1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vai trò của CHLB Đức trong "cuộc khủng hoảng con tin ở Iran năm 1979"

Ngày cuối cùng trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống thứ 39 của nước Mỹ (tức ngày 20/1/1981), Jimmy Carter bay đến thành phố Frankfurt, bang Hessen, CHLB Đức...

... Ông Carter đến để thăm hỏi 52 nhà ngoại giao Mỹ từng bị bắt giữ làm con tin ở Iran. Lúc đó, những nhà ngoại giao này đang được chăm sóc trong bệnh viện của Không quân Mỹ ở thành phố Wiesbaden.

Trong chuyến thăm này, Tổng thống Jimmy Carter mới nói lấp lửng: Có lẽ thế giới sẽ không biết gì về vai trò của CHLB Đức trong những cuộc đàm phán trao trả 52 con tin người Mỹ cuối cùng bị giam giữ ở thủ đô Tehran của Iran…

Khủng hoảng con tin có nguy cơ khiến Mỹ phải động binh

Ngày 21/1/1981, Tổng thống Jimmy Carter dùng những câu từ ấm áp nhưng bí ẩn để chào hỏi những chính khách người Đức: Helmut Schmidt (thành viên đảng trung tả Dân chủ Xã hội và là Thủ tướng CHLB Đức từ năm 1974-1982) và Hans-Dietrich Genscher (thành viên đảng Dân chủ Tự do - FDP, và là Ngoại trưởng CHLB Đức).

Carter nói: "Người Đức đã giúp đỡ chúng ta theo cách mà tôi có thể không bao giờ tiết lộ công khai cho thế giới". Sau những lời nói về vai trò của nước Đức, báo chí Đức bắt đầu cuộc chạy đua quyết liệt khai thác thông tin. Lúc đó, Thủ tướng Helmut Schmidt cung cấp cho tờ Suddeutsche Zeitung thông tin để công bố: "Bonn có lẽ đã đóng một vai trò quyết định". Ngoại trưởng Hans-Dietrich Genscher thì giúp tờ Bild đăng bài "Việc trao trả con tin được thương lượng vào ban đêm tại nhà khách của Genscher"....

Vai trò của CHLB Đức trong "cuộc khủng hoảng con tin ở Iran năm 1979" - 1
Đại sứ CHLB Đức Gerhard Ritzel ở Tehran.

Sự kiện một số sinh viên cực đoan Iran chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ ở Tehran và cuộc khủng hoảng con tin kéo dài 444 ngày cho đến nay vẫn được xem là một trong những sự kiện đầy kịch tính nhất sau khi Thế chiến II kết thúc. Đó là cuộc đối đầu đầu tiên của phương Tây với phong trào cực đoan Hồi giáo Shiite của Giáo chủ Ayatollah Ruhollah Khomeini. Từ hình ảnh một đám đông đốt cháy cờ Mỹ tại Đại sứ quán nước này, người ta nhìn thấy viễn cảnh chiến tranh sẽ bùng nổ giữa Iran và Mỹ. Cuối cùng, Washington tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, các chi tiết về sự đóng góp của CHLB Đức vẫn còn nằm trong vòng bí mật.

Nhà sử học Frank Bosch, Giám đốc Trung tâm Lịch sử hiện đại ở thành phố Potsdam và tạp chí Die Spiegel sau khi tiến hành cuộc nghiên cứu các văn khố Đức và tiếp xúc với các nhân chứng đã đem ra ánh sáng việc chính quyền CHLB Đức đóng vai trò trung gian dàn xếp cuộc khủng hoảng con tin như thế nào. Một trong những nhân vật chủ chốt giờ mới gây sự chú ý - Đại sứ Đức Gerhard Ritzel ở Tehran.

Vai trò của CHLB Đức trong "cuộc khủng hoảng con tin ở Iran năm 1979" - 2
Tổng thống Jimmy Carter (trái) cùng với con tin được trao trả Bruce Laingen từ ban công bệnh viện của Không quân Mỹ ở thành phố Wiesbaden (Đức), ngày 22/1/1981.

Khi Gerhard Ritzel tiếp nhận chức vụ đại sứ ở Tehran vào năm 1977, Quốc vương Shah Pahlavi của Iran - người có mối giao hảo tốt đẹp với chính quyền Bonn - vẫn còn nắm trong tay quyền lực. Iran lúc đó là nguồn cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Đức và đổi lại, Bonn phải xuất khẩu tàu ngầm, tàu chiến cũng như nguyên liệu năng lượng thô đến Iran.

Vào thời điểm đó, Ritzel cũng đang cố gắng ngầm tiếp xúc với phe đối lập Hồi giáo chính thống của Iran. Hai bên đã có những cuộc gặp mặt hết sức phiêu lưu mà về sau này Ritzel mới tiết lộ. Trước khi diễn ra những cuộc họp, một chiếc ôtô chở Ritzel từ một khách sạn đến một nơi nào đó ở Tehran rồi nhét vội một mảnh giấy nhỏ vào tay ông trong đó ghi: "Chờ ở đây, sẽ có một chiếc xe tải nhỏ màu xanh chạy đến".

