Uy lực cặp chiến hạm Nhật sắp cập cảng Cam Ranh
(Dân trí) - Cuối tuần qua, cặp tàu khu trục của Nhật gồm JDS Ariake và JDS Setogiri đã cập cảng tại Vịnh Subic, Philippines trước khi tới thăm Việt Nam. Đây là những chiến hạm uy lực hàng đầu của Hải quân Nhật.
DS Setogiri (DD-156) là chiến hạm thuộc lớp Asagiri, đang phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật. Được khởi đóng tháng 3/1987 và hạ thủy tháng 9/1988, đây là một trong số 8 chiếc thuộc lớp Asagiri. Tàu có chiều dài 137m, rộng 14,6m, lượng giãn nước toàn tải 4200 tấn với thủy thủ đoàn gồm 220 người.
Được thiết kế cho các nhiệm vụ tác chiến mặt nước và chống ngầm, các tàu Asagiri sở hữu hỏa lực mạnh, gồm 2 hệ thống phóng tên lửa Harpoon SSM với tổng cộng 8 tên lửa đối hải Harpoon RGM-84C. Các hệ thống ống phóng Mk29 Sea Sparrow trên tàu còn có thể bắn đi 18 tên lửa hải đối không tầm ngắn Sea Sparrow.
Trên mũi tàu còn được gắn một đại bác Otobreda 76mm, với tầm bắn 30.000m, có thể bắn 120 viên đạn/phút. Ngoài ra, tàu còn được trang bị 2 hệ thống hỏa lực cận chiến Mk15 Phalanx 20mm, đem lại khả năng phòng thủ điểm trước các tên lửa đối hạm cũng như máy bay tầm thấp.
Hỏa lực chống ngầm gồm các ống phóng tên lửa chống ngầm Mk16 cùng hai hệ thống ngư lôi, mỗi hệ thống có 3 ống phóng HOS-302A 324mm, sử dụng cùng ngư lôi chống ngầm Type 68.
Bên trong khoang, các tàu Asagiri có thể chứa tối đa 2 trực thăng, tuy nhiên do nhiệm vụ chủ yếu là chống ngầm, các chiến hạm trong lớp này thường chỉ mang theo một trực thăng chống ngầm SH-60J(K).
Trang bị hỏa lực chống đỡ gồm 2 hệ thống phóng tốc độ cực cao Mk36, gồm 6 nòng, để phóng ra các vật thể đánh lừa hỏa lực chống hạm của địch.
Các tàu trong lớp Asagiri sử dụng hệ thống đẩy Kawasaki-Rolls-Royce Spey SM1A, có thể đạt vận tốc tối đa 30 hải lý/giờ.
Song hành với DD-156 trong chuyến thăm cảng Cam Ranh sắp tới là chiến hạm DD-109 lớp Murasame. Được nâng cấp từ lớp Asagiri, các chiến hạm lớp Murasame có lượng giãn nước toàn tải lên tới 5200 tấn.
DD-109, được đưa vào biên chế năm 2002 với vai trò của một khu trục hạm tên lửa dẫn đường, mang trên mình hệ thống radar hiện đại, các tên lửa phòng không cùng hệ thống ống phóng thẳng đứng.
Tàu sở hữu những hệ thống điện tử rất mạnh mẽ, giúp tự động hóa nhiều thiết bị và máy móc, giảm nhiều công việc cho thủy thủ đoàn.
Điểm nổi bật trong hệ thống vũ khí của DD-109 là hệ thống ống phóng thẳng đứng MK 48 VLS, có thể sử dụng cho các loại tên lửa hải đối không Sea Sparrow và Evolved Sea Sparrow. Trong khi đó hệ thống Mk41 VLS được lắp đặt ở dưới khoang có thể bắn các tên lửa chống ngầm RUM-139 VL ASROC.
Ban đầu các tàu Murasame chỉ được trang bị 2 hệ thống ống phóng thẳng đứng, nhưng sau đó đã được nâng cấp lên thành 4 hệ thống phóng, với tổng cộng 32 ống phóng. Tàu mang theo các tên lửa đối hạm SSM-1B do Nhật sản xuất, với tầm bắn 150 - 200km.
Phía mũi tàu được gắn một đại bác Oto Breda, cỡ nòng 76mm, tầm bắn 30.000m, với tốc độ 120 viên/phút. Ngoài ra, một hệ thống vũ khí cận chiến Mark 15 20mm Phalanx được gắn ở phía mũi, và một hệ thống tương tự được gắn trên nóc khoang chứa trực thăng giúp đem lại khẳng năng phòng thủ điểm trước các tên lửa đối hạm và máy bay địch tầm thấp.
Hỏa lực chống ngầm trên tàu gồm 2 hệ thống phóng ngư lôi Type 68 cỡ 324mm, mỗi hệ thống gồm 3 ống phóng. Ngư lôi được sử dụng là loại Mk46 Mod 5 chống ngầm, có thể tấn công mục tiêu ở độ sâu 365m, trong cự ly 11km.
DD-109 có tầm hoạt động hơn 8300km, tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, và được trang bi một trực thăng SH-60J ASW chuyên tuần tra chống ngầm.
Thanh Tùng
Theo Naval Technology