Ứng viên tổng thống Mỹ tranh luận: Clinton chế giễu Trump "nước mắt cá sấu"
(Dân trí) - Bà Hillary Clinton đã gọi đối thủ Donald Trump là "con rối" của Tổng thống Nga Putin, chế giễu ông Trump là "nước mắt cá sấu", trong cuộc tranh luận trực tiếp thứ 3 và cũng là cuối cùng giữa họ vào tối ngày 19/10 giờ địa phương.
Cuộc tranh luận kết thúc sau 96 phút, lúc 10h36 tối ngày 19/10 giờ địa phương.
Hai ứng viên đã kết thúc cuộc tranh luận sau 96 phút. Một lần nữa, hai ứng viên không bắt tay nhau ngay cả khi kết thúc tranh luận, mỗi người đi một hướng khác nhau.
Theo thống kê của hãng tin Politico, trong cuộc ranh luận này, tổng thời gian tranh luận của bà Clinton là 40 phút 49 giây, của ông Trump là 34 phút 48 giây. Cũng theo thống kê, ông Trump đã 37 lần ngắt lời bà Clinton, trong khi bà Clinton chỉ ngắt lời đối phương 5 lần.
Bà Clinton trò chuyện với mọi người sau khi kết thúc tranh luận (Ảnh: Reuters)
Bà Clinton bắt tay người dẫn chương trình khi kết thúc tranh luận, nhưng không bắt tay ông Trump (Ảnh: Reuters)
Trump từ chối trả lời về việc công nhận kết quả bầu cử nếu thua
Ông Trump nói rằng, bà Clinton lẽ ra không nên được phép tranh cử. Tuy nhiên khi được hỏi liệu ông có công nhận kết quả bầu cử nếu bị thua hay không, ông trả lời rất lập lờ: "Để tôi xem lúc đó thế nào. Tôi sẽ để mọi người hồi hộp".
Bà Clinton đã chớp lấy cơ hội này để công kích ông Trump: "Đó không phải là cơ chế dân chủ của chúng ta". Bà cũng mỉa mai việc ông Trump bắt đầu than vãn rằng giải thưởng phim truyền hình Emmy bị “sắp đặt” khi ông không giành được giải.
"Một cỗ máy kinh tế đồ sộ"
Người dẫn Wallace đặt câu hỏi rằng tại sao cả 2 ứng viên không quan tâm đến vấn đề nợ công quốc gia. Đáp lại câu hỏi này, ông Trump nói: "Chúng ta sẽ lafm cho GDP tăng từ 1% đến 4%". Tỷ phú New York tuyên bố nếu đắc cử ông sẽ giúp nước Mỹ tạo ra một "cỗ máy kinh tế đồ sộ" bằng việc đưa việc làm trở về nước, tận dụng các lãnh đạo doanh nghiệp, những nhà thương thuyết giỏi nhất thế giới thay vì chính trị gia.
Bà Melania Trump, vợ ông Trump, và ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hòa Mike Pence theo dõi cuộc tranh luận (Ảnh: Reuters)
“Ứng viên tổng thống nguy hiểm nhất trong lịch sử Mỹ”
Đề cập đến các email của John Podesta, quản lý chiến dịch tranh cử của bà Clinton, bị Wikileaks công bố những ngày gần đây, ông Trump nói: “John Podesta nói một vài điều kinh khủng về bà, và anh ta đã đúng. Podesta nói bà có bản năng thậm tệ. Bernie Sanders nói bà có khả năng đánh giá sự việc tồi tệ. Tôi đồng ý với họ”.
Bà Clinton phản pháo: “Ông nên hỏi lại ông Sanders xem ông ấy ủng hộ ai làm tổng thống. Ông ấy nói rằng ông là người nguy hiểm nhất tranh cử tổng thống trong lịch sử Mỹ. Tôi nghĩ là ông ấy nói đúng”.
Iraq và cuộc chiến chống IS
Hai ứng viên tổng thống đã chuyển chủ đề tranh luận sang vấn đề cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Bà Clinton vẫn giữ quan điểm của mình khi nói rằng, bà ủng hộ đưa đặc nhiệm tới Iraq hỗ trợ quân đội nước này đánh IS, nhưng phản đối đưa quân đổ bộ vào Iraq.
Trong khi đó, ông Trump nói: "Để tôi nói cho mà nghe nhé. Chúng ta đang có Mosul (thành trì đang lung lay của IS ở Iraq), nhưng nếu chúng ta rời đi, chúng ta sẽ mất Mosul". Ông Trump cũng đổ lỗi cho bà Clinton khiến IS trỗi dậy.
