Chiến dịch quân sự ở Bờ Biển Ngà và Libya:
Vai trò đầu tàu trong thế kẹt của Pháp
(Dân trí) - Không phải nhân tố nước ngoài duy nhất, nhưng Pháp đã đóng vai trò “đầu tàu” can dự khủng hoảng Bờ Biển Ngà và Libya. Paris chỉ muốn buộc hai hước này tuân thủ nghị quyết của LHQ, hay đang tìm kiếm vai trò lớn hơn hoạt động chính trị bên trong nước Pháp?<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1706/Bat-on-chinh-tri-tai-Bo-Bien-ga.htm'><b> >> Bất ổn chính trị tại Bờ Biển Ngà</b></a>

Ngay cả những người phản đối quyết định của Tổng thống Sarkozy cũng phải thừa nhận ông đã “rất ấn tượng” trong hành động với Libya
“Kiếm điểm” trong nước
Về mặt đối nội, điểm tín nhiệm của Tổng thống Nicolas Sarkozy đã xuống tới mức rất thấp trong bối cảnh nước Pháp sẽ có bầu cử Tổng thống vào năm 2012 và chắn chắn là ông Sarkozy lại ra tranh cử.
Trong thời gian qua khi những sự kiện xảy ra tại Ai Cập và Tunisia, Pháp bị coi là “mất mặt” do gần như không nắm được vai trò gì với khu vực được coi là “sân sau” của nước này trong nhiều thập kỷ. Vì vậy, trong cuộc nổi dậy của dân chúng Libya, Tổng thống Sarkozy quyết định ra tay trước. Ông này đã chơi một ván bài quyết định và bước đầu có thể nói là may mắn đã thành công. Các phe chống đối ông trong nước như phe hữu, phe tả, phe xanh, ... cũng ủng hộ hành động của chính phủ Sarkozy.
Pháp khai hỏa chiến dịch quân sự của liên quân vào Libya ngày 19/3, chỉ một ngày trước khi các cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng một trong cuộc bầu cử các đại biểu hàng tổng. Đây là cuộc bầu cử trực tiếp cuối cùng và là một trắc nghiệm rất quan trọng đối với các đảng phái chính trị Pháp trước cuộc bầu cử tổng thống 2012.
Ngay trước đó, vào cuối tháng 2 vừa qua, trong bối cảnh nổ ra các cuộc nổi dậy trong thế giới Arập, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy buộc lòng phải cải tổ các bộ quan trọng như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ nhằm "xốc lại chính sách ngoại giao và tăng cường công tác an ninh của Pháp".
“Phát đại bác” ngoại giao
Về mặt ngoại giao quốc tế, nghị quyết cho phép lập “Vùng cấm bay” ở Libya đánh dấu lần đầu tiên nước Pháp đưa ra một nghị quyết mà có sự đồng thuận của nhiều nước, kể cả các nước thuộc khối Arập. Đây là một thành công ngoạn mục của Tổng thống Sarkozy.
Cùng lúc với can thiệp vào Libya, việc Pháp can thiệp vào Bờ Biển Ngà là muốn cho Đức thấy rằng để châu Âu có một vai trò toàn cầu thực sự, châu lục này cần phải có khả năng quân sự và ngoại giao. Pháp muốn lưu ý Đức rằng việc kết hợp giữa sức mạnh kinh tế của Đức và sức mạnh quân sự của Pháp có thể nâng cao vị thế của châu Âu. Trục Paris-Berlin đã hợp tác chặt chẽ trong 12 tháng qua trong vấn đề khủng hoảng kinh tế khu vực đồng euro.
Thời gian qua, Pháp đã chịu nhiều chỉ trích về việc chậm phản ứng trước làn sóng dân chủ nổi lên trong thế giới Arập, Bắc Phi, châu Phi và nhiều nước Arập vốn là sân sau của Pháp. Thế nhưng, Paris đã tỏ ra kém nhạy bén trước các diễn biến tại Tunisia và Ai Cập. Sự can thiệp quân sự vào Libya theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ “để bảo vệ thường dân chống lại những hành động đàn áp của quân đội trung thành với nhà lãnh đạo Gadhafi” là dịp để Pháp lấy lại vị thế của mình.
Việc tham gia chiến dịch quân sự tại Libya là một sự chuộc lỗi các sai lầm trong chính sách ngoại giao của Pháp trong thời gian qua. Còn tại Bờ Biển Ngà, đất nước ở khu vực Tây Phi, Pháp cũng lập tức có can thiệp vì rõ ràng việc Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo quyết định duy trì quyền lực bằng mọi giá sau thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống cho thấy sự bất lực của ngoại giao Pháp và phương Tây. Pháp đã nói rõ ý định trực tiếp can thiệp chống lại Tổng thống Laurent Gbagbo tại Bờ Biển Ngà và từ ngày 4/4, Pháp đã chính thức chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự tại cả hai quốc gia châu Phi này.
Một điều cũng đáng lưu ý là Pháp hiện đang tiến hành can thiệp quân sự tại hai quốc gia châu Phi, trong khi quân Pháp cũng đang tham chiến tại Afghanistan. Chắc chắn là có nguyên nhân khiến Pháp làm như vậy: Libya chỉ cách Pháp qua biển Địa Trung Hải và Paris có nhiều tài sản quân sự gần Bờ Biển Ngà. Trong chiến dịch tại Libya, mục đích sâu xa của Pháp là thể hiện không lực của Pháp mạnh. Đây cũng là một hình thức nước Pháp muốn chứng tỏ với thế giới Arập, nhất là những quốc gia đang sử dụng máy bay của Pháp. Trong tương lai, Pháp cũng muốn phục hồi nền công nghiệp vũ khí của mình.

Một phi công Pháp tại buồng lái chiến đấu cơ Mirage 2000-5 trước giờ phát động cuộc không kích Libya, ngày 19/3
Thế “kẹt” và những rủi ro
Nhiều tuần qua, xung độ Bờ Biển Ngà chưa hết, chiến dịch Libya không biết khi nào kết thúc, còn lợi ích Pháp theo đuổi đang gặp những trở ngại.
Sau hơn bốn tháng giằng co với phe chống đối và cộng đồng quốc tế, Tổng thống Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo vẫn chưa chịu đầu hàng. Số phận chính trị của Nhà lãnh đạo Libya Gaddafi thì được dự đoán “rồi cũng đến hồi kết”, nhưng giới quan sát cho rằng đây không phải là thời điểm để Pháp ăn mừng, vì Paris sẽ rất nhanh chóng thất vọng với nhưng gì sẽ diễn ra tại đây trong thời kỳ hậu Gbagbo và hậu Gaddafi, và vì tương lai Bờ Biển Ngà và Libya "không có gì là hay ho" đối với lợi ích quốc gia của Pháp ở nước này.
Uy tín của Sarkozy đang thấp đến mức kết quả một số cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông không thể chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng một, nếu bầu cử được tổ chức vào thời điểm này. Do vậy, ông Sarkozy đang sử dụng hai chiến dịch quân sự để tập hợp sự ủng hộ trước các cuộc bầu cử năm 2012. Nhưng việc đồng thời dính líu vào hai chiến dịch thay đổi chế độ này cũng đặt ra đẫy rẫy những nguy cơ rủi ro về chính trị.
Trước mắt, có thể ông Sarkozy được lợi một chút với uy tín tăng lên trong dân chúng sau khi mất điểm trong việc giải quyết khủng hoảng ở Tunisia và Ai Cập. Nhưng khi người Pháp hiểu ra rằng thái độ hăng hái quá mức của ông Sarkozy đã đưa Libya và Bờ Biển Ngà vào ngõ cụt, tác động ngược lại sẽ rất mạnh.
Chưa hết, sự ra đi của Gbagbo và Gaddafi không có nghĩa là khủng hoảng chấm dứt ở hai nước này mà các cuộc nội chiến sẽ tiếp diễn. Khi đó, thái độ của Pháp cũng như chiến dịch mà nước này tham gia sẽ bị mang ra “mổ xẻ”.
Tại Libya và Bờ Biển Ngà, có phải Pháp không có mục tiêu khác ngoài việc buộc hai nước này phải tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ? Các lực lượng trung thành với chế độ Gbagbo và Gaddafi tự cho mình là nạn nhân của cuộc can thiệp vô cớ của nước ngoài chắc chắn sẽ không tin điều này và sẽ cho rằng Pháp là "kẻ chủ mưu". Họ sẽ không hạ vũ khí sau khi bị thất bại mà sẽ biến Pháp và lợi ích của nước này thành mục tiêu để đấu tranh sau này. Như vậy Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy đã khiến nước này phải đóng một vai với hệ quả tiêu cực cho chính sách của họ đối với châu Phi và thế giới Arập.
Về quân sự, Pháp chỉ là cường quốc thứ tư hoặc thứ năm trên thế giới và vai trò quân sự có thể can thiệp vào mọi vấn đề quốc tế phải nói là của Mỹ. Cho đến nay, nước Pháp nói chung và ông Sarkozy nói riêng đã gặt hái được nhiều điểm thuận lợi. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu tình hình tại Libya kéo dài thêm một vài tuần hoặc vài tháng nữa, nước Pháp sẽ không có đủ khả năng.
Chưa hết, đích thân Tổng thống Pháp Sarkozy đã phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ làn sóng nhập cư khó có thể kiểm soát đến từ thế giới Arập, dù kèm theo kêu gọi người dân Pháp không nên lo ngại trước sự thay đổi lịch sử trong thế giới Arập.
Hà Khoa