1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hy Lạp lùi bước trước sức ép từ châu Âu

Bản danh sách những cải cách mà Athens gửi cho Brussels hôm thứ Ba (24/2) thể hiện rõ sự nhượng bộ của tân chính phủ Hy Lạp trước sức ép từ châu Âu.

Bản danh sách này liệt kê những cải cách mà tân chính phủ của đảng Syriza phải thực hiện để đổi lại việc các chủ nợ của nước này (IMF, EU, ECB) kéo dài chương trình cứu trợ thêm 4 tháng cho Hy Lạp.
 
Hy Lạp sẽ được gia hạn gói cứu trợ thêm 4 tháng (ảnh: FT)
Hy Lạp sẽ được gia hạn gói cứu trợ thêm 4 tháng (ảnh: FT)

Những cải cách này được liệt kê trong 6 trang giấy và theo những cam kết trong đó, tân chính phủ Hy Lạp của ông Alexis Tsipras đã phải từ bỏ hầu hết những yêu sách mà đảng Syriza đưa ra trong quá trình vận động tranh cử cũng như khi mới lên nắm quyền. Phần lớn những cải cách này đã được nêu ra trong các chương trình mà nhóm “troika” đã đòi hỏi chính phủ Hy Lạp thực hiện trước đó.

Trong những cải cách mà Hy Lạp sắp phải thực hiện, một phần rất quan trọng liên quan đến việc trốn thuế và gian lận thuế mà nguyên nhân quan trọng xuất phát từ tham nhũng và sự vận hành yếu kém trong bộ máy hành chính Hy Lạp. Nhóm “troika” vốn đã yêu cầu Hy Lạp cải cách mạnh lĩnh vực này từ năm 2010 nhưng các đời chính phủ Hy Lạp đều không đủ quyết tâm thực hiện do ngại động chạm đến các nhóm lợi ích và các nhà tài phiệt. Tuy nhiên, trong danh sách cải cách mà tân chính phủ của đảng Syriza cam kết với Brussels lần này, Hy Lạp thể hiện quyết tâm thực hiện cải cách bộ máy hành chính nhằm chống tham nhũng và trốn thuế.

Cụ thể, bộ máy hành chính sẽ được tinh giản. Chính phủ sẽ rút gọn xuống chỉ còn 10 Bộ thay vì 16 Bộ như trước. Con số các “cố vấn đặc biệt”, tức là những công chức được hưởng đặc quyền, đặc lợi, cũng sẽ bị cắt giảm. Ngoài ra, lương của các nghị sĩ cũng sẽ giảm và việc hỗ trợ tài chính cho các đảng phái cũng sẽ bị thắt chặt.

Một chủ đề khó khăn khác trong các cải cách mà chính phủ của ông Tsipras phải thực hiện là vấn đề tư hữu hóa. Trong cam kết gửi Brussels, chính phủ Hy Lạp cho biết sẽ không truy xét lại các vụ tư hữu hóa từ các đời chính phủ trước dưới sức ép của châu Âu mà sẽ chỉ xem xét các vụ tư hữu hóa trong thời gian tới.

Sự lùi bước của Athens còn thể hiện thêm ở những điều khoản “nhân đạo” mà tân chính phủ phải từ bỏ. Cụ thể, lời hứa tăng mức lương tối thiểu cho người lao động Hy Lạp bị bỏ lửng. Trong danh sách cải cách gửi Brussels, Athens vẫn nói sẽ tăng lương tối thiểu nhưng từ bỏ con số cụ thể (từ 580 lên 751 euro/tháng) cũng như lộ trình (đầu 2016) mà trước đó đảng Syriza kiên quyết bảo vệ.

Trở lại thực tế

Bản danh sách cải cách của Hy Lạp sẽ được nhóm Eurogroupe, tức các Bộ trưởng Tài chính châu Âu, xem xét trong ngày hôm nay. Nếu được thông qua, Hy Lạp sẽ tiếp tục được kéo dài gói cứu trợ hiện tại, dự định kết thúc vào ngày 28/2, thêm 4 tháng nữa. Trong 4 tháng đó, chính phủ Hy Lạp sẽ phải đưa ra lộ trình chi tiết để thực hiện các cải cách đã cam kết sẽ vẫn phải chịu sự giám sát của các định chế quốc tế.

Trong trường hợp các Bộ trưởng Tài chính EU phủ quyết danh sách này, Hy Lạp sẽ đứng trước nguy cơ vỡ nợ và thậm chí phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu- eurozone. Tuy nhiên, các tín hiệu phát đi từ Brussels cho thấy châu Âu tương đối hài lòng với danh sách cải cách này vì trên thực tế vẫn giữ nguyên các đòi hỏi trước đây của nhóm troika.

Như phân tích của nhiều chuyên gia châu Âu, rốt cục thì cũng đã đến thời điểm tân chính phủ Hy Lạp trở lại với thực tại. Kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc bầu cử hôm 25/1, tân chính phủ của đảng Syriza đã tìm mọi cách thay đổi cuộc chơi với các chủ nợ bằng cách đưa ra các yêu cầu mà giới chức châu Âu đánh giá là “ngạo mạn” và “không thể chấp nhận được”. Sau 3 tuần với vô số các cuộc đàm phán căng thẳng, thậm chí đổ vỡ về mặt quan hệ cá nhân (như giữa Bộ trưởng Tài chính Đức, Wolfgang Schauble và Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis), Hy Lạp đã phải “trở lại với các luật chơi”.

Hầu hết các tham vọng mà tân Thủ tướng Alexis Tsipras đưa ra khi tranh cử đều sẽ không được thực hiện, ít nhất trong 4 tháng tới. Sẽ không có chuyện xóa nợ cho Hy Lạp, dù chỉ một phần. Cũng không có chuyện tăng lương tối thiểu, vì như lập luận của ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, “nếu Hy Lạp tăng lương tối thiểu lên 750 euro thì sẽ có ít nhất 6 nước EU khác có mức lương tối thiểu thấp hơn Hy Lạp mà vẫn phải cứu trợ tiền cho nước này. Đó là điều không thể chấp nhận”.

Những “thắng lợi” với ông Alexis Tsipras, nếu có, cũng rất hạn chế và hầu hết mang tính biểu tượng. Đáng chú ý nhất là việc Hy Lạp giờ đây được chủ động hoạch định các cải cách thay vì thụ động tiến hành dưới sự áp đặt của châu Âu. Tuy nhiên, việc này chỉ dừng ở mức “đề xuất” còn việc tiến hành vẫn phải đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của châu Âu. Thắng lợi tinh thần thứ hai, như chính phủ Hy Lạp tung hô, là việc từ bỏ được từ “troika” mà thay vào đó là từ “các định chế” bởi tân chính phủ của ông Tsipras cho rằng từ “troika” mang tính xúc phạm người dân Hy Lạp.

Nhưng, như nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thắng lợi lớn nhất là việc tân chính phủ Hy Lạp đã trở lại thực tại, có thêm 4 tháng cứu trợ để tránh đất nước rơi vào cảnh vỡ nợ, dù điều này đồng nghĩa với việc đảng Syriza đã gần như thất hứa hoàn toàn với các cử tri đã đưa họ lên nắm quyền./.
Theo Thùy Vân/VOV-Paris