Nhân cơ hội này, người dẫn chương trình đã hỏi lại ông Trump liệu rằng thành phố Aleppo ở Syria "đã thất thủ" như bình luận của ông trước đó, mặc dù ở đây vẫn có hơn 250 nghìn người trụ lại trong khi Tổng thống Obama vẫn kiên quyết không tuyên bố vùng cấm bay ở đây. Ông Trump nói rằng: "Đúng thế, Aleppo là một thảm họa". Aleppo hiện là nơi chiến sự nổ ra khốc liệt nhất ở Syria.
Ông Bill Clinton và con gái Chelsea tới ủng hộ vợ trong cuộc tranh luận (Ảnh: Reuters)
Khu vực dành riêng cho phóng viên tham gia đưa tin về cuộc tranh luận giữa Clinton và Trump (Ảnh: Reuters)
"Những khoản tiền không minh bạch"
Ông Trump cáo buộc Quỹ Clinton là một “doanh nghiệp bất hợp pháp”, rằng quỹ này nhận tiền từ Hoàng gia Ả rập Xê út hay người dân Haiti “không ưa” nhà Clinton. Trong cuộc tranh luận trước, ông Trump từng nói rằng, nhà Clinton đã dùng quỹ này để chu du khắp thế giới.
Trong khi đó, ông khẳng định toàn bộ tiền từ quỹ của ông đều được dùng cho hoạt động từ thiện, bác bỏ cáo buộc rằng ông dùng nó để chi trả các khoản phạt hay để mua sắm cá nhân.
Phản pháo tuyên bố này của ông Trump, bà Clinton nói: “Ông ấy vẫn chưa công bố bản kê khai thuế, mọi thứ ông ấy nói về làm từ thiện hay cái gì đi nữa cũng không thể kiểm chứng được, nhưng điều mà chúng ta biết chắc là ông ấy không đóng một đồng thuế liên bang nào”.
Trump bào chữa về cáo buộc quấy rối tình dục
Khi được hỏi tại sao 9 người phụ nữ đồng loạt tố cáo bị ông Trump quấy rối tình dục, tỷ phú New York một lần nữa phủ nhận: “Trước hết, tất cả những chuyện này chủ yếu nhằm hạ bệ tôi. Đó toàn là bịa đặt, ảo tưởng. Tôi thậm chí không phải nói lời xin lỗi vợ mình, người đang có mặt tại đây bởi vì tôi không làm việc đó. Không ai tôn trọng phụ nữ hơn tôi”.
Ông Trump cáo buộc bà Clinton đứng sau “màn dàn dựng” những cáo buộc này cũng như sau vụ hỗn loạn tại buổi vận động của ông ở Chicago hồi đầu năm nay.
Về phần mình, bà Clinton nói: “Ông Trump có những hành động coi thường phụ nữ để khiến ông ấy có vẻ mạnh hơn”.
(Ảnh: Reuters)
Clinton chế giễu đối thủ “nước mắt cá sấu"
Ông Trump công kích mạnh mẽ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) do cựu Tổng thống Bill Clinton phê chuẩn. Ông Trump nói, ông sẽ đàm phán lại NAFTA hoặc nếu không ông sẽ vứt bỏ để đàm phán các hiệp định mới.
Tỷ phú New York cũng cáo buộc bà Clinton đã bí mật ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định mà sau này khi tranh cử bà nói rằng bà phản đối vì nó không còn đáp ứng các tiêu chuẩn mà bà cho là cần thiết.
Bà Clinton phản pháo: “Khi tôi nhìn thấy bản thỏa thuận cuối cùng cho TPP, tôi đã phản đối. Nó không đáp ứng các tiêu chuẩn của tôi”.
Bà cáo buộc ông Trump “nước mắt cá sấu” khi than phiền về vấn đề mất việc làm trong khi vẫn chấp nhận để thép Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ.
“Người duy nhất trong hai người trên sân khấu này khiến việc làm chuyển hướng sang Mexico chính là Trump, ông ấy đã xuất khẩu việc làm sang 12 nước. Trump nhập khẩu thép Trung Quốc, thực tế khách sạn của ông Trump ở Las Vegas này cũng xây dựng bằng thép Trung Quốc”, bà Clinton nói.
