1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ước muốn giản dị của “thánh sống” Nepal

(Dân trí) - Dù là một “thánh sống” ở Nepal nhưng cô bé 10 tuổi Sajani Shakya cũng có những sở thích và khát vọng hết sức giản dị, đời thường. Cô bé thích được ăn mì ăn liền, chơi búp bê và muốn trở thành một nhiếp ảnh gia.

“Cháu muốn trở thành một nhiếp ảnh gia”, cô bé Sajani Shakya rụt rè nói và nhảy từ trên ghế xuống, với ngay lấy cái phong bì chứa những bức ảnh chụp cô bé trong chuyến tới Mỹ gần đây.

 

Suốt một tháng qua cái tên Sajani được cả thế giới biết đến khi một số thầy tu dọa thu hồi chức danh “thánh sống” của Sajani sau khi cô bé tới Mỹ để quảng bá cho một bộ phim của Anh về cuộc sống của cô bé.

Ước muốn giản dị của “thánh sống” Nepal - 1

"Thánh sống" trở về từ chuyến đi tới Mỹ.

Tám năm trước các thầy tu Nepal đã phong cho Sajani làm “thánh sống” ở Bhaktapur, một vị trí mà mà hàng ngàn tín đồ đạo Hindu và đạo Phật ở đất nước Nepal này tôn sùng.

 

Tuy nhiên một số thầy tu không hài lòng về chuyến đi tới Mỹ của Sajani, với lý do cô bé đã coi thường truyền thống được coi trọng từ ngàn đời nay. Họ cho biết sẽ có quyết định về số phận “thánh sống” của cô bé.

 

Trong khi đó, Sajani lại đang được thưởng thức nhữ thú vui hàng ngày như bao đứa trẻ khác, chơi đồ chơi, búp bê và ăn mì ăn liền.

 

Ước muốn giản dị của “thánh sống” Nepal - 2

"Thánh sống" cũng như bao đứa trẻ khác thích đồ chơi.

Không mảy may biết đến những tranh cãi xung quanh chuyến đi của mình, cô bé có đôi mắt sáng ngời Sajani, trong bộ váy trắng xanh, vẫn đang mải mê với chiếc camera đồ chơi trên ghế sofa trong phòng ngủ của mình. Phòng của cô bé rất thấp, phải cúi khom người mới qua được cửa phòng để vào.

 

“Đây là Nhà Trắng”, Sajani chỉ vào một bức ảnh chụp cô bé ở thủ đô của nước Mỹ. Ở Washington, Sajani đã được đi thăm tòa nhà quốc hội, gặp những người Nepal đang sống ở Mỹ, thăm một trường học và gặp các bạn nhỏ Mỹ cùng trang lứa. Các nhà làm phim Anh cho biết chuyến đi đã cho cô bé cơ hội được chia sẻ văn  hóa Nepal với những người khác.

 

Hiện thân của nữ thánh Kali

 

Ước muốn giản dị của “thánh sống” Nepal - 3

Cô bé Sajani trong phòng ngủ của mình.

Theo truyền thống về thánh sống có từ nhiều thế kỷ nay ở ba thành phố cổ tại thung lũng Kathmandu, những bé gái được thầy tu chọn lựa để hiện thân cho thánh Kali, một nữ thánh đầy quyền lực của đạo Hindu.

 

Những bé gái này phải làm “thánh sống” cho đến tuổi dậy thì (khi bắt đầu có kinh nguyệt). Lúc đó “thánh sống” phải từ chức và đoàn tụ lại với gia đình. Một bé gái khác sẽ được chọn để thay thế.

 

Ước muốn giản dị của “thánh sống” Nepal - 4

Sajani và mẹ trong cuộc sống thường nhật.

Tại Bhaktapur, Sajani sống một cuộc sống bình thường với cha mẹ trong ngôi nhà chỉ cách quảng trường lịch sử Durbar có vài bước chân, giữa những con phố nhỏ hẹp được lát gạch đỏ.

 

“Tôi thật may mắn khi con bé được chọn làm “thánh sống””, bố của Sajani, ông Nuchhe Ratna Shakya năm nay 43 tuổi, cho biết. Ông ngồi trên chiếc ghế dài trong vườn của ngôi nhà hai tầng làm bằng gỗ và gạch ở Bhaktapur, gần Kathmandu.

 

“Điều đó đã mang lại thành công và sự may mắn cho gia đình. Chúng tôi cảm thấy tự hào về con bé”. Shakya đã kiếm được việc trong một nhà máy bánh kẹo sau khi con gái được phong làm “thánh sống”.

 

Và còn nhiều thánh sống nữa ở Nepal.

 

Những thánh sống “cấp cao” sống ở trong một ngôi đền cổ tại Kathmandu, phải tuân theo những quy định tôn giáo nghiêm hơn những thánh sống ở Bhaktapur và thị trấn Patan lân cận.

 

“Cô bé sống như bao đứa trẻ bình thường khác, ngoại trừ hai tuần ở Dasain”, mẹ của Sajani cho biết. Bà ám chỉ đến lễ hội Hindu lớn nhất Nepal, thường được tổ chức vào tháng 10. “Con bé thích ăn mì ăn liền, bánh kẹo và thích chơi đồ chơi, búp bê”. Nó không được ăn thịt gà hoặc trứng. Nhưng thịt dê thì được phép. Và hàng ngày cô bé thường chơi cầu lông cùng với những người bạn hàng xóm ở trong sân trước nhà.

 

Vai trò của thánh sống

 

Ước muốn giản dị của “thánh sống” Nepal - 5

Nữ thánh sống trong lễ hội quan trọng nhất trong năm.

Trong suốt lễ hội, Sajani được mặc bộ quần áo màu đỏ và được ngồi trên một chiếc ngai sơn vàng có hình của hai con sư tử trên lưng ghế. Ngoài ra, mắt của cô bé cũng được tô màu đen đậm. Các tín đồ sẽ cúi lạy dưới chân “thánh sống” để được ban phước lành.

 

Một số nhà hoạt động vì nhân quyền đã chỉ trích phong tục phong thánh sống ở Nepal, và đã đệ đơn lên tòa án tối cao cho rằng phong tục vi phạm nhân quyền của các bé gái. Chính phủ Nepal đã chỉ định một ủy ban gồm các chuyên gia văn hóa để tìm hiểu về vấn đề này.

 

Tuy nhiên, mẹ của Sajani khẳng định bà cảm thấy tự hào khi thấy con gái trong vai trò của một nữ thánh sống. Các thầy cô trong ngôi trường Sajani đang theo học cho biết, “nữ thánh sống” cũng như bao học sinh bình thường khác. “Sajani không bao giờ cãi nhau với các bạn khác. Cô bé khá nhút nhát nhưng lại rất sáng dạ”, một giáo viên dạy khoa học nhận xét.

 

 

Trang Thu

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm