôm 22/2 (Nguồn: AFP)
 
... Cũng như tiến triển đáng ghi nhận trong đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran đạt được ở Geneva (Thụy Sỹ). Giới quan sát quốc tế nhận định, những khủng hoảng nói trên đang tác động lẫn nhau nhau một cách chặt chẽ và mật thiết như một ván bài domino.

Trước tiên, có thể thấy nước Đức đang phải gánh vác nhiều trọng trách lớn của châu Âu. Là chủ nợ lớn nhất ở châu Âu, Đức có nhiều lợi thế chính trị đối với các quốc gia chịu nợ như Hy Lạp – nơi mà sinh kế của người dân đang phải phụ thuộc vào việc liệu Thủ tướng Đức Angela Merkel có sẵn sàng thông qua kế hoạch trợ giúp tiếp theo hay không.

Nhiều người cho rằng thỏa thuận đạt được tại Brussels (Bỉ) hôm 24/2 vừa qua là một chiến thắng của Đức trước Hy Lạp khi các Bộ trưởng Tài chính của khối Eurozone đã cùng với Đức chấp thuận kéo dài kế hoạch trợ giúp kinh tế cho Hy Lạp thêm 4 tháng. Tuy nhiên, trong vòng 4 tháng nữa, Hy Lạp và Đức có thể nảy sinh bất đồng mới, bởi lẽ Athens có thể sẽ không giành được sự tín nhiệm và thành quả mà Berlin cần để khẳng định vị thế chính trị của nước Đức cũng như triển vọng tiếp tục áp đặt chính sách “thắt lưng buộc bụng” lên khắp châu Âu. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nhân, chính trị gia đang lo ngại về kịch bản “Grexit” (việc Hy Lạp tách khỏi Eurozone), đe dọa gây ra những ảnh hưởng khôn lường đến châu Âu.

Để lèo lái nước Đức vượt qua cuộc khủng hoảng Eurozone, “bà đầm thép” Merkel cần phải làm bình ổn khu vực Đông Âu. Trong những ngày qua, Thủ tướng Đức đã thực hiện hàng loạt chuyến đi ngoại giao và tại thủ đô Minsk (Belarus) hôm 12/2, bà Merkel đã cùng với lãnh đạo các nước Nga, Pháp, Ukraine đưa ra thỏa thuận hòa bình cho xung đột ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, các nỗ lực không mệt mỏi của Đức cho đến nay vẫn chưa thể làm hạ nhiệt căng thẳng giữa Nga và Mỹ.

Về phần mình, Mỹ đã liên tục cảnh báo Moscow rằng Washington có thể sẽ viện trợ vũ khí sát thương cho quân đội chính quyền Ukraine nếu chiến sự ở miền Đông Ukraine tiếp tục leo thang. Tuy vậy, nếu muốn tập trung vào xung đột ở Đông Âu, Mỹ cần phải giải quyết các bất ổn ở “chảo lửa” Trung Đông, trong đó có quan hệ với Iran. Ngày 22/2, trong cuộc gặp tại Geneva (Thụy Sỹ), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Javad Zarif đã đạt được nhiều quan điểm chung xoay quanh vấn đề đàm phán hạt nhân, qua đó hai bên đã nhất trí định mức uranium mà Tehran được làm giàu và tích lũy, cũng như những biện pháp nới lỏng trừng phạt quốc gia Hồi giáo của chính quyền Washington. Kết quả từ cuộc gặp tại Geneva cũng mở đường cho hai bên đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực có lợi ích song trùng, chẳng hạn như cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria.

Tóm lại, Đức đang muốn thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với Nga để kiểm soát nguy cơ khủng hoảng trong Eurozone. Nga lại cần một thỏa thuận với Mỹ để hạn chế sự hiện diện của Washington tại khu vực ảnh hưởng truyền thống của Moscow. Trong khi đó, Mỹ muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề hạt nhân với Iran để có đủ sức tập trung vào cuộc đối đầu với Nga. Như vậy, có thể thấy, các cuộc khủng hoảng kể trên đều liên quan chặt chẽ với nhau, cho dù mỗi cuộc khủng hoảng diễn ra ở mức độ khác nhau.

Trong thời gian đến, Đức và Nga có thể sẽ tìm được cách để giải tỏa bất đồng, Mỹ và Iran cũng như vậy. Nhưng rõ ràng, khủng hoảng Eurozone vẫn là nguy cơ lớn tiềm tàng, và Nga vẫn sẽ luôn cảnh giác cao độ trước những động thái của Mỹ ở Đông Âu. Nếu xem xét từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra đến nay, Nga cho thấy rằng, dù có chịu sự trừng phạt kinh tế thì Moscow vẫn sử dụng mọi biện pháp để đáp trả lại đối thủ ở phía bên kia Đại Tây Dương.

(Tác giả Reva Bhalla là chuyên gia phân tích chính trị quốc tế của Mạng tin tình báo chiến lược Stratfor (Mỹ). Bài viết trên, đăng tải trên trang web Stratfor ngày 25/2, phản ánh quan điểm riêng của tác giả).

Theo Quang Chinh (lược dịch)
Thế giới và Việt Nam