Tranh luận về vũ khí hạt nhân
Khi bàn về quan hệ đồng minh và về vũ khí hạt nhân, ông Trump nói: "Tôi yêu NATO, nhưng họ vẫn sẽ phải trả tiền".
Ông Trump nói rằng, các đồng minh NATO đã bắt đầu trả tiền cho Mỹ đã nhận được sự đảm bảo an ninh từ Mỹ kể từ khi ông đưa ra ý tưởng này trong chiến dịch vận động tranh cử.
Ông Trump cũng nhân cơ hội này phủ nhận việc từng khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. "Tôi chưa bao giờ nói rằng Nhật Bản nên sở hữu vũ khí hạt nhân".
"Đấu khẩu" về Putin
Ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton (Ảnh: Reuters)
Trong cuộc tranh luận, ông Trump khẳng định: "Tôi không biết gì về ông Putin. Nếu chúng tôi thân thiết nhau, tốt thôi, ông ấy không tôn trọng bà ấy. Ông ấy không tôn trọng tổng thống của chúng ta".
Đáp lại, bà Clinton nói rằng, Tổng thống Nga Putin muốn ông Trump đắc cử bởi "ông ấy muốn một con rối làm tổng thống Mỹ". "Những gì tôi thấy là ông Putin không hề coi trọng con người này (ông Trump)".
Trump khen ông Putin khỏi hơn Obama và Clinton
Tỷ phú Trump cũng không bỏ lỡ cơ hội ngắt lời bà Clinton: "Bà ấy chẳng biết gì. Hillary, bà chẳng biết gì cả. Bà ấy không thích Putin vì Putin thông minh hơn bà ấy. Putin đã qua mặt bà ấy ở Syria".
Người dẫn chương trình đã đặt câu hỏi liệu ông Trump có lên án nếu Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ hay không, ông Trump đã nói rằng: "Nga hay bất cứ ai, tất nhiên tôi sẽ lên án. Tôi không biết Putin... tôi nói để các bạn biết nhé ông Putin giỏi hơn bà ấy và Obama trong mọi việc".
Trump tỏ ra bình tĩnh
Tỷ phú Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Theo phóng viên của Telegraph, trong cuộc tranh luận lần này, ông Trump tỏ ra bình tĩnh hơn những lần trước. Ông Trump được đánh giá nói năng khúc chiết hơn, đi thẳng vào câu hỏi hơn.
Ông Trump không thể hiện ra quá gay gắt như hai cuộc tranh luận trước, thậm chí lần này còn bớt gay gắt hơn cả bà Clinton và cũng ít cắt ngang lời đối phương hơn, Telegraph nhận định.
Vấn đề nhập cư
Clinton, Trump tranh cãi về vấn đề nhập cư
Về vấn đề nhập cư, ông Trump tiếp tục phản đối người nhập cư. Ông nói, 4 người mẹ ở khán phòng này đều có con phải chết dưới bàn tay của "những kẻ nhập cư trái phép". "Nếu không có biên giới, sẽ chẳng thể làm nên một quốc gia. Tôi lớn lên ở New Hampshire... có rất nhiều vấn đề ở đây do ông Obama và bà Clinton gây nên, heroin chẳng hạn. Chúng ta phải có đường biên chắc chắn. Tôi sẽ xây một bức tường, chúng ta cần một bức tường, chúng ta cần ngăn chặn tệ nạn buôn bán ma túy".
(Ảnh: Reuters)
Tòa án tối cao
Sau khi đề nghị khán giả "nín thở cầu nguyện" cho hai ứng viên, người dẫn chương trình Chris Wallace đã đưa ra câu hỏi đầu tiên liên quan đến tòa án tối cao.
Bà Clinton nói rằng, tòa án tối cao cần phải đứng về phía người dân, thay vì về phía doanh nghiệp hay giới giàu có.
Bà cũng bày tỏ hy vọng rằng Thượng viện sẽ phê chuẩn ông Merrick Garland làm Thẩm phán tòa án tối cao theo đề cử của Tổng thống Obama.
Bà cũng đề cập đến vấn đề nữ quyền, về quyền của người đồng tính và bình đẳng hôn nhân.
Ông Trump đã công kích bà Clinton vì cho rằng Tòa án tối cao đã sai lầm về Tu chính án số 2. Bà Clinton lập tức đã giải thích về lập trường của mình: "Tôi ủng hộ Tu chính án số 2. Tôi hiểu và tôn trọng vấn đề sở hữu súng. Tuy nhiên cần phải có sự kiểm soát thích hợp. Chúng ta đã có 33.000 người thiệt mạng mỗi năm vì súng đạn. Chúng ta cần có cơ chế kiểm soát triệt để về tiểu sử của người sở hữu súng. Và điều này không hề mâu thuẫn với Tu chính án".