Ritzel được đổi xe nhiều lần và cuối cùng được chở băng qua các khoảng sân khác nhau trước khi được bước lên một tầng lầu với những bức tường lỗ chỗ vết đạn pháo. Cuối cùng, Ritzel mới gặp được những người đối thoại - đó là một nhóm người mà không lâu sau đó nắm giữ quyền lực tối thượng ở Iran.

Ngày 16/1/1979, Quốc vương Shah Pahlavi buộc phải rời khỏi Iran sau khi hàng triệu người xuống đường biểu tình chống lại ông. Ngày 1/2/1979, Giáo chủ Ruhollah Khomeini từ thủ đô Paris nước Pháp quay trở về Tehran sau 14 năm sống lưu vong, thông báo thành lập nước Cộng hòa Hồi giáo non trẻ. Dĩ nhiên, Ritzel nhanh chóng tìm cách thích nghi với sự thay đổi chế độ ở Iran. Phương Tây cũng lo sợ Iran có thể rơi vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô.

Gerhard Ritzel có vẻ thích Giáo chủ Khomeini và về sau ông tuyên bố lãnh đạo người Shiite này là "người nhân đạo" và phương Tây có thể có lợi. Về phần mình, Thủ tướng Đức Helmut Schmidt tuyên bố với Khomeini rằng, Iran vẫn còn là "đối tác ngoại thương quan trọng, bất chấp hình thái chính quyền mới".

Vai trò của CHLB Đức trong "cuộc khủng hoảng con tin ở Iran năm 1979" - 3
Ngoại trưởng CHLB Đức Hans-Dietrich Genscher, năm 1978.

Để thiết lập mối quan hệ mới, Đại sứ Gerhard Ritzel lợi dụng yếu tố thuận lợi -những nhân vật xung quanh Giáo chủ Khomeini là những người từng sống ở CHLB Đức, như Sadeq Tabatabaei, người hoàn thành học vị tiến sĩ Đại học Ruhr ở thành phố Bochum. Sau khi Giáo chủ Khomeini nắm quyền lãnh đạo Iran, Tabatabaei trở thành nhân vật số 1 ở Tehran và cũng là người đối thoại chính của Ritzel. Sau vụ bắt giữ một số lượng lớn con tin người Mỹ diễn ra ở Iran vào ngày 4/11/1979, Tabatabei được đánh giá là nguồn hy vọng chính của Đức trong cuộc khủng hoảng con tin đang leo thang. Khomeini ủng hộ những sinh viên cực đoan, mô tả nước Mỹ là "Quỷ Satan".

Trong khi đó, Tổng thống Jimmy Carter áp đặt những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Tehran và yêu cầu các quốc gia đồng minh làm theo cũng như ra lệnh chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Trong tình hình cực kỳ căng thẳng, Đại sứ Ritzel trở thành một trong vài quan chức ngoại giao cao cấp phương Tây ở Tehran vẫn còn được chính quyền mới ở Tehran chịu lắng nghe.

Để bảo đảm an toàn cho các lợi ích xuất khẩu của CHLB Đức, chính quyền Bonn muốn Đại sứ Ritzel nhanh chóng kết thúc cuộc khủng hoảng con tin đang trên bờ vực dẫn đến chiến tranh. Đại sứ Ritzel được phép tham gia phái đoàn của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đến thăm các con tin người Mỹ. Khi nhà lãnh đạo cách mạng Iran muốn Quốc vương Shah Pahlavi đối mặt với "sự phản kháng của người dân Iran", Ritzel là người trung gian chuyển một bức thư. Tuy nhiên, Quốc vương Shah Pahlavi đã từ chối nhận bức thư.

Vai trò trung gian trong bóng tối của Gerhard Ritzel

Tình hình ở Tehran gây bối rối cho người Mỹ bởi vì những người tự cho mình là người trung gian thường xuyên xuất hiện một cách bất ngờ. Tháng 5-1980, những người Mỹ đầu tiên bắt đầu tiếp xúc với Gerhard Ritzel. Ritzel cùng với Ngoại trưởng Đức Hans Dietrich Genscher bay đến thành phố Vienna nước Áo để hội kiến với Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Edmund Muskie.

Tại Vienna, Muskie và Ritzel trao đổi trực tiếp với nhau về vấn đề con tin. Khi đó, Tabatabaei cũng tuyên bố sẽ giúp đỡ Ritzel giải quyết cuộc khủng hoảng. Theo yêu cầu từ người Mỹ, Genscher chuyển các báo cáo tình hình của Ritzel cho Mỹ. Người Iran cũng lo ngại cuộc tấn công quân sự trả đũa sẽ diễn ra nếu như 52 con tin người Mỹ không được trao trả. Tehran nhân dịp này muốn được nhận lại khoản tiền 12 triệu USD mà Tổng thống Jimmy Carter đã ra lệnh đóng băng tại các ngân hàng Mỹ cũng như chạm tay đến khối tài sản của Shah Pahlevi được tin là đang nằm ở nước Mỹ.

