1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vaccine một liều Sputnik Light của Nga hiệu quả 70% ngăn ngừa chủng Delta

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga công bố vaccine tiêm một mũi Sputnik Light của họ có tỷ lệ hiệu quả 70% trong việc ngăn ngừa chủng nguy hiểm Delta, và có thể trở thành mũi tăng cường cho các vaccine khác.

Vaccine một liều Sputnik Light của Nga hiệu quả 70% ngăn ngừa chủng Delta - 1

Vaccine một liều Sputnik Light được xem là một trong những giải pháp tiềm năng cho các nước có nguồn cung vaccine hạn chế (Ảnh: RT).

Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 13/10 thông báo, vaccine một liều Sputnik Light do quỹ này cấp vốn nghiên cứu và quảng bá đạt hiệu quả cao trong việc chống lại biến chủng Delta và có thể kích thích phản ứng miễn dịch một cách đáng kể nếu được dùng là liều tăng cường cho các vaccine khác.

Sputnik Light về cơ bản có thành phần tương tự như liều một của vaccine 2 mũi Sputnik V, chế phẩm Nga và nhiều nước đang dùng trong chương trình tiêm chủng diện rộng. Một nghiên cứu mới được gửi lên trên cổng thông tin nghiên cứu y tế medRxiv trong tuần này và dự kiến sẽ sớm được công bố, cho thấy hiệu quả của Sputnik Light, theo RDIF.

Sputnik Light "đã chứng minh được 70% hiệu quả chống lại sự lây nhiễm từ biến thể Delta trong 3 tháng đầu tiên sau khi tiêm chủng", RDIF cho biết. Quỹ này cũng nói thêm rằng, Sputnik Light có hiệu quả 75% đối với nhóm dưới 60 tuổi và mang lại khả năng phòng vệ vượt trội chống lại các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh.

Thông tin trên được ra dựa trên dữ liệu của cuộc nghiên cứu của 28.000 tham gia được thực hiện ở Moscow hồi tháng 7. Viện nghiên cứu quốc gia Gamaleya, đơn vị phát triển vaccine là bên thực hiện nghiên cứu và kết luận "Sputnik Light vẫn có hiệu quả cao vài tháng sau khi tiêm chủng".

"Phác đồ vaccine một mũi biến Sputnik Light trở thành giải pháp cho các nước có nguồn vaccine hạn chế. Sputnik Light cũng có thể sử dụng như một mũi tăng cường cho vaccine khác để tăng miễn dịch cho người tiêm", đại diện viện trên nói.

Một nghiên cứu quy mô nhỏ ở Azerbaijan năm nay đã tiêm kết hợp vaccine AstraZeneca với Sputnik Light. Kết quả cho thấy sự gia tăng ít nhất gấp 4 lần lượng kháng thể đối với protein đột biến của virus SARS-CoV-2 ở 85% người tham gia thử nghiệm lâm sàng, theo RDIF.

Delta hiện là biến chủng chiếm ưu thế trên thế giới với tốc độ lây lan nhanh chóng hơn nhiều chủng trước đó. Thêm vào đó, một số nghiên cứu mới được công bố gần đây cho thấy, một số loại vaccine bị giảm hiệu quả bảo vệ vài tháng sau khi tiêm, đặc biệt trước Delta. Vì vậy, nhiều chính phủ và chuyên gia đang xem xét về việc sử dụng liều tăng cường để tăng hiệu quả bảo vệ của liều vaccine tiêu chuẩn. 

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nga đã cấp phép cho viện Gamaleya thực hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 với vaccine Sputnik V dạng xịt mũi, theo Tass.

Thử nghiệm sẽ được diễn ra tại trung tâm nghiên cứu Eco-Safety tại St. Petersburg với 500 tình nguyện viên tham gia. Giấy phép cho viện Gamaleya thử nghiệm có hiệu lực từ 12/10 và hết hạn vào 31/12/2023, theo hồ sơ đăng ký.

Vào cuối tháng 8, Giám đốc viện Gamaleya Alexander Gintsburg nói với Tass, rằng các cuộc thử nghiệm vaccine dạng xịt mũi của Sputnik V có thể bắt đầu vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, trong khi vaccine này dự kiến sẽ có thể được cấp phép vào năm 2022.