Tuy vậy, ông Trump phản phảo rằng, ở Chicago mặc dù quy định kiểm soát súng đạn khá nghiêm ngặt nhưng bạo lực súng đạn vẫn tràn lan. Tỷ phú New York cho biết, nếu đắc cử, ông sẽ bổ nhiệm các thẩm phán ủng hộ Tu chính án số 2.
"Những thẩm phán mà tôi sẽ chỉ định sẽ phản đối phá thai và án tử hình. Họ sẽ có xu hướng bảo thủ và sẽ bảo vệ Tu chính án số hai", ông Trump nói
Hai ứng viên trên sân khấu tranh luận (Ảnh: Pool)
Trump, Clinton không bắt tay nhau
Video Trump, Clinton không bắt tay nhau trước khi tranh luận lần cuối
Hai ứng viên ra sân khấu mà không bắt tay nhau (Ảnh: Reuters)
Hai ứng viên đã bước ra sân khấu, bà Clinton trong trang phục màu trắng, còn ông Trump thắt cà vạt đỏ. Họ không bắt tay nhau và cũng không đứng quá gần nhau khi chào khán giả.
(Ảnh: Reuters)
Những người ủng hộ Trump và Clinton tại Las Vegas (Ảnh: Reuters)
New York Times dẫn nguồn thạo tin trước đó nói rằng, chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã đề nghị bỏ màn bắt tay chào hỏi giữa thân nhân của 2 ứng viên trước giờ tranh luận. Đề nghị này của bà Clinton được cho là nhằm tránh để ông Clinton phải bắt tay với những nhân vật mà bà không mong muốn.
Cuộc tranh luận được dự đoán sẽ thu hút không chỉ đông đảo khán giả tại khán phòng tranh luận mà còn hàng chục triệu người theo dõi qua truyền hình. Tại khán phòng ở Đại học Las Vegas, về phía đảng Dân chủ bà Clinton đã mời đến đây tỷ phú Mark Cuban - người chỉ trích gay gắt Donald Trump. Trong khi đó, về phía Cộng hòa, ông Trump đã mời ông Malik Obama, anh trai cùng cha khác mẹ của Tổng thống Obama tới dự.
Sân khấu của cuộc tranh luận (Ảnh: Getty)
6 chủ đề tranh luận chính
Hai ứng viên đã tới ở Las Vegas trước cuộc tranh luận (Ảnh: Getty/Reuters)
Cuộc tranh luận ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ Cộng hòa Donald Trump bắt đầu 9 giờ tối ngày 19/10 giờ địa phương (8h sáng ngày 20/10 theo giờ Việt Nam), tại Đại học Nevada ở Las Vegas.
Tương tự cuộc tranh luận đầu tiên, màn đối đầu này sẽ bao gồm 6 phần, mỗi phần kéo dài 15 phút. Người dẫn chương trình Chris Wallace sẽ mở đầu mỗi phần bằng 1 câu hỏi, sau đó mỗi ứng viên có 2 phút để trả lời. Bà Clinton và Trump sẽ có cơ hội để "phản pháo" nhau. Ông Wallace sẽ cân đối thời gian trong mỗi phần để thảo luận sâu hơn về từng chủ đề.
Cuộc tranh luận sẽ tập trung vào 6 chủ đề chính: nợ công và các quyền lợi; người di cư; kinh tế; tòa án tối cao; các điểm nóng ngoại giao và tiêu chuẩn để trở thành tổng thống Mỹ.
Màn đối đầu lần này được dự đoán sẽ kịch tính và khó dự đoán so với 2 cuộc tranh luận trước đó, bởi đây là cơ hội cuối cùng để 2 ứng viên chứng tỏ năng lực bản thân.
Cuộc tranh luận diễn ra sau khi ông Trump đưa ra bình luận có thể là lạ lùng nhất từ trước tới nay, rằng cuộc bầu cử tổng thống 2016 bị gian lận để giúp bà Clinton có thể chiến thắng. Trong khi đó, bà Clinton sẽ có một loạt các câu hỏi mới phải trả lời quanh các email bị đánh cắp được WikiLeaks công khai gần đây và những tiết lộ về việc sử dụng hòm thư cá nhân thời còn làm Ngoại trưởng Mỹ.