Vai trò của CHLB Đức trong "cuộc khủng hoảng con tin ở Iran năm 1979" - 4
Những con tin trên chuyến bay đến căn cứ không quân Mỹ ở thành phố Wiesbaden, kết thúc cuộc khủng hoảng con tin.

Ngày 27/5/1980, Đại sứ quán Mỹ ở Bonn tiếp xúc với Ritzel để truyền đạt đến người Iran rằng, Tổng thống Carter sẽ "xem xét một cách nghiêm túc" mối lo ngại của Tehran. Để đạt được thỏa hiệp với giới lãnh đạo Hồi giáo Shiite ở Tehran, Gerhard Ritzel lên đường đến thành phố Mashhad để gặp Giáo chủ Ruhollah Khomeini. Chuyến đi này của Ritzel về sau được đánh giá là bước đi ngoại giao cực kỳ khôn ngoan. Ritzel tế nhị sử dụng các từ "sự thật", "công bằng" và "hiếu khách" để nói đến viễn cảnh của thế giới Hồi giáo. Sau 3 ngày bàn luận về tôn giáo, Khomeini hỏi vị khách người Đức về lý do thật sự của chuyến viếng thăm. Ritzel khiêm tốn trả lời rằng ông đang tìm kiếm những lý lẽ để các con tin được trao trả.

Khomeini trả lời: "Tôi sẽ suy nghĩ về điều này". Không bao lâu sau, một sứ giả đến gặp Ritzel cùng với thông điệp từ Khomeini cho biết, ông gián tiếp không tán thành việc giam giữ con tin. Nhiều năm sau, Ritzel được ca ngợi đã tạo ra được "cơ sở niềm tin" của người Iran với chính quyền Đức.

Ngày 9/9/1980, Tabatabaei đề nghị gặp gỡ một phái đoàn Mỹ ở CHLB Đức. Theo chỉ thị từ Giáo chủ Khomeini, Tabatabaei yêu cầu Đức giữ biên bản cuộc họp  và Genscher tham gia cuộc bàn luận. Khoảng 1 tuần sau, những cuộc thương lượng bí mật giữa Tabatabaei và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Warren Christopher bắt đầu diễn ra tại nhà khách Bộ Ngoại giao Đức ở Bonn dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Đức Genscher.

Vai trò của CHLB Đức trong "cuộc khủng hoảng con tin ở Iran năm 1979" - 5
Sadeq Tabatabaei.

Trong cuộc đàm phán bí mật này, Christopher bảo đảm Mỹ sẽ không tấn công quân sự đồng thời mở ra viễn cảnh số vàng trị giá khoảng 6 tỉ USD cùng với các tài sản khác sẽ được trả lại cho Tehran. Số vàng sẽ được giao trả với sự giúp đỡ từ Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank. Christopher cũng đồng ý giúp đỡ Tehran thu hồi tài sản của Quốc vương Shah Pahlevi vừa mới qua đời ngày 27/7/1980 do bệnh ung thư ở Ai Cập. Nhiều tuần sau, Ritzel gặp gỡ Tabatabaei gần như mỗi ngày. Vì lý do bí mật, Tabatabaei được ghi trong các tài liệu của Đức là "lữ khách".

Đầu tháng 10/1980, người Mỹ tiến hành các thủ tục giấy tờ cần thiết, cũng như Tổng thống Jimmy Carter muốn giải quyết một số điểm còn tranh cãi tại Đại sứ quán Mỹ ở Bonn. Hans-Dietrich Genscher đề nghị với Tabatabaei rằng, Đức sẽ đứng ra bảo lãnh cho những cam kết của người Mỹ.

Ngày 9/11/1980, Tabatabaei gửi thông điệp báo động đến người Đức. Tabatabaei cho biết ông có nguy cơ bị Tehran bắt giữ và Ritzel phải chắc chắn mọi tài liệu chứng minh vai trò của ông (trong đàm phán con tin) phải được tiêu hủy. Nhưng có vẻ như Tabatabaei lo sợ thái quá. Về sau, Tabatabaei được Tehran chỉ định làm đặc phái viên. Nhưng vào tháng 11/1980, khi người Iran bắt đầu những cuộc đàm phán lần nữa với người Mỹ thì họ không cần đến Tabatabaei cũng như mối quan hệ của ông với người Đức nữa.

Ngày 19/1/1981, Mỹ và Iran ký kết thỏa thuận trao trả con tin và hủy bỏ đóng băng các tài sản của Tehran. Ngày 20/1/1981, những con tin người Mỹ cuối cùng được Iran trao trả và lên máy bay đến căn cứ Không quân Mỹ ở thành phố Wiesbaden của CHLB Đức. Theo nhà sử học Đức Frank Bosh, nếu không có sự dàn xếp trung gian của người Đức thì thỏa thuận trao trả con tin sẽ không đạt được.

Theo Thiên Minh (tổng hợp)

An ninh Thế giới

Vai trò của CHLB Đức trong "cuộc khủng hoảng con tin ở Iran năm 1979" - 6