Donald Trump
Trump vận động tranh cử ngày 18/10, một ngày trước cuộc tranh luận thứ 3. (Ảnh: Getty)
Với Trump, cuộc tranh luận lần thứ 3 được xem là cơ hội cuối cùng để ứng viên Cộng hòa cố gắng thuyết phục các cử tri đang hoài nghi rằng một nhân vật lần đầu tham gia chính trường vẫn có khả năng trở thành tổng thống và đảo ngược quan điểm vốn đã hằn sâu rằng ông thiếu khí chất để trở thành nhà lãnh đạo của nước Mỹ. Đó không phải là việc dễ dàng, nhất là trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống.
Trong bối cảnh số liệu thăm dò trên toàn quốc của ông Trump giảm sâu và đảng Dân chủ đang có lợi thế tại các bang được xem là “thành trì” của phe Cộng hòa như Arizona, Trump lại đưa ra một cảnh báo với những người ủng hộ: “Nếu tôi thua cuộc, hãy đừng tin vào kết quả bỏ phiếu”.
Ông Trump gần đây đã lên tiếng cáo buộc rằng cuộc bầu cử bị “dàn xếp” và rằng hệ thống chính trị bị bẻ cong để đảm bảo cho một chiến thắng của bà Clinton. Những người chỉ trích Trump thì cho rằng việc ông cáo buộc cuộc bầu cử bị “dàn xếp” càng cho thấy ứng viên Cộng hòa ngày càng bi quan về viễn cảnh ngày bầu cử.
Tại một cuộc vận động tranh cử ở Colorado một ngày trước cuộc tranh luận, ông Trump đã nhắc đến một loạt những bất mãn của ông, trong đó có sự nghi ngờ về tính chính xác của cuộc bầu cử và cáo buộc truyền thông thiên vị. Giới quan sát đang chờ đợi xem ông có nêu ra vấn đề này trong cuộc tranh luận hay không và lý do nào để ông nói như vậy.
Hillary Clinton
Máy bay của Trump và Clinton "chạm mặt" nhau tại sân bay Las Vegas (Ảnh: Reuters)
Thách thức chính của bà Clinton trong màn đối đầu cuối cùng với ông Trump không khác nhiều so với thách thức mà bà đối đầu trong vài tháng qua: đưa ra với cử tri một tầm nhìn tích cực về nhiệm kỳ tổng thống của bà nếu bà đắc cử.
Trước cuộc tranh luận, không chỉ ông Trump gặp bất lợi với hàng loạt lời tố cáo về chuyện sàm sỡ phụ nữ, bà Clinton cũng đón nhận tin xấu từ chuyện các email bị đánh cắp từ hòm thư cá nhân của bà thời còn làm Ngoại trưởng và từ Chủ tịch chiến dịch tranh cử bà, John Podesta, bị trang web WikiLeaks công khai. Các email đã một lần nữa dấy lên những nghi ngờ về sự trung thực của bà.
Mặc dù bà Clinton đang bỏ khá xa đối thủ trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận nhưng nhiều người Mỹ vẫn không ưa chuộng bà. Nhiều nhà quan sát cho rằng bà Clinton là một gương mặt cũ kỹ trên chính trường Mỹ và không phải là một ứng viên xuất sắc cho cương vị tổng thống.
Nhiệm vụ quan trọng của người cầm trịch
Nhà bình luận chính trị Chris Wallace dẫn dắt cuộc tranh luận thứ 3 (Ảnh: Variety)
Người dẫn chương trình Chris Wallace, 69 tuổi, của Fox News có vinh dự để điều phối cuộc tranh luận lần này nhưng ông cũng đối mặt với áp dực lớn nhằm dẫn dắt hai ứng viên đi đúng vào các chủ đề trọng tâm. Ông Wallace là một nhà báo, nhà bình luận chính trị kỳ cựu, nổi tiếng là người luôn yêu cầu nhân vật được phỏng vấn trả lời thẳng vào vấn đề, không được quanh co.
Trong các cuộc tranh luận trước đó, những người dẫn dắt đã gặp áp lực trong việc duy trì vai trò như một trọng tài. Lần này, có một kỳ vọng rằng ông Wallace sẽ nêu tên các ứng viên nếu họ đưa ra những thông tin sai lệch và buộc họ phải kiểm tra, đặc biệt nếu họ không trả lời thẳng vào các câu hỏi hỏi được nêu ra.
Minh Phương-An Bình
Video: Washington Post